Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, suốt 18 năm cuộc đời chẳng bước chân ra khỏi lũy tre làng. Thứ tư tưởng luôn luôn thường trực trong đầu những người ở tuổi như bố mẹ tôi, chính là con gái lớn lên là để lấy chồng. Chính vì thế, học hết lớp 12, bố nói một câu: "Học thế đủ rồi" để chấm dứt những mơ mộng của tôi về cánh cổng đại học mãi nơi thủ đô xa xôi kia.
Tôi ở lại quê, làm công nhân may với mức lương làng nhàng đủ sống. Bố mẹ tôi vậy là đủ vui, đủ hạnh phúc. Vài ba năm nữa kiếm một tấm chồng cho ông bà bế cháu, thế là xong bổn phận làm con. Thế nhưng trong đầu tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ an phận. Tôi chán cái nghèo, chán làng quê này lắm rồi.
Một lần, cô em nhà hàng xóm đi học đại học về, kể cho nghe về thành phố, nơi rực rỡ ánh sáng mà tôi vẫn hằng mơ ước kia. Có thứ gì đó nảy ra trong đầu, tôi phải đi, tôi phải thoát khỏi nơi này.
Tôi chán đồng lúa, chán làng quê, chán cái nghèo lắm rồi. (Ảnh minh họa)
Hai bàn tay trắng, dắt túi thêm mấy trăm nghìn, tôi bắt chuyến xe sớm tinh mơ trốn bố mẹ lên Hà Nội. Không người thân, không bạn bè, không hiểu sao tôi lại có thứ dũng khí khinh người ấy để một thân một mình đi "làm giàu".
May mắn khi đó, tôi vô tình gặp được một chàng trai cùng quê và đã nhận được sự cưu mang của anh ấy. Chúng tôi yêu nhau, theo cách của những người nghèo. Anh còn đi học đại học, vẫn chạy xe ôm kiếm thêm hàng tối. Tôi bưng bê, phục vụ, cho đến cả xách vữa, gội đầu. Có lẽ đơn giản đó chỉ là thứ tình cảm của những người cùng khổ, thế nhưng chúng tôi cảm thấy may mắn vì còn có nhau dựa vào ở nơi đất khách quê người này.
Chúng tôi dọn về sống cùng nhau trong căn phòng trọ ọp ẹp chưa đến chục mét vuông. 20 tuổi, tôi phát hiện ra mình có thai. Nhưng có con vào lúc này, tôi biết phải làm sao? Ôm cái bụng bầu vượt mặt này về quê như minh chứng cho sự thất bại và ngông cuồng của chính bản thân mình? Hay giấu giếm ở lại Hà Nội, nuôi con bằng từng đồng tiền lẻ nhặt nhạnh từ những cuốc xe ôm của người yêu? Giàu có hoặc là chết, trước mắt chúng tôi chỉ có con đường ấy.
Căn phòng trọ ọp ẹp chưa được chục mét vuông của chúng tôi. (Ảnh minh họa)
Thế rồi cơ hội đến, tôi quen được một người chị cùng làm có người nhà làm ở đường dây môi giới xuất khẩu lao động. Đến trung tâm nghe người ta tư vấn về xuất đi nước ngoài lao động cho người nghèo không mất phí mà chỉ cần bỏ tiền vé máy bay, tôi gật đầu đồng ý luôn.
Đứa con mới được 4 tháng đỏ hỏn, nhưng dù có thương con đến thế nào, tôi cũng phải nắm chặt lấy cơ hội này. Đời tôi đã khổ rồi, tôi không thể để nó cũng khổ như mình được.
Đứng trước cửa hải quan, anh nói với tôi lời cuối:
- Anh biết là em muốn làm giàu, nhưng đâu phải ở đây chúng mình không có cách. Em đi rồi, anh và con sống tiếp thế nào. Em suy nghĩ lần cuối đi…
Không nói một lời, tôi kéo vali thẳng qua khu soát vé, bắt đầu hành trình đi làm giàu, cũng chính là bắt đầu bi kịch của cuộc đời mình…