Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho hay, trong trường hợp xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm (sản phẩm vi phạm bị phát hiện, thu hồi…) dù là do nước ngoài sản xuất được Việt Nam nhập khẩu hay là sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vẫn được Cục tiếp nhận qua thông tin chính thức của Mạng lưới cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN).

Dù chưa nhận được cảnh báo chính thức. Tuy nhiên, Cục cũng đang chủ động kiểm tra về sự việc này và có thông tin chính thức sau khi đã có các thông tin chính xác, tin cậy.

“Hiện chúng tôi chưa có thông tin từ cơ quan chức năng Nhật Bản về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng đang nhanh chóng làm rõ vụ việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản như nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa”.

Liên quan đến thành phần acid benzoic là lý do dẫn đến việc thu hồi lô hàng tương ớt Chin-su tại Nhật Bản, lãnh đạo phòng Giám sát ngộ độc - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm.

Về thông tin hơn 18 nghìn chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật: Cục An toàn thực phẩm nói gì? - Ảnh 2.

“Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... cho người sử dụng. Trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độc, nhưng rất hiếm gặp”- chuyên gia này nói.

Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định liên quan đến phụ gia trong thực phẩm, hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam.

"Tiêu chuẩn chung là thế nhưng các thành viên của Codex có nước lại cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm" - lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm cho biết và khẳng định sẽ xác minh vụ việc.

Theo thông tin đưa trên trang tin Nhật Bản vaaju.com, "Nhật thu hồi hơn 18 nghìn chai tương ớt Chinsu có chứa chất cấm", trang này đưa tin theo thông tin từ trang web của thành phố Osaka (www.city.osaka.lg.jp). Theo đó, các chai tương ớt Chin- su nhập khẩu từ công ty Masan bị thu hồi do sử dụng chất phụ gia thường không được sử dụng ở Nhật Bản (acid benzoic, acid sorbic....), vi phạm điều khoản 11.2 luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản.

Theo website thành phố Osaka, Thanh tra An toàn thực phẩm của Ủy ban Y tế và Phúc lợi Tokyo vào ngày 8/3 đã tiến hành kiểm tra  sản phẩm. Tương ớt dãn nhán Chin-su do tập đoàn Javis của Nhật nhập khẩu từ Việt Nam, bị nghi ngờ vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm và dãn nhán mác sản phẩm.

Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng thành phố Osaka đã mở một cuộc điều tra đối với tập đoàn Javis.

Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7-12-2018 từ Việt Nam có chứa phụ gia acid benzoic.

Theo kết quả phân tích của Hiệp hội An toàn Thực phẩm Tokyo, Viện nghiên cứu Công nghệ Thực phẩm Tokyo, hàm lượng acid benzoic trong tương ớt Chin-su bị thu hồi ở Nhật là 0,41 g/kg với các chai có hạn sử dụng là 10/6/2019; và hàm lượng là 0,44 g/kg với hạn sử dụng đến 17/6/2019 và 0,45 g/kg với hạn sử dụng 6/7/2019.

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo lượng benzoic acid cho phép tiêu thụ hàng ngày không tác động có hại tới sức khỏe con người nếu tiêu thụ chỉ ở mức 5 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.