“Núi cao, đường dài, xe cứu thương khó đến nên tôi phải tranh thủ thời gian vàng để cứu mạng các bệnh nhân ", Lí Thuyên Châu, 64 tuổi, vị bác sĩ khuyết một chân ở thôn Lĩnh, thị trấn Ngô Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc nói. Tại thôn dân miền núi nhỏ bé chỉ có 423 người này, ông đi bộ suốt hơn 40 năm chỉ với một chân để chữa bệnh cho người dân.
Ông Lí Thuyên Châu nay tóc đã bạc, khoác áo blouse trắng, khập khiễng đi trên con đường núi với hộp thuốc trên lưng. Đó là hình ảnh của vị bác sĩ già trong lòng mỗi người dân trong thôn.
Thôn Lĩnh nằm ở ngã 3 của ba huyện tiếp giáp nhau. Nơi đây gồm nhiều thôn làng miền núi xa xôi. Núi ở đây không thuận tiện đi lại.
Từ năm 16 tuổi, Lí Thuyên Châu thấy đầu gối của mình đau mà không có dấu hiệu báo trước. Ban đầu Lí Thuyên Châu tưởng ở đó có một vết thương nên không để ý. Sau đó, bố mẹ đưa con trai đến bệnh viện khám và được chẩn đoán mắc bệnh u xương. Lí Thuyên Châu mất chân trái vì trì hoãn việc chữa trị. Kể từ đó, ông quyết định đi theo nghề y để thực hiện ước mơ chữa bệnh cho những người dân ở làng.
Vừa bình phục vết thương, Lí Thuyên Châu xin đến trạm y tế của thôn để phụ giúp. Lúc đó, Lí Thuyên 17 tuổi. Chàng thanh niên khi ấy bắt đầu từ công việc giúp các bác sĩ chuẩn bị thuốc.
Sau nhiều năm kiên trì học tập và hỗ trợ cho nhiều người dân, Lí Thuyên Châu trở thành bác sĩ giỏi. Ông chia sẻ: “Tôi học ở Trung y và Tây y với mong muốn chữa được nhiều loại bệnh hơn cho mọi người trong thôn”. Lúc rảnh rỗi, ông Lý sẽ ngồi trong trạm y tế để đọc và nghiên cứu sách y học.
Dù thời tiết giá rét hay nóng bức, dù đêm muộn, chân đi lại có khó khăn, ông vẫn cần mẫn đi thăm bệnh cho dân làng. Đường núi gập ghềnh, những chiếc nạng gỗ mà ông Lý sử dụng lần lượt bị gãy. Ông đổi sang dùng nạng sắt, tính đến nay ông đã thay tới 3 chiếc nạng loại này.
Trong suốt nhiều năm, Lí Thuyên Châu trở thành vị bác sĩ không thể thiếu của thôn. Ông luôn là người nắm rõ tiền sử bệnh tật, dị ứng thuốc của từng người dân. Với những cống hiến suốt hơn 40 năm, người thầy thuốc này được trao tặng hơn 20 bằng khen vì sự tận tụy với bệnh nhân.