Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng vừa tiếp nhận trường hợp bé T. T. B. T. 5 tuổi (địa chỉ Ngọc Tố, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) vào viện với yêu cầu kiểm tra bất thường ở tai.
Theo chia sẻ từ gia đình, lỗ tai bé bị ngứa ngáy, khó chịu, kiểm tra tại nhà phát hiện có dị vật, nghi ngờ là ve chó - do nhà có nuôi nhiều chó và bé T. thường xuyên chơi đùa, ôm ấp, gần gũi với những chú chó này.
Bé T. được nội soi tai để xác định chính xác dị vật, từ đó có phương án xử trí thích hợp. Hiển thị trên màn hình máy nội soi là rất nhiều ve chó kết thành ổ khá dày đặc trong cả hai ống tai ngoài.
Bác sĩ nhanh chóng quyết định tiến hành bơm rửa ống tai và sử dụng que hút để hút ve chó ra khỏi ống tai bé; riêng một số ve chó cỡ lớn bám quá chặt nên phải dùng đến kẹp gắp.
Sau hơn 20 phút, cả hai ống tai ngoài của bé T. đã được vệ sinh sạch sẽ, không còn tồn tại dị vật. Bác sĩ kê đơn thuốc (gồm thuốc uống và thuốc nhỏ tai) cho bé T. và hẹn tái khám sau 05 ngày.
Trường hợp bé T. nếu không phát hiện và xử trí sớm, thời gian dài có khả năng dẫn đến ve chó sẽ chích hút máu và làm tổn thương màng nhĩ.
Trước đó, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp nhập viện khi bệnh nhân nữ (24 tuổi) có triệu chứng ngứa tai liên tục khoảng 1 tuần. Sau khi được kiểm tra qua nội soi tai đã phát hiện bên trong tai của người bệnh có dị vật là 1 con ve chó. Sau đó, các bác sĩ đã lấy ra được dị vật, người bệnh hết cảm giác ngứa tai, màng nhĩ nguyên vẹn và được cho xuất viện.
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc BV Đa khoa An Việt, Hà Nội, nguyên trưởng khoa khám tai mũi họng trẻ em, BV Tai Mũi họng Trung ương cho biết bà gặp nhiều trường hợp bị các ký sinh trùng từ thú cưng chui vào tai, mũi.
Nhiều gia đình, nuôi và xem thú cưng như những thành viên trong nhà, chăm sóc chúng như đứa trẻ: hôn hít, ẵm bồng, dắt đi dạo, ăn chung, ngủ chung… Tuy nhiên, thói quen đó là tiềm ẩn nhiều nguy hại về sức khỏe mà ít người biết đến. Thú cưng thường được nuôi là chó, mèo, chim, chuột… nhưng phổ biến nhất là chó và mèo.
Bởi vì, dù là thú vật cũng mang những mầm bệnh trên mình và có thể lây truyền mầm bệnh đó cho những người sống chung.
BS An cho biết với ve chó khi chui vào tai sẽ bám chặt vào da ống tai hoặc thường gặp nhất là màng nhĩ để hút máu, nếu xử lý không đúng (dùng kềm, móc) có thể làm thủng màng nhĩ. Với trường hợp này chỉ có thể xịt thuốc tê và để ve chó/mèo không bám chặt vào màng nhĩ nữa, sau đó hút ra.
Những người có thói quen thường xuyên ôm và vuốt ve chó khi ngủ càng dễ nhiễm hơn. Chính điều này đã khiến ve chó ký sinh từ thú cưng có cơ hội để chui vào tai và gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
BS An cũng gặp nhiều trường hợp khác bị côn trùng chui vào tai như kiến, gián đất, … Những triệu chứng gợi ý có côn trùng chui vào tai là: đau tai, ngứa tai.
Khi bị côn trùng chui vào tai, người bệnh không nên tự ý chọc ngoáy, cố gắng tự lấy tại nhà mà nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ lấy ra. Trước đó người bệnh có thể nhỏ nước ấm và oxy già vào tai để có thể giết chết côn trùng.
Do đó, BS An khuyến cáo mọi người nên lưu ý, dù có yêu thương thú cưng đến như thế nào cũng nên hạn chế quá gần gũi với chúng, không nằm ngủ dưới đất, nhất là trong lúc ngủ.
Ngoài ra thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cho thú cưng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ cũng là cách để bảo vệ sức khỏe của chúng ta.
Hạn chế cho trẻ nhỏ tiếp xúc trực tiếp với thú cưng quá nhiều. Nếu trẻ nhỏ tiếp xúc nhiều với thú cưng, cần kiểm tra tai, mũi, họng của bé để đảm bảo không có bất thường xảy ra.
Đưa bé đến bệnh viện ngay khi phát hiện dị vật không xác định có trong tai, mũi, họng; không nên tự xử trí tại nhà.