Lần cuối cùng tôi tới Sapa là một ngày mùa thu tuyệt đẹp của rất nhiều năm trước. Nắng đẹp, tiết trời se lạnh, không khí lãng đãng khiến tôi chỉ có thể thốt lên không ngừng. Sapa đẹp tới mức khiến mọi sự mệt mỏi của một đêm vật vã trên tàu và sự rã rời khi vượt qua chặng đường núi quanh co khúc khuỷu bằng xe khách, tất cả biến mất, biến mất hoàn toàn ngay khi tôi đặt chân tới Sapa.

Sapa đẹp lắm, tuyệt vời lắm chứ. Ở đó có những khung cảnh hoang sơ tới nao lòng, người dân chất phác hay những em bé với khuôn mặt ngây ngô đáng yêu. Tôi nhớ mãi cảm giác ngồi ở vỉa hè quán café nhỏ xinh ven dốc, đi quá lên đôi chút là tới Nhà thờ. 

Một buổi sáng mùa thu nắng đẹp, nhâm nhi ly café với mùi hương thoang thoảng theo gió lạnh thật khiến con người ta muốn vứt bỏ mọi thứ âu lo, chỉ muốn vô ưu vô tư mà thưởng thức không khí ấy. Sapa trong tôi mộc mạc, thô ráp và có đôi phần cũ kỹ đặc biệt lắm. Vậy nên khi trở lại, trong tôi hồi hộp hối hả không ngừng, như một kẻ thất tình nay lại được trở về với những cảm xúc yêu đương.


Ảnh: viettour

Cũng như tựa đề một cuốn sách rất nổi trên thị trường văn chương bây giờ, “Ai rồi cũng khác”. Ngày trở lại ấy chỉ khiến tôi hụt hẫng lắm, trống vắng lắm, giống như một người rất thân thuộc đã đi xa rất nhiều. Sapa của tôi giờ đã chẳng còn là mối tình tuyệt vời ngày xưa ấy.

Con đường cao tốc mới mở rộng cánh cửa cho khách du lịch đến với Sapa. Vậy nên bây giờ đi Sapa cũng chẳng khó khăn lắm, chỉ với khoảng 5 tiếng êm ru trên xe khách, vậy là có thể đặt ba lô cái cộp ở sảnh khách sạn. Ai cũng đi được, già trẻ gái trai, người béo người gầy người khỏe người ốm, chẳng cần xách ba lô lên cũng đi được ấy chứ.

Giờ khách sạn ở Sapa mọc lên ầm ầm, đủ hạng đủ sao, từ sao xẹt tới sao sáng. Chẳng còn cái thời muốn ở trung tâm chỉ có thể ở hostel hay nhà nghỉ nhỏ nhỏ xinh xinh cũ kỹ. Giờ đây thật dễ để người ta có thể ngồi gác chân lên ban công của một khách sạn 4 sao ngay trung tâm mà nhìn trời nhìn người tung tăng ồn ào phía dưới, thay vì yên tĩnh lắng đọng ngắm núi ngắm mây ngắm trời như trước đây.


Du khách tấp nập thăm quan Sapa.

Có những ngày cao điểm, ở Sapa có tới 3.000-4.000 khách du lịch hoặc hơn thế nữa. Từng chiếc xe nối đuôi nhau trên đường cao tốc và đỗ rợp trời Sapa cứ như di cư. Du khách trong nước và quốc tế đã thổi những luồng gió mới, lành có, độc có cho Sa Pa. Thị trấn nhỏ, người với người nhìn nhau chỉ nói đặc một thứ tiếng đồng bằng. Ấy lúc đó mới thấy đúng là người dân Sapa là dân tộc thiểu số.

Nhưng người thiểu số bây giờ cũng chẳng còn đậm chất ngây ngô, chất phác mộc mạc như ngày xưa ấy. Họ biết hét giá, biết buôn bán những thứ đồ mang từ Trung Quốc về rồi nói là hàng thủ công Sapa, họ biết mua hoa quả từ nước bạn về rồi bày bán rêu rao rằng “của nhà trồng được”. 

Tôi nhớ trước đây khách du lịch đi Sapa về còn truyền nhau nhất định nên mua bạc ở chợ Sapa, tốt lắm, thật lắm, sáng lắm. Giờ không hiểu bạc ở đâu mà nhiều vậy, người ta bày bán khắp chợ với đủ thứ giá từ trên trời cho tới mặt đất. Chiếc vòng bạc “tinh xảo” hồ hởi mua về có khi dăm bữa nữa tháng lại đột nhiên đổi sang màu... đồng, cũng chẳng lạ lùng lắm.

Những em bé dân tộc dường như phải đi bán hàng quá sớm. Ở những khu vực trung tâm, các em cứ đeo bám theo khách du lịch không biết mệt mỏi để chèo kéo mời gọi, mà không cần biết du khách muốn mua hay cảm thấy bị quấy rầy, thậm chí từ chối.


Ảnh: cand

Chắc hẳn ai một lần tới Sapa cũng chẳng thể bỏ qua cảm giác ngồi ăn đồ nướng lúc buổi đêm và nhâm nhi chút rượu ấm cạnh Nhà thờ. 1-2 năm trở lại đây, dường như đó đã trở thành ngành dịch vụ “hái ra tiền”. Hàng quán đồ nướng mọc lên san sát, có hàng còn có riêng người đứng ngoài mời gọi không khác gì dưới xuôi. 


Ảnh: palomacruise

Khu trung tâm đã là vậy mà các bản làng gần đó cũng chẳng kém. Nếu bây giờ bạn vừa ngơ ngác đặt chân tới một bản làng khung cảnh non nước hoang sơ hữu tình, cũng đừng ngạc nhiên khi đột nhiên có tới tới hàng chục người bán hàng chen lấn vây lấy, chào mời, cãi nhau, tranh khách. Họ đi theo chúng tôi chào mời ở gắp mọi nơi tới mức nhóm chúng tôi bỏ hoàn toàn ý định khám phá hay thăm thú và rời đi chỉ sau 10 phút tới đây. 


Ảnh: svietnamtravel

Một nét đẹp văn hóa không thể không nhắc tới ở Sapa chính là Chợ Tình vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần. Nhưng ngày nay đến cả nét đặc trưng này dường như đã bị Thương mại hóa đi nhiều. Người ra người vào tấp nập, nhưng chủ yếu lại là người dân tộc Kinh và khách du lịch. Tới khuya khi có vài tốp thanh niên đến tập trung thổi khèn và nhảy múa, chỉ có điều những cô gái vùng cao cũng chẳng còn vẻ e thẹn như trong văn chương. Khách du lịch muốn chụp hình cũng dễ thôi, chỉ cần bạn bỏ tiền mua vài món hàng lưu niệm mà họ mang theo.

Sapa đã thay đổi rất nhiều rất nhiều theo thời gian, hiện đại và đầy đủ nhưng chính sự đủ đầy ấy lại khiến tôi cảm thấy mình lạc lõng biết bao và thầm tiếc nuối về một địa điểm "đi trốn" khi cần một nơi để tìm bình yên. Chợt nhớ một câu trong chương trình radio tôi vẫn thường thích "Chỉ vì quá khứ thường khoác lên mình nó chiếc áo long bào... nên ta tưởng nó rực rỡ, nó lộng lẫy lắm đấy thôi". Sapa ơi, bao giờ cho đến ngày xưa?

(Bài viết mang quan điểm của tác giả)