Vào cuối triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc, có một cô tiểu thư con nhà giàu tên là Dụ Đức Linh, người được Từ Hi chiêu mộ vào cung và phong làm công chúa. Cũng trong thời gian sống trong cung, bà bất ngờ phát hiện ra một điều về Từ Hi, khiến bà không thể tiếp tục ở trong chốn cung đình này nữa.
Dụ Đức Linh là con lai, cha là một nhà ngoại giao người Trung Quốc và mẹ là người Pháp. Bà đã sống ở nước ngoài với cha hơn sáu năm, khoảng thời gian này cho phép bà học những điều rất mới, am hiểu nhiều ngôn ngữ và văn hóa của nhiều nước khác trên thế giới.
Năm 1902, Dụ Đức Linh trở về Trung Quốc, và Từ Hi rất cần một người biết ngoại ngữ và nghi thức phương Tây để giúp Thái hậu giao tiếp với các phái viên từ nhiều quốc gia khác nhau.
Trong thời kỳ nhà Thanh bị các nước phương Tây nhòm ngó, cộng thêm sự yêu thích về tài năng của Dụ Đức Linh, Từ Hi đã chiêu dụ bà vào cung, phong làm công chúa, đồng thời trở thành phiên dịch viên của Thái hậu khi có người nước ngoài đến.
Ngoài ra, Dụ Đức Linh còn là giáo viên tiếng Anh của Hoàng đế Quang Tự, từng khen ông có khiếu học ngoại ngữ, chỉ là cách phát âm hơi không chuẩn một chút.
Trong thời gian phục vụ trong cung, Thái hậu đã có ý định gả Dụ Đức Linh cho con trai của Vinh Lộc hòng trói buộc bà ở bên cạnh mình. Nhưng Dụ Đức Linh, người lớn lên ở nước ngoài, rất không thích loại hôn nhân mù quáng này. Sau đó, với sự giúp đỡ của Hoàng đế Quang Tự, Từ Hi không còn đề cập đến vấn đề này nữa. Song cũng từ chi tiết này, Dụ Đức Linh bắt đầu chán ghét cuộc sống trong cung.
Sau khi làm việc trong Tử Cấm Thành được hai năm, Dụ Đức Linh đã mệt mỏi với những cuộc đấu đá chốn thâm cung, vì vậy bà đã lợi dụng tin tức rằng cha mình bị bệnh nặng để yêu cầu Từ Hi cho phép rời khỏi cung chăm sóc cha.
Khi đó, Từ Hi rất bất đắc dĩ, thậm chí còn rơi nước mắt vì vị công chúa này, nhưng ngay khi Đức Linh rời đi, bà đã không bao giờ quay lại.
Có tư liệu kể lại rằng, ngoài việc chán ghét cuộc sống mưu mô trong cung, còn một nguyên nhân khác khiến Dụ Đức Linh phải nhanh chóng rời khỏi, đó chính là một lần vô tình nhìn thấy cảnh Từ Hi Thái hậu tắm rửa. Bà đã thất vọng và thậm chí thấy sợ hãi.
Khi ấy, bên cạnh Từ Hi có mấy chục cung nữ phục vụ, có người chuẩn bị nước, có người thay quần áo, có người rắc cánh hoa, người thì chà rửa cho Từ Hi.
Chiếc ghế được Từ Hi Thái hậu dùng để tắm được thiết kế rất tinh xảo, có bốn chân, mỗi chân chạm khắc hai con rồng, trông rất uy nghiêm. Lưng ghế có thể di chuyển được, được thiết kế để Từ Hi ngồi thoải mái hơn và thuận tiện cho các cung nữ phục vụ.
Từ Hi tắm với hai bồn tắm màu bạc, một cái để tẩy rửa phần thân trên và một cái dùng cho phần thân dưới. Cung nữ phục vụ rất cẩn thận, không dám phạm sai lầm, nếu không Thái hậu sẽ trách phạt.
Trong một cuốn sách sau này, Dụ Đức Linh đã kể rằng khăn tắm của Từ Hi Thái hậu được xếp gọn gàng như một ngọn đồi, là loại khăn lụa thêu rồng vàng quý giá. Có hơn 100 chiếc khăn như vậy, và điều kỳ lạ nhất là mỗi chiếc khăn được gấp thành một kiểu hoa khác nhau.
Cảnh tượng trước mắt khiến Dụ Đức Linh chấn động, thậm chí còn có chút sợ hãi. Bà đã nhận ra được nhiều điều từ vị Thái hậu này. Từ Hi một mình ngồi trên vị trí cao tận hưởng xa hoa, trong khi người dân ngoài kia lại sống trong cảnh lầm than. Vị công chúa dường như đã nhìn ra nhà Thanh không có tương lai, nhiều điều bẽ bàng khiến người ta không thể chịu đựng nổi.
Đây chính là lý do khiến bà phải rời khỏi cung cấm ngay lập tức.
Sau cái chết của cha, năm 1915, Dụ Đức Linh kết hôn với Thaddeus C. White, Phó Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thượng Hải, và đến sống ở Hoa Kỳ.
Trong thâm tâm của bà, Từ Hi không phải là một người phụ nữ độc tài như các thế hệ sau bình luận. Bà đã viết một cách xúc động trong cuốn sách: "Từ Hi chỉ là một bà già, người cũng thích những thứ đẹp đẽ, hối tiếc về quá khứ và những tàn khốc của thời đại mà bà đã trải qua".
Dụ Đức Linh sống ở nước ngoài một thời gian dài sau khi kết hôn, nhưng sau đó ly hôn ở tuổi trung niên, làm việc giảng dạy đại học. Bà tận hưởng cuộc sống yên bình, nhưng thật trớ trêu thay, bà lại qua đời trong một tai nạn xe hơi vào năm 1944 ở tuổi 58.
Nguồn: Sohu