Ngày 4/10, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM thông tin về tình hình sức khỏe ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam sau 12 ngày điều trị. Theo đó, sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các mụn nước ở mặt, tay, chân…đã khô mài, tróc vảy và lên da non. Các mụn nước ở họng cũng lành, hết đau.
Người bệnh ăn uống tốt, tinh thần lạc quan, tuân thủ tốt quy trình cách ly và xử lý vật dụng cá nhân để tránh lây lan ra cộng đồng. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân khi về Việt Nam chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.
Đến thời điểm này, các bác sĩ nhận định, nguồn lây là từ nước ngoài, nơi bệnh nhân đi du lịch. Bệnh chưa lây ra cộng đồng, sức khỏe của bệnh nhân đang phục hồi, PCR dịch tiết 1 số vị trí kiểm tra hiện cho kết quả âm tính...
Cũng theo thông tin bệnh viện cung cấp, trên tay chân bệnh nhân xuất hiện những vết mụn nước khiến nhiều người lo lắng về sự nguy hiểm của nó. Tuy nhiên, trao đổi với TS. DS. Tạ Thanh Sơn, Viện Công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg (Đức) được biết người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể xuất hiện các triệu chứng sớm nhất là 1 ngày sau khi nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 11 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài đến 3 tuần.
Triệu chứng tiêu biểu bên cạnh đau dữ dội là phát ban, xuất hiện nốt sần, mụn nước hoặc mụn mủ, sau đó khô lại và đóng vảy. Các thay đổi về da thường bắt đầu trên mặt, ở vùng sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh đậu mùa khỉ thường tự khỏi sau 2 - 4 tuần nhưng các nốt mụn nước có thể để lại sẹo. Những thay đổi về da này thường bắt đầu hoặc kèm theo các triệu chứng chung như sốt, nhức đầu, đau cơ hoặc lưng, sưng hạch bạch huyết.
"Chất lỏng trong mụn nước sau khi mụn nước vỡ ra sẽ có nguy cơ lây lan cao. Do đó, virus cũng có thể lây truyền qua các đồ vật được sử dụng trong khi quan hệ tình dục (ví dụ như đồ chơi tình dục) hoặc qua tiếp xúc với quần áo, khăn trải giường, khăn tắm bị nhiễm virus.
Trong đợt bùng phát hiện nay, các điểm xâm nhập chính của virus vào cơ thể là các niêm mạc liên quan đến quan hệ tình dục (vùng hậu môn, dương vật, khoang miệng)", TS Tạ Thanh Sơn cho biết.
Cũng theo TS Tạ Thanh Sơn, đậu mùa khỉ thường lây truyền chính qua tiếp xúc da kề da (ví dụ khi ôm ấp hoặc quan hệ tình dục), đặc biệt là tiếp xúc với vết phát ban, mụn nước, mụn mủ, vết thương hoặc vảy trên da.
Virus đậu mùa khỉ cũng có thể lây truyền qua các đồ vật được sử dụng trong khi quan hệ tình dục (ví dụ như đồ chơi tình dục) hoặc qua tiếp xúc với quần áo, khăn trải giường hay khăn tắm bị nhiễm virus.
Mặc dù bệnh thường tự khỏi nhưng có thể gây đau đớn vô cùng, đặc biệt nếu tổn thương da xảy ra ở vùng hậu môn hoặc bộ phận sinh dục. Cơn đau có thể nghiêm trọng đến mức chỉ có thể điều trị tại bệnh viện. Tình trạng bội nhiễm vi khuẩn cũng có thể xảy ra khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong trường hợp đau dữ dội, bệnh nhân có thể được điều trị giảm đau tại bệnh viện. Việc ngăn ngừa bội nhiễm vi khuẩn cho vết thương cũng rất quan trọng. Trị liệu bằng Tecovirimat đã được phê duyệt cho những bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ bị nặng kể từ tháng 1/2022.
Bệnh nhân có thể điều trị bệnh đậu mùa khỉ thế nào?
Theo TS Sơn, đối với bệnh đậu mùa khỉ, bạn nên cách ly bản thân cho đến khi tất cả các vảy đã lành và da mới hình thành - ít nhất là 21 ngày.
Điều quan trọng cần làm là phải thông báo cho những người mà bạn đã tiếp xúc cơ thể kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng để họ đi khám và tránh lan truyền bệnh sang những người khác.
Bệnh đậu mùa khỉ thường tự lành. Nếu cần, các triệu chứng ví dụ như sốt và đau có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau và hạ sốt. Nếu bệnh nhân xuất hiện những cơn đau nghiêm trọng thì sẽ được điều trị y tế tại bệnh viện. Ngoài ra, điều quan trọng hơn là phải ngăn ngừa bội nhiễm do vi khuẩn tại những vị trí da đã bị tổn thương vì đậu mùa khỉ.
Trong trường hợp các bệnh nhân bị bệnh gặp diễn tiến nặng, thuốc chống virus Tecovirimat sẽ được các bác sĩ cân nhắc sử dụng.
"Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đậu mùa khỉ cũng không phải chỉ là một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục theo nghĩa hẹp. Bởi không chỉ quan hệ tình dục mà các tiếp xúc da kề da khác cũng có thể lây truyền bệnh. Tuy nhiên, hiện nay các ca mắc đậu mùa khỉ hầu hết đều có liên quan đến những nam giới có quan hệ tình dục đồng giới thường xuyên với nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, bảo vệ chính mình trước nguy cơ lây bệnh là quan trọng nhất", TS Sơn lưu ý.
Đối tượng dễ trở nặng khi mắc đậu mùa khỉ?
Theo TS Sơn, các nghiên cứu cho thấy những người dương tính với HIV và được điều trị với liệu pháp hiệu quả, miễn dịch tốt dường như không có nhiều nguy cơ hơn những người bình thường.
Những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng có thể có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa đủ dữ liệu đáng tin cậy về điều này.
Những bệnh nhân nhiễm HIV và có hệ thống miễn dịch bị suy yếu có thể được tiêm phòng đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả tiêm chủng đối với nhóm bệnh nhân này có thể ít rõ rệt hơn.
Có thuốc chủng ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?
Vắc xin đậu mùa Imvanex (ở châu Âu) và vắc xin Jynneos (ở Hoa Kỳ) được phê duyệt tiêm cho những người trên 18 tuổi. Theo khuyến nghị của Ủy ban tiêm chủng Đức (STIKO), vắc xin Imvanex cũng có thể được sử dụng để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa khỉ.
Vắn xin Imvanex thường được dung nạp tốt. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân có các phản ứng khi tiêm chủng như đau, sưng và ngứa tại chỗ tiêm; đau cơ; nhức đầu; mệt mỏi và buồn nôn. Tuy nhiên, các triệu chúng này thường giảm dần sau một vài ngày.
Tự bảo vệ mình khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách nào khác?
Ngoài tiêm chủng, các biện pháp quan trọng nhất để giảm nguy cơ lây truyền là:
- Chú ý đến những thay đổi trên da của bạn và những người khác; tránh tiếp xúc da và niêm mạc với bệnh nhân.
- Không dùng chung đồ vật (ví dụ dương vật giả và đồ chơi tình dục khác) trong khi quan hệ tình dục.
- Bao cao su có tác dụng làm giảm nguy cơ lây nhiễm khi quan hệ tình dục.
- Virus đậu mùa khỉ có thể tồn tại ở bên ngoài cơ thể trong một thời gian dài. Do đó nên tránh tiếp xúc với quần áo, đồ vật của bệnh nhân đã nhiễm đậu mùa khỉ.