Tòa án ở miền đông Trung Quốc đã tuyên phạt 18 tháng tù giam đối với nam bị cáo trước cáo buộc quấy rối một cựu nữ nhân viên của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Nam bị cáo Zhang Guo là khách hàng của Alibaba đã gặp cựu nữ nhân viên của tập đoàn là cô Zhou vào tháng 7/2021 tại một bữa ăn tối. Theo cáo trạng của Tòa án Nhân dân quận Hòe Ấm của tỉnh Sơn Đông vào ngày 22/6, sau khi cô Zhou say xỉn, Zhang đã quấy rối cô này ngay tại nhà hàng và tiếp tục hành vi đồi bại tại phòng khách sạn của cô Zhou vào sáng ngày hôm sau.
Theo luật pháp Trung Quốc, những đối tượng dùng cưỡng bức, quấy rối hoặc sỉ nhục phụ nữ bằng các biện pháp bạo lực hoặc bằng nhiều phương thức khác sẽ bị xử tối đa 5 năm tù giam.
Chia sẻ với Cover News, cô Zhou cho hay cô biết được về phán quyết của tòa án qua thông tin mà truyền thông đăng tải, và cảm thấy đã phải đợi chờ suốt một thời gian dài để đòi lại công lý.
“Tôi cảm thấy tồi tệ, rất buồn, nhưng không ai đồng cảm với tôi”, cô Zhou cho hay.
Tuy nhiên, vợ của bị cáo Zhang cho biết gia đình sẽ kháng án.
Thông tin về vụ việc quấy rối chỉ được công khai vào ngày 8/8 năm ngoái, sau khi cô Zhou chia sẻ câu chuyện trên tài khoản mạng xã hội. Vào thời điểm đó, cô Zhou cáo buộc người quản lý họ Wang đã cưỡng hiếp, còn một khách hàng của công ty đã quấy rối cô trong bữa ăn tối bàn công việc.
Cô Zhao nghi ngờ một giám đốc điều hành của Taoxianda, dịch vụ vận chuyển thực phẩm tươi sống của Taobao Marketplace thuộc tập đoàn Alibaba đã ép cô tới bữa tiệc tối ở thành phố Tế Nam vào ngày 27/7/2021. Tại nhà hàng, cô đã bị chuốc cho say rượu, và đây là lúc nam khách hàng họ Zhang lợi dụng để quấy rối cô ở nhà hàng.
Sau đó, quản lý Wang đã đưa cô Zhou vào khách sạn và vào phòng của cô 4 lần. Ngày hôm sau khi tỉnh dậy cô gái thấy mình ở trong trạng thái khỏa thân nên đã báo cáo sự việc tới cảnh sát.
Cô Zhao còn cáo buộc các quản lý cấp cao của tập đoàn Alibaba phớt lờ những lời than phiền của mình.
Trong một bản ghi nhớ nội bộ, CEO của Alibaba là Daniel Zhang Yong nhấn mạnh ông đã “bị sốc, tức giận và xấu hổ” khi hay tin về sự việc, đồng thời yêu cầu có một cuộc điều tra toàn diện. Một số quản lý cấp cao của Alibaba cũng đã bị kỷ luật vì không xử lý thỏa đáng sự việc.
Trong khi đó, Taoxianda đã sa thải người quản lý họ Wang mà cô Zhou tố cáo đã cưỡng hiếp mình.
Sau quá trình điều tra, cảnh sát thành phố Tế Nam công bố vào giữa tháng 8/2021 cho biết, nam quản lý họ Wang được xác nhận đã quấy rối cô Zhou, nhưng không xảy ra hiếp dâm. Nam khách hàng Zhang được xác định đã quấy rối cô Zhou ở nhà hàng và tại phòng khách sạn.
Tới tháng Chín cùng năm, cảnh sát Tế Nam kết luận hành động của quản lý Wang không cấu thành tội danh, và không còn bị điều tra. Người này chỉ bị giam giữ 15 ngày.
