"Thời của phim Việt đã đến!", người ta nói câu này khi chứng kiến Gạo nếp gạo tẻ khuynh đảo màn ảnh nhỏ Việt Nam trong quãng thời gian dài kỷ lục: 8 tháng hồi năm ngoái. Trước Gạo nếp gạo tẻ từng là sự thống trị của Người phán xử, và cùng thời điểm của Gạo cũng là lúc người anh em xứ Bắc Quỳnh búp bê "chinh phạt" màn ảnh nhỏ...
Nhưng giờ đây, khi mà đi khắp mọi ngóc ngách phố phường, đâu đâu cũng thấy vang lên giai điệu quen thuộc "Cảm ơn con nhé người con dấu yêu...", khi mà hễ mở mạng xã hội là có thể bắt gặp một status nào đó của bạn bè, người thân, hoặc các... shop bán hàng online liên quan đến Về nhà đi con; đến cả tin nhắn thông báo khuyến mại của các app đặt xe công nghệ trong điện thoại cũng theo trend bộ phim này... thì người ta phải thốt lên một câu hoàn chỉnh hơn: "Thời hoàng kim của phim truyền hình Việt đã đến!".
Không ngoa khi nói rằng Về nhà đi con là bộ phim giúp thay đổi thói quen xem phim của người Việt. Trước đây Gạo nếp gạo tẻ gây "bão", nhưng có thể thấy độ phủ sóng của phim chưa đủ rộng khắp vì không phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia. Những Người phán xử, Quỳnh búp bê thì lại giới hạn đối tượng khán giả. Tuy nhiên sang đến Về nhà đi con, tất cả những yếu tố giới hạn trên đã được phá bỏ. Phát sóng trên kênh VTV1 vào đúng khung giờ vàng, Về nhà đi con đã tạo nên một cuộc "cách mạng" trong việc thay đổi thói quen xem phim của các gia đình Việt.
Với nội dung hướng đến tất cả các đối tượng khán giả, Về nhà đi con đã làm được một việc mà không phải bộ phim nào cũng làm được, đấy là tạo thói quen cứ tới đúng khung giờ là tự động các thành viên trong nhà quây quần bên nhau để xem phim. Nếu như trước đây, các nội dung phát sóng trên truyền hình thường khu biệt đối tượng khán giả rõ rệt, có thể cùng khung giờ vàng, thế hệ ông bà xem phim Ấn Độ, bố mẹ xem phim Hàn Quốc hoặc lướt facebook, con cái xem hoạt hình trên Youtube... thì giờ đây, tất cả đã có thể cùng chung một mối quan tâm, đấy chính là Về nhà đi con.
Đi từ bước khởi đầu là giúp các thành viên trong gia đình tìm được một "tiếng nói" chung, có thể ngồi lại với nhau, Về nhà đi con lại đi tới bước thứ hai khó khăn hơn, đấy là giúp gắn kết các thế hệ bằng một nội dung nhân văn, xúc động, có khả năng lan truyền sự đồng cảm.
Có ai từng muốn về nhà ăn cơm với bố mẹ thay vì những cuộc tụ tập bạn bè ngoài hàng trà sữa, trong rạp chiếu phim... khi xem cảnh những bữa cơm gia đình đầm ấm của nhà ông Sơn? Nếu đã là một cô con gái đi lấy chồng, có ai từng trào nước mắt nghĩ đến việc mình phải "bay" về nhà thăm bố mẹ đẻ khi xem cảnh ông bố gà trống lủi thủi một mình trong căn nhà vắng con, vừa mắng con là thế nhưng vẫn nấu cơm thật ngon chờ đợi con về?
Hoặc bản thân những người làm cha, làm mẹ có thể cũng có cách nghĩ khác đi khi xem cảnh gia đình ông Sơn kéo sang thăm Thư đẻ, nhưng rồi khi cả nhà ra về chỉ còn lại cô con gái bơ vơ lạc lõng giữa nhà chồng, đối diện với nỗi cô đơn và cảm giác bất lực vì chồng đi ngoại tình mà không thể tỏ cùng ai... Họ cũng có thể tự rút ra những bài học cho bản thân mình ở cái tuổi mà không ai nghĩ mình cần phải học nữa, khi xem cảnh ông Sơn dằn vặt với những suy nghĩ về con cái, dằn vặt lựa chọn cách giải quyết các mâu thuẫn gia đình, cách đối diện với các biến cố trong cuộc đời mỗi cô con gái...
Và dù là cha mẹ hay con cái, có lẽ ai cũng từng có những phút giây muốn nắm tay người thân của mình thật chặt, hoặc tự nhủ trong tâm tưởng rằng đời này không gì quý bằng máu mủ ruột rà, hãy yêu thương, quan tâm những người bên cạnh lúc còn có thể... khi xem Về nhà đi con!
Một bộ phim làm ra không đơn thuần chỉ giúp giải trí, mà còn có khả năng gắn kết các thế hệ, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, nhân văn, nói Về nhà đi con là bộ phim quốc dân, cũng là bởi vì như vậy!
