Nếu như nhắc đến Trà Vinh mà chỉ nhớ tới các tác phẩm thơ ca nhạc họa; hay là quê hương của các tên tuổi nổi tiếng như người mẫu Ngọc Trinh, Trương Nam Thành, ca sĩ Thanh Thúy, diễn viên Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh... mà không nhắc tới các món ngon của mảnh đất miền Tây trù phú này thì quả là thiếu sót. Hãy thử xem, ẩm thực của nơi đây có gì đặc sắc mà khiến người ta ca ngợi đến thế!
Bún nước lèo
Đây là món ăn nổi tiếng nhất của Trà Vinh và là món ăn bất cứ du khách nào khi tới đây cũng phải nếm thử. Nguyên liệu chính để nấu món này là mắm bò hóc (prohok) - loại mắm được làm từ nguyên liệu cá hỗn hợp. Để nước ngọt, ngoài mắm, người ta còn dùng thêm các loại cá như: lóc, kèo, tra, ngát hay tôm, tép... Trước khi nấu phải làm cá thật sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi luộc kỹ.
Cách làm bún nước lèo vô cùng cầu kỳ và tốn công. Khi cá chín, gỡ xương rồi chà thịt cho thật tơi rồi trộn các gia vị tỏi, ớt, một ít riềng băm nhuyễn cho thơm. Mắm bò hóc cũng nấu trong nước sôi cho thịt mắm tan ra, sau đó đem lược xương thật kỹ. Sau đó, nấu sôi nước mắm, bắc chảo nóng xào thịt cá cho thấm rồi đổ vào nồi nước lèo, nêm gia vị, chờ nước lèo sôi thì vớt bọt. Nước lèo muốn ngon và chuẩn vị phải nấu bằng nồi đất của người Khmer.
Người ta thường ăn chung bún nước lèo với thịt heo quay, huyết heo luộc hay chả giò cho đậm miệng. Bún nước lèo phải dùng với nước thật nóng rồi ăn kèm với đĩa rau ghém xanh tươi mát mắt gồm bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng xắt theo chiều ngang, trộn đều với một ít rau thơm xắt nhuyễn. Vào mùa điều, có người còn thích băm một vài trái điều cho thêm vào rau ghém để có vị ngon hơn. Và đương nhiên, món ăn này sẽ không thể thiếu chén muối ớt với những trái ớt hiểm thật cay.
Dừa sáp Cầu Kè
Món đặc sản Trà Vinh thứ hai phải kể đến là dừa sáp. Dừa sáp khác với dừa thường ở chỗ dừa sáp đặc ruột hơn, cơm nhiều, mềm và dẻo hơn dừa thường. Nó đặc biệt đến mức, một trái dừa sáp bây giờ có giá từ 150.000 - 300.0000 đồng. Và cũng chỉ duy nhất một huyện Cầu Kè, Trà Vinh là trồng được loại dừa này.
Dừa sáp là một đặc sản quý của Trà Vinh.
Có rất nhiều cách để ăn dừa sáp, cách thông thường nhất là dùng muỗng nạo phần cơm dừa để ăn tươi tại chỗ để thưởng thức vị deo dẻo, mềm như sáp, mùi vị thơm, lạ miệng, ngọt và béo. Tuy nhiên nếu muốn ngon hơn bạn có thể cạo hết cái dừa (sáp) cho vào đĩa, thêm đường, sữa đặc và đá bào, cho vào tủ lạnh hoặc xay sinh tố. Hương dừa hòa quyện với mùi sữa sẽ tạo thành một cảm giác ngây ngất, béo, mát lạnh và tươi ngon, không lẫn vào đâu được với bất cứ loại trái cây nào.
Chuối Tá Quạ
Được biết như một đặc sản vùng Cầu Kè (Trà Vinh), chuối tá quạ gây kinh ngạc cho du khách bởi kích thước siêu lớn của nó. Mỗi trái to bằng cổ tay, dài 40 - 50 cm với trọng lượng trung bình khoảng 0,5 kg.
Chuối Tá Quạ sở hữu cân nặng "khủng".
Chuối trồng khoảng chừng 8 - 9 tháng thì trổ bắp. Một buồng chuối thường chỉ có 1 - 2 nải, mỗi nải khoảng chục trái là cùng. Độ 2 tháng rưỡi sau, chuối già thì có thể chặt xuống và ăn được. Thật ra chuối Tá Quạ không dành ăn sống vì rất nhão và lạt mà phải nấu lên như chuối sáp thì mới dẻo ngọt, thơm ngon có thể thay thế cả khoai tây trong món cari hay mang hương vị độc đáo đến với món lẩu.
Chuối Tá Quạ thường được luộc hoặc nấu thay khoai tây trong món cari.
Bánh tét Trà Cuôn
Là món đặc sản nổi tiếng của Trà Vinh được nhiều người yêu thích và đặt hàng mỗi dịp lễ, Tết. Bánh tét Trà Cuôn được làm từ hạt nếp dẻo, thơm và trước khi gói nếp được trộn với nước lá bồ ngót cho ra màu xanh rì đẹp mắt. Xếp lên trên nếp là thịt mỡ, đậu xanh và hột vịt muối đỏ au. Sau đó đem luộc từ 7-9 giờ, căn lửa nhỏ, đều để món bánh tét chín tới, thơm dẻo.
Khi cắt khoanh bánh tét, bạn sẽ thấy đủ các màu sắc hấp dẫn quyện hòa bên trong ruột bánh, bởi vậy nhiều người con xa quê mỗi dịp trở về Trà Vinh dù nặng đều gồng gánh mang thêm đòn bánh tét làm thứ quà thơm thảo biếu người thân, bạn bè.
Cốm dẹp
Cốm dẹp được xếp vào hàng đặc sản của vùng đất Trà Vinh và thường được dùng làm quà biếu tặng lẫn nhau. Cốm dẹp làm bằng nguyên liệu nếp đầu mùa vừa chín tới nhưng vẫn còn hơi "non hái", để giữ lại chút sữa ở đầu hạt nếp.
Cốm dẹp làm rất kì công. Chày vọt và cối phải làm bằng thân cây vú sữa già, cây nạy phải làm bằng gốc tre lão mới cho hột cốm như ý. Trước khi vọt, người ta rang nếp trong nồi đất, mỗi lần chỉ rang vài ba lon nếp. Đảo nếp cho đều, khi hột nếp vừa giòn là chuyển vào cối. Cối phải để trước sân nhà, cạnh bên bếp lửa củi, hai người vọt (giã) cốm đứng đối diện nhau, mỗi người một tay cầm chày một tay cầm cây gạt, vừa vọt vừa gạt cho hột nếp dính chày rớt xuống cối để vọt tiếp. Vọt xong, cho cốm ra nia, sảy hết trấu rồi đem sàng để có được cốm dẹp ngon nức tiếng.
Cốm dẹp là món quà du khách thường mua làm quà biếu khi có đi du lịch.
Cốm dẹp mua về, được các bà nội trợ sàng sảy lại cho thật sạch, rồi rưới thật nhẹ một lớp nước dừa cho cốm mềm lại, sau đó trộn đường và dừa nạo (ngon nhất là dừa rám). Cốm dẹp trộn dừa tuy là một món ăn đơn giản, dễ chế biến nhưng ngon và hấp dẫn. Món cốm này còn được sử dụng để làm bánh tét cốm dẹp vào mỗi dịp Tết đến ở Trà Vinh.