Sau đám cưới 8 tháng thì Nhi có bầu. Trộm vía suốt thai kỳ cô khỏe mạnh chứ không nghén ngẩm nhiều nên vẫn đi làm đến tận ngày sinh.
Vì là con đầu lòng nên Nhi muốn chuẩn bị mọi thứ tốt nhất, từ mua sắm đồ đến chọn bệnh viện sinh con. Lúc đầu, mẹ chồng cô khăng khăng bắt con dâu về bệnh viện huyện đẻ để bà tiện chăm sóc. Nhưng Nhi hiểu tính mẹ chồng, bà cứ nói vậy cho “sang mồm”, chứ một người tham công tiếc việc như bà thì thời gian đâu mà chăm sóc con dâu ở cữ.
Bàn tới bàn lui, cuối cùng Nhi quyết định đẻ ở bệnh viện phụ sản Hà Nội, khi nào mẹ tròn con vuông thì thuê taxi về quê luôn. 3 giờ sáng hôm đó Nhi đau bụng, biết mình sắp sinh nên cô giục chồng gọi cho 2 mẹ sắp xếp lên thành phố.
Trong cơn đau, Nhi vẫn nghe chồng bảo: “Mẹ em đang gọi xe lên luôn, còn mẹ anh thì chắc không đi được, ở nhà con lợn cũng đang sắp đẻ, mẹ phải ở nhà trông”.
Nhi cười mỉa mai chồng: “À, thì ra con dâu và cháu cũng không quan trọng bằng con lợn nái”.
Chưa kịp nói hết câu thì cơn đau lại ập đến khiến Nhi tái mặt. Sau gần 1 ngày vật lộn, trèo lên trèo xuống bàn sinh thì Nhi mới mổ đẻ thành công. Khi đã mẹ tròn con vuông, mẹ chồng gọi điện lên hỏi thăm nhưng câu đầu tiên bà đã nhắc: “Ngày mai ra viện thì về thẳng nhà mình luôn nhé, đừng có tư tưởng về ngoại ở cữ là không được đâu nghe chưa?”.
Thực lòng Nhi cũng muốn về ngoại để nhờ mẹ đẻ chăm sóc, nhưng cô lại không dám cãi lại lời mẹ chồng. Với lại ở quê dân làng hàng xóm hay để ý, họ mà nói ra nói vào lại không hay. Vậy là sau khi được ra viện, chồng gọi taxi cả nhà cùng về nhà chồng.
Nhi tâm sự, những ngày cô cảm thấy chán nản với hôn nhân cũng bắt đầu từ đây. Mẹ đẻ Nhi vì thương con gái nên ở lại nhà thông gia chăm sóc cô. Nhưng mẹ chồng lại không biết ý, coi mẹ cô chính là ô sin “thứ thiệt”. Bà chẳng nề hà gì mà “sai” thông gia hết việc này đến việc khác, từ nấu cơm, lau nhà đến cho con lợn nái ăn… Nhi thấy bực mình nên bảo mẹ về, cô có thể tự chăm con được.
Đêm đầu tiên sau khi mẹ về, Nhi loay hoay vừa pha sữa, vừa thay tã bỉm cho con. Vì vết mổ vẫn đau nên cô không làm mọi việc nhanh lẹ được, thằng bé đói khóc um lên. Mẹ chồng nghe cháu khóc thì dụi mắt đứng ở cửa phòng gọi với vào: “Sao thằng bé khóc to thế, con không biết nựng cho nó nín đi à?”.
Nhi cầu cứu: “Mẹ ơi, mẹ có thể bế cháu giúp con không? Thằng bé không chịu nằm để con pha sữa. Chắc cháu đói nên khóc mẹ ạ!”. Bà bực tức bế thằng bé về phòng mình rồi vừa đi vừa lẩm bẩm: "Có mỗi đứa con mà chăm không nên hồn".
Con trai Nhi có thói quen “ngủ ngày cày đêm” mới khổ. Đêm thứ 2 nó lại khóc, mẹ chồng vẫn câu hỏi ấy khiến Nhi thấy bực mình. Thậm chí bà còn bồi thêm: “Không biết trông con mà không nhờ bà ngoại ở lại đỡ đần cho, lại cứ không muốn phiền hà ai cơ”.
Nhi ngước mắt trả lời bà: “Con đã đủ mệt mỏi lắm rồi, mẹ có thể đừng tạo thêm áp lực cho con được không”.
Có vậy mà mẹ chồng chống nạnh chỉ mặt Nhi: “Cô còn trả treo tôi à? Chỉ việc dỗ con không nên thân, tôi đỡ cho cô thì cũng chỉ 1, 2 đêm thôi chứ. Lúc nào cũng tôi thì bao giờ cô mới biết làm mẹ?”.
Đến lúc này Nhi chẳng nhịn nổi nữa bèn đáp lại: "Con biết con mới làm mẹ nên có nhiều chỗ bỡ ngỡ thế nên con mới cần nhờ bà chứ con cứ động hỏi cái gì bà lại quát con xơi xơi. Con nào có muốn nó quấy đêm đâu. Mẹ chơi với nó mấy tiếng mẹ còn không chịu nổi nữa là con cả 2 tháng nay rồi, sữa cũng sắp mất đến nơi rồi".
Thế mà mẹ chồng cô bảo luôn: "Gọi bà ngoại lên mà trông, tôi còn phải dậy sớm đi bán hàng. Người ta nuôi con lớn như ngan như ngỗng có đứa nào quấy khóc đâu, mình thì 1 đứa còn không xong. Luyện cho nó vào giờ giấc đi".
Bấy giờ Nhi mới nói thẳng: "Nếu mẹ đã muốn như thế sao ngay từ đầu không để con về ngoại ạ? Giờ nhà chỉ có 3 mẹ con bà cháu, con không nhờ mẹ thì nhờ ai. Còn mẹ gay gắt như thế thì con xin phép mai cho cháu về ngoại... và để nó mang họ ngoại luôn để mẹ đỡ vất vả".
Vậy là cô về phòng đóng cửa nước mắt lăn dài mặc kệ mẹ chồng chu chéo. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao đến trưa hôm sau mẹ con Nhi chuẩn bị hết hành lý rồi thì mẹ chồng lại dịu dọng: "Thôi mẹ nghỉ hàng hết tháng. Đi cũng có bán được cái gì mấy đâu. Tôi ở nhà chơi với cháu tôi, em cu nhỉ, em cu hư lắm cơ, y như cái thằng bố mày hồi bé ấy. 3 tháng đầu nó cũng ngủ ngày chơi đêm làm ông bà mệt không thở".
May quá, cuối cùng mẹ chồng Nhi cũng đã hiểu ra!