Trước Về nhà đi con, cũng đã từng có nhiều bộ phim tạo "trend" trên mạng xã hội. Đó là khi các câu thoại của "Người phán xử" Phan Quân được chia sẻ mạnh mẽ, hay hình ảnh của những Phan Hải, Lương Bổng, Quỳnh búp bê, My sói... đều trở thành những "meme" lan truyền chóng mặt trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên phải sang đến Về nhà đi con, yếu tố tạo "trend" mới thực sự được nâng lên tầm mới.
Chắc hẳn ai cũng nhớ khoảng thời gian cả facebook phát cuồng với trào lưu "thanh xuân", mà đơn giản chỉ bắt nguồn từ câu thoại "thanh xuân như một ly trà" của nhân vật Dương trong phim.
Hoặc trước đó, những câu thoại cực "chất" của Thư "Xính Lao", của Dương "Tomboyloichoi"... cũng từng lan truyền chóng mặt và được dân mạng thuộc nằm lòng chẳng kém bất kỳ châm ngôn sống nổi tiếng nào.
Không chỉ thoại phim, trang phục của nhân vật, các tình huống trong phim, và ngay chính tên của bộ phim cũng tạo trend trên mạng xã hội. Ngoài ra điều khiến Về nhà đi con đặc biệt hơn các bộ phim khác, đấy là không chỉ các tình huống phim thú vị, các câu thoại hài hước được lan truyền, mà cộng đồng mạng còn tích cực truyền tay nhau cả những tình huống phim xúc động, những câu thoại giàu ý nghĩa, hướng tới gia đình.
Chắc hẳn ai cũng nhớ cảnh phim ông Sơn sang nhà thông gia xin con gái và câu nói người bố dành cho con trước khi ra về: "Giờ bố chẳng còn gì ngoài sự già nua, giáo điều, lẩm cẩm. Nhưng bố có tình yêu và một ngôi nhà, để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về". Ngay sau khi tập phim lên sóng, câu thoại ấy cũng được cộng đồng mạng chia sẻ chóng mặt với những status mùi mẫn nói về tình thân, gia đình, về những người cha...
Bên cạnh việc tạo "trend" trên mạng xã hội, Về nhà đi con còn làm được một việc mà ở góc độ làm phim, bất cứ nhà sản xuất nào cũng mong mỏi đạt đến, chính là việc gắn kết giữa phim với đời, tạo sự tương tác mạnh mẽ đối với khán giả màn ảnh nhỏ.
Fanpage của Về nhà đi con thu hút hơn 600.000 lượt thích, mỗi clip đăng tải đều thu về con số hàng triệu views, với số lượt bình luận "gây sốc", ít thì cũng là khoảng 2.000 - 3.000 bình luận, mà nhiều thì lên tới 7.000 - 8.000... Đây là một con số không tưởng, chưa từng có tiền lệ đối với bất kỳ bộ phim Việt nào, ngay cả Gạo nếp gạo tẻ với sự "bành trướng" trên Youtube và Facebook thời điểm năm 2018.
Nhiều người quan niệm rằng, nổi tiếng cũng phải chờ thời, thành công nhiều khi cũng phải do "số". Nhưng đấy không phải trường hợp của Về nhà đi con.
Thực tế mà nói, trước khi Về nhà đi con lên sóng, đây không phải là tác phẩm hút truyền thông bậc nhất. Phim sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng, tuy nhiên có nhiều ngôi sao đã quá "nhẵn mặt" khán giả như NSƯT Trung Anh, NSND Hoàng Dũng, Thu Quỳnh, Bảo Thanh... Mà nhẵn mặt, thì cũng đồng nghĩa với dễ gây nhàm chán.
Thế nhưng, trải qua từng tập phim, Về nhà đi con nhanh chóng chinh phục được những khán giả khó tính nhất và trở thành tác phẩm thống trị màn ảnh nhỏ cũng như mạng xã hội.
Nếu không sở hữu nội dung hấp dẫn, cách làm phim tử tế, những tình huống phim chạm tới trái tim khán giả... thì dễ gì mà đạt được vị trí ấy? Cả dàn diễn viên ngôi sao của bộ phim, nếu diễn xuất vẫn cứ rập khuôn, một màu, dễ bị lẫn lộn với các tác phẩm khác... thì dễ gì mà phim nổi tiếng được như vậy?
Có thể nói yếu tố lớn nhất giúp Về nhà đi con đạt được thành công như hiện tại, đấy chính là sự chân thật, tính "đời" của tác phẩm. Phim truyền hình Việt gần đây có nhiều tác phẩm thành công, được công chúng yêu thích, tuy nhiên vẫn có rất nhiều yếu tố "phim" đến từ cách diễn xuất, tình huống, lời thoại nhân vật... Tuy nhiên với Về nhà đi con, khán giả gần như không cảm nhận được cái ranh giới phim - đời rõ ràng ấy!
