Trong những gia đình có nhiều hơn 1 người con, liệu các bậc phụ huynh thường lo sợ điều gì nhất?
Khi chúng còn bé, nỗi lo có lẽ chỉ gói gọn trong bữa ăn, giấc ngủ. Lớn hơn một chút, chúng ngoan ngoãn nghe lời, biết chăm chỉ học hành là cha mẹ yên lòng. Tới tuổi các con trưởng thành, lo xong chuyện dựng vợ gả chồng, nhìn chúng hạnh phúc với gia đình nhỏ của riêng mình, đến đây, nhiều người hẳn sẽ nghĩ người làm cha làm mẹ có thể yên lòng, an hưởng tuổi già được rồi?
Câu trả lời là "chưa chắc"! Với những gia đình dư giả, có chút "của ăn của để", đôi khi anh em trong nhà chỉ bắt đầu xích mích, bất hòa sau khi cha mẹ bắt đầu phân chia tài sản của mình cho các con.
"Nên phân bổ tài chính như thế nào khi về già?" trở thành nỗi băn khoăn gần như lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ ở tuổi xế chiều. Trang Toutiao đã đăng tải 2 câu chuyện của 2 bà mẹ U80 về cách họ chi tiêu cho bản thân và các con lúc tuổi già.
Bác Phương (79 tuổi): Dành một khoản cho mình, số còn lại chia cho các con nhưng không chia đều
Bác Phương và chồng đều là những giáo sư đã nghỉ hưu. Vợ chồng bác không quá giàu có nhưng cũng không phải là không có gì để lại cho con cái. Bác Phương có 3 người con, 2 người con trai và 1 cô con gái út. Cả 3 đều đã lập gia đình.
Vì sinh ra và lớn lên trong gia đình gia giáo, có học, cả 3 người con của bác Phương đều có trình độ học vấn từ Thạc sĩ trở lên.
Xét về sự nghiệp, người con trai cả là kém nổi trội nhất. Anh vẫn chỉ là kỹ sư xây dựng bình thường, chưa được thăng chức làm quản lý. Nhưng đổi lại, con dâu cả của bác Phương lại làm trong lĩnh vực tài chính và kiếm được nhiều tiền. Người con trai thứ 2 thì khá hơn, hiện đang là Giám đốc của một doanh nghiệp nhỏ. Nhưng thế gian "được vợ, hỏng chồng". Người con dâu thứ 2 của bác Phương hiện đang chưa tìm được việc làm sau hơn 2 năm nghỉ sinh. Cuối cùng là cô út, dù cô lấy chồng xa nhưng trộm vía gia đình cũng hòa thuận và làm ăn được.
Sau khi dựng vợ gả chồng cho 3 con, vợ chồng bác Phương nhất quyết không chịu ở chung với người con nào. Hai bác không muốn can thiệp hay phụ thuộc nhiều vào cuộc sống của các con. Miễn sao gia đình chúng vui vẻ, hòa thuận và mạnh khỏe là bác mừng.
Tuy nhiên, quy luật sinh lão bệnh tử khiến vợ chồng bác Phương bắt đầu suy nghĩ về việc phân chia tài sản của mình cho các con sau khi bác trai gặp một trận ốm nặng, liên quan tới bệnh tim.
Trong suốt khoảng thời gian bị ốm, dù 2 bác đã dành 1 khoản tiền để thuê người chăm sóc, tránh "phiền" các con, người con trai vẫn nhất quyết bỏ cả công việc để về nhà chăm bố suốt 1 tuần. Người con thứ 2 chỉ tới cách ngày và không ở lại qua đêm. Trong khi đó, cô con gái út chỉ gọi điện cho bác Phương hỏi thăm tình hình sức khỏe của bố mà chẳng về thăm với lý do vướng bận chuyện con nhỏ.
Ngẫm nghĩ lại chuyện đó, vợ chồng bác Phương quyết định chia số tài sản mình có ra làm 4 phần: 2 phần cho người con trai cả, 1 phần cho người con trai thứ hai và 1 phần cho cô con gái út. Hai bác cũng nhấn mạnh lý do vì sao bản thân lại quyết định phân chia tài sản như vậy trong bản di chúc, tránh trường hợp các con cãi nhau, mâu thuẫn chỉ vì cảm thấy mình "thua thiệt".
Bác Zhang (76 tuổi): Đầu tư cùng con, tiền lời chia đều cho các con và các cháu
Bác Zhang từng là bác sĩ phụ khoa cho một bệnh viện lớn. Sau khi nghỉ hưu, bác vẫn tiếp tục làm việc mười năm sau đó. Chính vì thế, bác có một khoản tiền không nhỏ để an hưởng tuổi già cũng như dành cho con cháu.
Khác với bác Phương, bác Zhang có 3 người con gái và hoàn cảnh mỗi người lại chẳng giống nhau.
Cô con gái cả của bác Zhang là nhân viên ngân hàng, đã kết hôn và có 1 cậu con trai. Dù công việc bận rộn nhưng con gái cả luôn đưa cháu về thăm bà mỗi cuối tuần. Cô cũng luôn nhớ những món ăn mà bác Zhang thích và lần nào về thăm mẹ, cũng "mang đầy một xe ô tô".
Cô con gái thứ hai của bác Zhang làm việc ở một doanh nghiệp tư nhân và thường xuyên phải làm thêm giờ, hiện đang một mình nuôi con sau khi ly hôn với chồng. Công việc bận rộn lại chẳng thể dựa vào người bạn đời, nên người con thứ 2 này thường xuyên phải gửi con cho bác Zhang chăm sóc. Bác Zhang cũng rất vui vẻ và sẵn lòng giúp đỡ con gái chứ không hề cảm thấy phiền hà gì.
Còn cô con gái út và chàng rể út của bác Zhang đều là dân kinh doanh. Công việc của họ vốn rất thuận lợi nhưng gần 3 năm trở lại đây, gia đình người con út có gặp chút khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bác Zhang đã thẳng thắn nói với ba cô con gái về số tiền mình có. Bác gửi một ít tiền vào ngân hàng nơi con gái lớn đang làm việc phòng trường hợp khẩn cấp, con cả sẽ chủ động trong việc dùng tiền để lo cho bác. Số tiền còn lại được đầu tư vào công việc kinh doanh của cô con gái út, lợi nhuận sẽ được chia đều cho cả ba cô con gái. Nếu chẳng may làm ăn thua lỗ, cô con gái thứ ba hứa sẽ trả nợ gốc và lãi để bảo vệ nhu cầu lương hưu của mẹ.
Bác Zhang luôn tuân thủ nguyên tắc công bằng và phân bổ rõ ràng số tiền tiết kiệm của mình cho ba cô con gái. Việc quản lý, sử dụng tài sản này đã được lên kế hoạch kỹ càng để đảm bảo cho các con của bàc không có tranh chấp tài sản sau khi bác qua đời.