Trước đây, nhiều người thường mặc định rằng phương thức thanh toán chỉ phổ biến ở những thành phố lớn. Ở những thành phố, thị trấn nhỏ hơn, mọi người chỉ dùng tiền mặt. Tuy nhiên, trải nghiệm của một số người trẻ vào Tết năm nay trong câu chuyện thanh toán đã hoàn toàn khác biệt.

Các cửa hàng thích được thanh toán bằng chuyển khoản hơn tiền mặt

Hà Phương (24 tuổi) đã sinh sống và làm việc ở Hà Nội gần 6 năm và đã quên với hình thức thanh toán không tiền mặt. Song, mỗi khi về quê, cô bạn sẽ thường sử dụng tiền mặt vì trước đó hình thức chuyển khoản, quét mã QR hay quẹt thẻ không phổ biến chẳng hạn như đi ăn vỉa hè, uống nước cùng bạn bè. 

Tuy nhiên, năm nay khi trở về Tết với gia đình tại Hà Tĩnh, cô bạn đã rất bất ngờ bởi sự phổ biến trong hình thức thanh toán không tiền mặt ở quê. “Công việc quá bận rộn nửa năm rồi mình mới về quê. Mình thường đi gội đầu ở tiệm cạnh nhà, đến lúc thanh toán như thói quen mình rút tờ 200 nghìn ra trả. Song, ở tiệm lúc đó không có tiền trả lại nên mình đã hỏi chuyển khoản có được không. Nào ngờ chị chủ quán mới bảo nếu chuyển khoản được thì tốt, giờ mọi người chỉ thích chuyển khoản thôi". 

Về quê ăn Tết ở đâu cũng nhận chuyển khoản, đi gội đầu quẹt QR, shipper còn chuyển lại tiền thừa quá xịn - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Ngoài ra, trong những lần đi uống trà chanh hay thậm chí đi chợ, các cửa hàng đều có sẵn mã QR để khách hàng dễ dàng thanh toán. Thậm chí, khi ship đồ, người giao hàng cũng tự động đưa số tài khoản hoặc mã QR mà không cần hỏi trước về phương thức thanh toán tiền mặt hay chuyển khoản. 

“Về nhà hơn 1 tuần rồi, song mình chỉ mới tiêu khoảng 50 nghìn tiền mặt để gửi xe cũng như mua một số đồ lặt vặt. Dù ở quê, mình gần như chỉ cần một chiếc điện thoại đã có thể tự tin đi ra khỏi nhà". 

Trả bằng tiền mặt, nhận tiền thừa bằng chuyển khoản

“Có hôm mình nhận hoa quả mẹ mua trên mạng được giao hàng tới hết 480 nghìn. Mình đưa 500 nghìn ra trả nhưng bởi vì người giao hàng không có tiền lẻ trả lại. Do vậy, cuối cùng anh ấy phải chuyển khoản 20 nghìn cho mình", Trọng Đức (26 tuổi) chia sẻ. 

Cho đến hôm nay, Trọng Đức đã về quê ở Nghệ An ăn Tết được 3 ngày. Phần lớn thời gian cậu bạn ở nhà để nhận đồ. Trong Tết này, mẹ Trọng Đức hầu như đều đặt đồ online để tiết kiệm thời gian, đỡ phải di chuyển nhiều trong thời điểm tất cả mọi người đều đổ ra đường. “Mẹ mình mua từ thực phẩm sống đến rau củ quả, ngay cả bánh kẹo Tết cũng đặt online. Do vậy, có những ngày mình nhận đến 5-6 lần giao đồ. Đến 90% mọi người đều đề nghị mình chuyển khoản". 

Bên cạnh đó, khi đi cà phê hay ăn ngoài cùng bạn bè, phương thức thanh toán không tiền mặt cũng phổ biến hơn. Theo Trọng Đức quan sát, phần lớn mọi người dù là trung niên hay người trẻ đều quen thuộc với việc quét mã QR cũng như chuyển khoản. Điều này giúp việc thanh toán trở nên nhanh hơn, không cần sợ ra đường mà thiếu tiền mặt. 

Hơn thế nữa, Tết là thời điểm các cây ATM đông người rút tiền để đi lì xì hay biếu ông bà. Do vậy, việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong thời gian này cũng có nhiều ưu điểm. 

Về quê ăn Tết ở đâu cũng nhận chuyển khoản, đi gội đầu quẹt QR, shipper còn chuyển lại tiền thừa quá xịn - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Thanh toán không tiền mặt dễ dàng kiểm soát chi tiêu

Tết là khoảng thời gian nhiều người dễ dàng mua sắm “quá tay". Tâm lý ngày lễ cùng với tất cả mọi người xung quanh đều sắm sửa đón Tết khiến người trẻ vướng vào tâm lý FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ). 

Đối với Hà Phương, Tết những năm trước cô bạn chi khá mạnh tay để đi chơi cũng như mua đồ ăn vặt. Tuy nhiên, trong năm nay khi thanh toán không tiền mặt, cô bạn dễ dàng thống kê lại chi tiêu ngày Tết nhờ lịch sử trong Internet banking. Bên cạnh đó, mọi người khá hào phóng những ngày này, đôi lúc là không nhận tiền thối 5-10 nghìn. Song, nếu lần nào cũng như vậy, con số có thể lên tới vài trăm nghìn khá lãng phí. Sử dụng thanh toán tiền mặt gần như loại bỏ được điểm hạn chế này. 

Về quê ăn Tết ở đâu cũng nhận chuyển khoản, đi gội đầu quẹt QR, shipper còn chuyển lại tiền thừa quá xịn - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Còn đối với Trọng Đức, từ ngày không còn phải cầm tiền mặt ra đường cậu bạn cảm thấy an toàn hơn. Vì dịp Tết hỗn loạn, dễ dàng rơi tiền hay gặp những trường hợp không hay. Trong khi đó, dù mất thẻ ngân hàng cũng dễ dàng khoá lại để bảo vệ số tiền của mình. “Hơn thế nữa, mình thấy bản thân quản lý chi tiêu tốt hơn khi thanh toán không tiền mặt. Mỗi lần tiếng ting ting đến là mình biết bản thân đã tiêu đi một khoản. Mình cũng có thể đặt giới hạn số tiền chi hàng ngày”.