Yếu tố giúp bộ phim "đời" nhất phải kể đến phần thoại phim xuất sắc. Các diễn viên trong Về nhà đi con từ chính đến phụ, dù là ngôi sao nổi tiếng hay diễn viên quần chúng lướt qua màn hình, thì phần thoại phim cũng tự nhiên như hơi thở, sử dụng nhiều ngôn ngữ đời thường, không bị cứng và giả như điểm yếu về mặt lời thoại mà nhiều phim Việt từng mắc phải trước đó.
Diễn viên Hoàng Anh Vũ, thủ vai Dũng - một nhân vật vốn không phải tuyến chính trong phim từng chia sẻ rằng khi vào diễn, anh vẫn phải tự điều chỉnh sao cho câu thoại khi nói ra được tự nhiên nhất bởi: "Nếu nói theo kịch bản thì không thể ra giọng mình ngoài đời!". Nam diễn viên thú nhận, anh cũng phải nghiên cứu thực tế cuộc sống cũng như trên mạng xã hội để xem các bạn trẻ đang nói gì để có thể thoại sao cho gần với đời thực nhất.
Để nói về độ chân thực của thoại phim và tình huống, có thể lấy ví dụ một phân cảnh rất nhỏ khi nhân vật Thư bắt Vũ trông con và "hạ lệnh" cho chồng: "Trông con đi cho người ta còn đi tắm!", rồi đến khi Vũ không biết cách dỗ con, cô lại quát anh là "Cút ra!"; hoặc đơn giản như cách Thư dỗ dành đứa trẻ rằng: "Mẹ thương, mẹ thương em!"... rất nhiều khán giả nữ bình luận rằng họ cứ ngỡ phim đang chiếu lại cảnh cuộc sống bỉm sữa thường nhật của họ vậy!
Thoại phim đã "đời", diễn xuất của diễn viên cũng "đời" không kém. Bên cạnh những gương mặt nghệ sĩ gạo cội mà diễn xuất với họ vốn đã chân thực như NSƯT Trung Anh, NSND Hoàng Dũng... thì nữ diễn viên trẻ Bảo Thanh thực sự là một điểm sáng nổi trội của Về nhà đi con. Cách Bảo Thanh thoại, cách cô nghẹn giọng nhưng không khóc, cách kiểm soát đến từng giọt lệ trong khóe mắt... khiến khán giả phải nổi da gà với những phân đoạn của Thư.
Hoặc với Thu Quỳnh, trước khi đến với Về nhà đi con, người ta từng lo Quỳnh "chết vai" với My Sói trong Quỳnh búp bê. Bản thân nhân vật Huệ trong phim cũng không phải kiểu nhân vật dễ chiếm spotlight như Thư, nhưng thực sự để diễn được một chị Huệ khiến người ta không còn nhớ My Sói chút nào như hiện tại, không thể phủ nhận đấy chính là thành công của Thu Quỳnh.
Về nhà đi con còn đem tới một luồng gió mới cho khán giả với sự xuất hiện của dàn diễn viên phía Nam như Ngân Quỳnh, Quốc Trường, bên cạnh các gương mặt hoàn toàn mới như Bảo Hân, Quang Anh... Tất cả các yếu tố đó cộng hưởng với nhau, tạo nên sự đa sắc màu, thú vị cho tác phẩm.
Dù thời lượng mỗi tập chỉ khoảng 25 phút nhưng với số tập lên tới con số 85, thách thức lớn nhất với bộ phim chính là làm thế nào để không bị rơi vào tình trạng nhàm chán hoặc bị khán giả phản ứng là cố tình câu kéo, bôi dài cốt truyện - vết xe đổ mà Gạo nếp gạo tẻ từng mắc phải trước đó.
Nhưng cho đến hiện tại, bộ phim quốc dân giải quyết vấn đề này rất ổn thỏa. Cách thiết lập các cao trào một cách đúng đắn, đan xen cao trào đó trong các tập phim một cách hợp lý đã giữ được chân khán giả.
Khi người xem chớm có biểu hiện thấy phim hơi lê thê thì ngay lập tức, nhà sản xuất lại tung ra một tình huống cao trào hấp dẫn để giữ chân. Có đôi khi, các nhân vật trong phim gây ra phản ứng trái chiều, thì ngay lập tức biên kịch lại lý giải các cảm xúc, hành xử của nhân vật một cách logic bằng những tập phim sau đó để xoa dịu người xem.
Bên cạnh đó, Về nhà đi con cũng biết cách cân bằng nội dung, không quá sa đà vào yếu tố tạo mâu thuẫn, gây ức chế đỉnh điểm mà dễ gây ra những tác dụng ngược.
Tất nhiên, không có điều gì là hoàn hảo, trong suốt chặng đường dài Về nhà đi con phát sóng, vẫn có những bình luận chưa thực sự hài lòng về các tình huống phim hay một vai diễn, diễn viên nào đó... Tuy nhiên không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Về nhà đi con trong cộng đồng, và cái cách mà bộ phim tác động đến khán giả là điều chưa từng có trong lịch sử phim truyền hình Việt. Chỉ riêng điều ấy đã đủ khiến bộ phim xứng đáng được vinh danh và trở thành "hình mẫu" mà bất cứ tác phẩm truyền hình nào về sau cũng nên hướng đến.