“Một cô gái 25 tuổi bị gia đình ruồng bỏ, đuổi vì đi vay app. Cuộc đời không biết đi đâu về đâu. Giờ em chỉ muốn nhảy cầu”, là tâm sự nhưng cũng có thể hiểu là tiếng kêu cứu của một cô gái trẻ tên T.T, quê Quảng Nam, hiện đang “ẩn dật” tại TP Đà Nẵng. Câu chuyện của T.T cũng là bài học cảnh tỉnh cho những ai vì cần tiền mà bất chấp để vay nợ tín dụng đen.
“Ban đầu em vay 8 triệu đồng thông qua app có tên Sago với lãi suất do app đưa ra là 50%/tháng. Em đã phải trả mấy chục triệu tiền lãi cho app rồi, đến khi không còn khả năng trả nữa thì em xin khoanh nợ, nhưng app không chịu”, T.T kể.
T.T xin đàm phán khoanh nợ, tức là xin không cho phát sinh lãi, khoản nợ cô vay chỉ dừng lại ở 8 triệu đồng nợ gốc. Cái lý cô vin vào là số tiền cô đã trả thực chất lớn gấp 3 lần so với nợ gốc, nhưng đời không như là mơ.
“Giờ em chỉ muốn nhảy cầu”, T.T cảm thấy bế tắc và đã có những suy nghĩ tiêu cực.
Theo tìm hiểu của PV, app cho vay tiền mang tên Sago thuộc sở hữu của Công ty TNHH Heat Financial, có địa chỉ tại quận 7, TP.HCM.
PV trong vai người nhà chị T.T đã liên hệ đến số điện thoại hotline của Công ty TNHH Heat Financial để hỏi về trường hợp này, người nhận máy cho biết: “Trường hợp vay 8 triệu đồng thì số tiền thực nhận chỉ là 5,5 triệu đồng. Đến thời hạn, thường là 1 tháng thì khách sẽ phải trả đủ 8 triệu đồng. Quá thời hạn, dù một ngày thì công ty sẽ áp dụng mức phạt chậm trả với lãi suất 3%/ngày”.
Với lãi suất cắt cổ như vậy, dễ hiểu vì sao con nợ bị rơi vào bẫy trả gấp mấy lần vốn vay cũng chưa hết nợ.
Nhiều app cho vay tín dụng đen hiện nay, thủ tục cho vay dễ dãi khi chỉ cần số điện thoại, số chứng minh nhân dân là có thể nhanh chóng được giải ngân. Song mức lãi suất được công bố thực chất chỉ là “miếng phô mai trong cái bẫy chuột”, ngay cả khi người vay trả nợ đúng hạn.
Thậm chí, theo liệt kê của một “tín đồ” vay qua app, nếu vay 2 triệu đồng qua app, số tiền thực chất người vay được giải ngân chỉ từ 1,1-1,2 triệu đồng tùy từng app vì người vay còn phải đóng một loạt thứ phí vô lý.
“Đây gọi là phí hồ sơ để đảm bảo chắc chắn sẽ được duyệt hồ sơ mà không cần phải xác minh. Còn nếu người vay có lịch sử tín dụng tốt, có sao kê bảng lương 3 tháng gần nhất (nghĩa là có địa chỉ cơ quan rõ ràng và khả năng trả nợ cao), có số điện thoại của 3 người thân,… thì sẽ không mất phí”, người này giải thích.
Một trường hợp khác cũng khá phổ biến đối với những người đi vay, theo lời một “con nợ” là nữ, chị bị xếp vào danh sách nợ xấu thuộc nhóm 5 nên ngân hàng từ chối cho vay. Sau khi lên mạng internet tìm kiếm ngân hàng hỗ trợ nợ xấu, một người tự xưng là nhân viên tín dụng của Shin... Finance mời chào gói vay kèm giá dịch vụ xóa thông tin nợ xấu là 1,5 triệu đồng, với điều kiện chị phải chuyển khoản số tiền 1,5 triệu đồng “phí xóa nợ xấu” mới được công ty giải ngân.
“Em thấy sai sai nên gọi đến tổng đài của công ty tài chính này và được biết công ty này không bao nợ xấu và cũng không thu phí này. Do đó em quyết định không chuyển tiền nhưng người này cứ liên tục nhắn tin đe dọa, nếu không chuyển tiền thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự”. Giờ em rối quá không biết làm sao”, cô gái này cho biết.
Trường hợp của cô gái trên chỉ là một trong vô số những thanh niên trẻ người thiếu hiểu biết về pháp luật nên thường bị các đối tượng xấu lừa đảo, dọa nạt. Nếu cô gái vì sợ mà chuyển 1,5 triệu đồng “phí xóa nợ xấu”, điều chắc chắn là cô sẽ bị sập bẫy lừa.