Vụ việc đáng tiếc xảy ra với cô Zhou làm dậy sóng tranh cãi trong dư luận Trung Quốc về văn hóa công sở, bình đẳng giới và phong trào #MeToo ở nước này.
Chưa hết, vào tháng 10/2021, dư luận Trung Quốc một lần nữa sôi sục trước thông tin cô Zhou nói với Dahe Daily rằng cô đã bị tập đoàn Alibaba sa thải trước cáo buộc lan truyền “thông tin thất thiệt” gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của công ty.
Gia tăng bất bình đẳng giới
Trong bài viết về tình trạng bất bình đẳng giới ở nơi làm việc được CNN đăng tải hồi tháng 6/2021, ông Yue Qian, Phó Giáo sư chuyên ngành xã hội học tại Đại học British Columbia nhận định bất bình đẳng giới ở Trung Quốc đang trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây.
Vào năm 2020, thứ hạng của Trung Quốc trong Báo cáo Khoảng cách Giới Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã sụt giảm năm thứ 12 liên tiếp và xếp ở vị trí 107/156 nước. Trước đó, vào năm 2008, Trung Quốc được xếp ở vị trí 57.
Theo ông Qian, một phần nguyên nhân xuất phát từ sự bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc tạo ra văn hóa công sở khắc nghiệt và “thời gian làm việc kéo dài lạ thường”.
Một số công ty đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ vận dụng “văn hóa 996” khi yêu cầu nhân viên làm việc từ 9h sáng đến 9h tối và 6 ngày mỗi tuần, hoặc “văn hóa 007” làm việc suốt 27 tiếng trong 7 ngày.
Ở nhiều nơi trên thế giới, chuyện làm thêm giờ là tình trạng chung mà nhiều phụ nữ vừa làm mẹ vừa phải đi làm phải đối mặt. Nhưng ở Trung Quốc, câu chuyện càng trở nên khó khăn hơn, do sự phân chia công việc theo giới đã ăn sâu vào tiềm thức khi cho rằng phụ nữ chịu trách nhiệm lớn làm việc nhà và chăm sóc con cái.
“Văn hóa làm tăng ca được cho nhằm hướng tới sự bình đẳng giới với hy vọng cả nam và nữ đều phải làm việc thời gian nhiều hơn, và không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng những hy vọng này lại phản tác dụng với những người mẹ có có nhỏ đang tham gia thị trường lao động mà nhất là ở Trung Quốc, nơi đàn ông vốn không làm việc nhà và cũng không chăm con”, ông Qian nhấn mạnh.
Sự bất bình đẳng dường như càng gia tăng sau khi chính phủ Trung Quốc xóa bỏ "chính sách một con" vào năm 2016, dù đây là chính sách đã được thi hành suốt vài thập niên ở đất nước tỷ dân. Từ đây, Trung Quốc chuyển sang khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Chính phủ Trung Quốc còn có những chương trình vận động phụ nữ ở nhà và sinh thêm con.
Điển hình, bài báo của Tân Hoa Xã đăng tải vào năm 2016 cho rằng chính sách hai con sẽ cho phép nhiều phụ nữ đang đi làm “được trở về với gia đình”. Nhiều người trong số này là những phụ nữ có học thức và họ “hiểu rõ hơn vai trò của mình trong gia đình”.
Hay như bài báo đăng trên China Youth Daily vào năm 2017 dẫn lời chủ nhiệm khoa công tác xã hội tại một trường Đại học lớn của Trung Quốc cũng cho rằng, “Do những người mẹ có bản năng sinh sản tự nhiên, họ tốt hơn là ở nhà chăm sóc con cái”.
Song theo ông Qian, dù có gia tăng sức ép với phụ nữ về chuyện sinh con, rất ít người sẵn sàng làm chuyện này.