Anh Phạm Văn Vang – người hồi sinh nghề gốm cổ, chia sẻ, xưởng của gia đình được khôi phục từ cách đây hơn chục năm bởi niềm đam mê với nghề truyền thống, nhất là sau khi tìm hiểu biết nguồn gốc của nghề gốm có từ lâu đời xuất hiện trên mảnh đất quê hương của mình.
Về thăm làng gốm Bồ Bát - Ninh Bình xem các nghệ nhân vẽ tranh
Hồi sinh nghề thất truyền
Thời gian đầu khi mới khôi phục lại xưởng, chỉ có hai vợ chồng anh Vang và một vài người thân trong gia đình làm nghề.
Lúc đó, ai cũng nghĩ nghề đã thất truyền cả nghìn năm, giờ gây dựng lại khó vô cùng. Sản phẩm làm ra sao có thể cạnh tranh với các dòng gốm nổi tiếng trên thị trường để tiêu thụ được.
Hai vợ chồng anh Vang cứ kiên trì, vừa làm vừa "mời" mọi người cùng tham gia vào các công đoạn sản xuất gốm sứ. Ai biết gì làm nấy, ai chưa biết thì vợ chồng anh "cầm tay chỉ việc".
"Những ngày đầu, để có người làm cùng, theo nghề, tôi mời mọi người đến học nhưng cũng trả lương bằng với mức thu nhập của công việc khác mà họ đang làm. Nhiều người đến làm, nhưng chẳng mấy người trụ được. Nghề này nó chọn người, không phải ai muốn cũng làm được", anh Vang chia sẻ.
Xưởng gốm Bồ Bát với quy mô hơn 300m2, là xưởng đầu tiên và duy nhất của làng Bạch Liên cho đến nay được dựng lên sau hàng trăm năm chìm vào quên lãng.
Chứng kiến tại đây, nhiều du khách sẽ không khỏi thích thú khi mọi công đoạn của sản phẩm đều được thực hiện thủ công dù hiện tại là thời đại công nghệ.
Sản phẩm chính của cơ sở là ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, các sản phẩm mang các hoa văn, họa tiết tạo được nét riêng biệt, khác với các dòng gốm khác mang hình ảnh liên quan tới các giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất cố đô, các điểm du lịch nổi bật của Ninh Bình như:khu du lịch sinh thái Tràng An, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động…
Sản phẩm gốm Bồ Bát ra thị trường được đánh giá rất tốt do men dày, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, giá thành bằng một nửa so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Nơi sản sinh ra "Đại Việt quốc quân thành chuyên"
Theo sử sách, thời Lý - Trần, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung "Đại Việt quốc quân thành chuyên" - loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng...
Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, hàng loạt nghệ nhân tại làng nghề Bồ Bát đã theo triều đình về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh.
Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình rời ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, dần dần những người ở lại chủ yếu trồng lúa, làm ruộng để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời. Nghề gốm sứ ở Bồ Bát đã bị"thất truyền" từ đó.