Những câu chuyện lần đầu về ra mắt nhà người yêu luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Kể cả ở xã hội hiện đại, chuyện mẹ chồng tương lai thử thách con dâu bằng việc dọn dẹp, nấu nướng hay rửa bát ngay trong ngày đầu ra mắt cũng không phải quá hiếm. Nhưng cách phản ứng của các cô gái và anh bạn trai thế nào trong tình huống này mới là điều đáng nói.
Mới đây, một cô gái trẻ lên mạng than thở trong một diễn đàn về buổi ra mắt nhà người yêu không mấy tốt đẹp.
Cô viết: "Các mẹ nghĩ sao về quan niệm cứ con gái về nhà bạn trai thì phải lăn lộn, làm hết cái nọ đến cái kia mới là đảm đang? Em không hiểu sao các bà vẫn còn những tư tưởng cổ hủ thế. Em mới chia tay mối tình 2 năm chỉ sau lần về nhà bạn trai ra mắt.
Lúc đầu em cũng chưa có ý định gặp bố mẹ anh ấy đâu vì thực ra chúng em còn trẻ, chưa nghĩ đến việc cưới xin. Thế nhưng anh ấy bảo về cho bố mẹ yên tâm là chúng mình quan hệ nghiêm túc. Ai ngờ anh ấy cho em về đúng hôm nhà có giỗ. Em có trách thì anh ấy lại bảo: 'Cũng chỉ thêm mấy người thân ruột thịt chứ có ai xa lạ đâu. Cho họ biết cô cháu dâu xinh đẹp, giỏi giang'. Bị dồn vào thế khó, em đành 'liệu cơm gắp mắm'.
Ấn tượng ban đầu về mọi người nhà anh rất ổn, ai cũng thân thiện, hỏi han em có vẻ quan tâm lắm. Lúc ăn cơm thì bọn em bị tách ra, vì ở quê hay có kiểu mâm đàn ông uống rượu, mâm phụ nữ sẽ kết thúc nhanh hơn. Mẹ anh gắp thức ăn cho em rồi còn trêu em là 'ăn nhiều mới có sức để lấy chồng'.
Xong xuôi em cũng bê bát đũa ra sân phụ mọi người. Nhà anh ăn tất cả là 10 mâm, em cũng chưa ăn cái giỗ nào to vậy. Thế mà anh bảo 'đây chỉ là giỗ cụ, giỗ ông nội anh còn to hơn'.
Tự nhiên một chị trong họ nhà anh đưa cho em cái can rửa bát rồi bảo: 'Nhất cô nhé, nay được thử thách nhẹ nhàng chứ bọn chị ngày xưa toàn 2 chục mâm. Cứ từ từ mà làm em ạ, còn 2 mâm đàn ông nữa là xong rồi'. Nói xong chưa để em kịp phản ứng chị ta đã đi lên nhà. Rồi chả ai bảo ai, đi hết 1 loạt để em trơ trụi với đống bát, mẹ anh thì mải chia lộc để phát cho mọi người.
Em cũng ngồi xuống rửa được khoảng gần 2 mâm thì nghĩ sao vứt toẹt đấy gọi anh ra. Anh ta thí nịnh em là: 'Thôi cứ coi như là thử thách, mẹ bảo dâu mới là phải vượt qua vòng này, em cố 1 tí rồi lên thành phố anh đền bù'. Ôi em nghe xong mà ức tận cổ. Không còn nể nang gì nữa em ném luôn cái giẻ xuống chậu tuyên bố luôn mặc kệ ai đang nhìn: 'Em là người yêu anh, em về chơi nhà anh lần đầu để làm quen với mọi người chứ em không đi chơi gameshow mà cần thử với thách. Cái luật của nhà anh thật hết sức vô lý, em không ngại việc nhưng cái em cần là nhận được sự tôn trọng của những người em đã tôn trọng. Còn cái vinh hạnh 'làm dâu' này em xin nhường lại cho người khác. Chào và hẹn không bao giờ gặp lại'.
Khỏi phải nói cả mấy bà chị, bà cô nhà anh nháo nhác ra sân nhìn em như vật thể lạ. Mẹ anh thì tức ra mặt, em chả quan tâm, em lấy đồ ra thẳng cổng chả thèm ngoái đầu. Em cũng xác định mối quan hệ này chấm dứt từ đó rồi".
Rất nhiều người tán thành với cách xử lý của cô gái. Nhưng có người lại cho rằng cô chưa được khéo léo và có phần sỗ sàng. Thế nhưng, đúng hay sai thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu được hết. Vẫn biết yêu là phải cố gắng vì nhau mà hoàn thiện bản thân, vì tình yêu mà cố gắng hòa hợp nhưng cái gì cũng cần có thực tế. Với một gia đình chồng gia trưởng, chồng nhu nhược thế kia thì liệu có cô gái nào hạnh phúc được trong ngôi nhà ấy.
Thế nên, các cô gái cũng cần có sự tỉnh táo khi yêu và tìm hiểu. Đừng nghĩ rằng lấy chồng chứ không lấy bố mẹ chồng để sau này bước vào cuộc sống hôn nhân sẽ phải chịu những điều không đáng có.