Ngày 8-2 (mùng 8 Tết), tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) vẫn đông nghịt người. Nhiều hành khách tiếp tục phản ánh khó đặt xe về nhà sau chặng bay dài, giá cước vẫn còn cao.

Trong chờ đợi, ngoài hét giá

Theo ghi nhận, trưa cùng ngày, lượng xe máy, ôtô cá nhân đến đón người nhà liên tục ra vào khu nhà ga quốc nội. Ở khu vực gọi xe, loa sân bay phát thông tin khuyến khích hành khách và người nhà đặt xe công nghệ để giảm tải áp lực cho taxi truyền thống.

Tuy nhiên, nếu đặt xe công nghệ, hành khách phải chờ thang máy lên lầu 3, 4, 5 của nhà để xe TCP hoặc di chuyển sang khu vực nhà ga quốc tế. Chưa kể, giá cước xe công nghệ cũng tăng khá cao so với ngày thường do khan hiếm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy phản ánh vợ chồng chị đặt taxi công nghệ từ sân bay về đường Lê Văn Khương (quận 12) nhưng chờ khoảng 30 phút, xe vẫn chưa đến đón. Một số hành khách khác cũng phàn nàn mất cả giờ mới lên được xe công nghệ.

Còn tại làn D - dành cho các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Vinataxi, Saigontourist…, các phương tiện rồng rắn xếp hàng. Một tài xế hãng Vinataxi nói phương tiện không thiếu nhưng do chỉ có một làn xe được đón khách nên tài xế phải xếp hàng, dẫn đến khách đợi lâu. Theo tài xế này, chỉ 1-2 ngày nữa, lượng khách sẽ trở lại bình thường.

Trong khi đó, một số "cò" của taxi "dù" rảo quanh các tầng để kiếm khách ra ngoài bến. Thấy hành khách tay xách nách mang là "cò" lập tức chạy đến mồi chài, rất mất trật tự. Nếu khách đồng ý, họ sẽ dẫn khách ra ngoài sân bay đón xe, dùng chiêu trò ép giá.

Chị Lê Thị Thoa (quê Quảng Nam) phản ánh sau khi xuống máy bay, gia đình chị đăng ký đi xe hãng, xe sân bay và cả Grab nhưng đều không được. Ngược lại, "cò" taxi "dù" chèo kéo, hét giá gấp 5-7 lần. "Thấy không ổn, gia đình tôi đành kéo vali ra đường Trường Sơn đón Grab về nhà thì một rừng người mặc áo Grab, Be, xe "dù" tiếp tục chèo kéo. Khó khăn lắm, gia đình tôi mới thoát khỏi nhóm người này và đi một đoạn khá xa đến gần Công viên Hoàng Văn Thụ đón xe ôm truyền thống về nhà với giá 70.000 đồng" - chị Thoa bức xúc.

Vật vạ vì taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất: Khách đông nên... trở tay không kịp! - Ảnh 1.

Taxi công nghệ đón khách bên trong nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Ảnh: THU HỒNG

ACV: Rút kinh nghiệm

Liên quan đến việc khó đón taxi, ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc taxi Vinasun, cho rằng lượng xe phục vụ khách tại sân bay Tân Sơn Nhất rất nhiều. Tuy nhiên, do lượng hành khách đổ dồn về một lúc, phương tiện phải xếp hàng vào đón khách nên khách chờ đợi lâu. "Nếu tăng thêm xe cũng không giải quyết được gì, chưa kể xe phải chạy ra đường đậu gây mất an toàn giao thông. Về giá vé, chúng tôi khẳng định giá vé Tết không tăng so với ngày thường" - ông Hỷ khẳng định.

Đại diện một hãng xe công nghệ lý giải nhu cầu đặt xe bất ngờ tăng đột biến trong những ngày sau Tết Nguyên đán khiến hãng và tài xế "trở tay không kịp". Trước tình hình này, hãng khuyến khích tài xế đón khách ở khu vực này, áp dụng chính sách tăng tiền thưởng cho tài xế.

Một lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết trước việc hành khách phản ánh khó đặt xe, giá cước tăng, ACV đã yêu cầu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các đơn vị liên quan họp đánh giá, rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho nhu cầu đi lại trong những đợt cao điểm hè sắp tới. Còn việc thiếu taxi, xe công nghệ chỉ mang tính cục bộ, khi nhu cầu tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết.

Cũng theo lãnh đạo ACV, các đơn vị liên quan ở sân bay Tân Sơn Nhất đều họp hằng ngày và có phương án phân luồng, tuyến linh hoạt nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách, căn cứ vào lượng khách đi, đến tại từng thời điểm. Dù vậy, do nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến nên cũng có sự bị động nhất định, việc này đã được rút kinh nghiệm nhằm khắc phục những bất cập trong vận chuyển hành khách. 

Gần 11.000 chuyến bay trong 9 ngày nghỉ Tết

Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, từ ngày 29-1 đến 6-2 (từ 27 tháng chạp đến mùng 6 Tết), tổng công ty đã cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn cho 10.711 lần chuyến bay cất và hạ cánh tại các sân bay của Việt Nam trên toàn quốc. Trong 7 ngày nghỉ Tết Tân Sửu 2021, con số này là 6.330 lần chuyến. Đây là tín hiệu vui cho thấy hoạt động hàng không trong nước sẽ nhộn nhịp trở lại sau gần 2 năm sụt giảm vì đại dịch Covid-19.

D.Ngọc