Ngày còn nhỏ, mỗi khi đào mai khoe sắc là tôi biết Tết sắp về. Tôi háo hức chờ đợi được mẹ mua quần áo mới, được nhận tiền lì xì và nhất là được ăn cỗ Tết.
Nhà tôi làm nông lại đông con, quanh năm gói ghém lắm, bố mẹ mới đủ nuôi các con. Ngày thường cũng chỉ là những món ăn đơn sơ, đạm bạc từ con cá, con tép ngoài đồng, ngọn rau trong vườn. Vì vậy cỗ Tết trở thành nỗi thèm thuồng xao xuyến.
Năm nào cũng vậy, ngoài giò, gà, thịt đông, nem rán…, mẹ thường nấu thêm một bát canh măng móng giò. Mẹ nói trước là mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, sau là một bữa cơm ngày cuối cùng của năm cũ, cả nhà quây quần bên nhau. Như bao bà mẹ Việt Nam khác lúc bấy giờ, mẹ phải dành dụm tiền cả năm để có một cái Tết cho bằng họ hàng, làng xóm.
Chớm tháng chạp, mẹ bắt đầu đi chợ phiên mua sắm đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ… Những ngày nắng hanh hao muốn nứt toác môi, mẹ đem măng ra phơi cho đến khi khô cong thì bọc lại cẩn thận chờ ngày Tết đem ra nấu.
Từ 27 Tết, mẹ bắt đầu ngâm măng khô với nước vo gạo, thay nước đều đặn mỗi ngày. Mẹ nói ngâm măng vừa giúp khử mùi vừa giúp măng có độ mềm lại bảo đảm an toàn, loại bỏ độc tố.
Chiều 30 Tết, dưới đôi tay gân guốc của bố, chiếc móng giò được chặt thành từng miếng vừa vặn, luộc sơ rồi "tắm mình" trong nước mắm, bột canh, mì chính. Mẹ thêm vài củ hành tím nướng trong bếp củi thơm lừng khiến nồi móng giò ninh măng ngào ngạt khắp căn bếp nhỏ vương mùi khói.
Nhiều gia đình khác thường cho thêm mộc nhĩ và nấm hương nhưng ở nhà tôi, mẹ nấu nước dùng đậm đà, măng vừa độ mềm rồi múc ra bát thêm chút hành lá, rau mùi đặt lên bàn thờ.
Những miếng móng giò béo mẫm múp míp trên nền nước canh sóng sánh sền sệt. Sự hòa quyện từ màu xanh của rau mùi đến màu cánh gián của măng là tất cả sự thành kính với tổ tiên, sự chắt chiu yêu thương mẹ dành cho cả gia đình.
Tiết trời miền Bắc mùa đông lạnh giá, thỉnh thoảng chiều 30 là những cơn mưa bay bay thật sự rất thích hợp để húp bát canh nóng hổi ngất ngây.
Cái Tết của những năm đầu thế kỷ XX cho đến khi chúng tôi đi học xa nhà, mẹ vẫn giữ nguyên nền nếp, đều đặn mỗi năm một bát canh măng móng giò trên mâm cúng tổ tiên.
Tuổi thơ tôi cứ trôi qua những cái Tết như thế với những món ăn không cầu kỳ mà chan chứa tình mẹ, tình quê. Sau này khi đã có gia đình riêng, Tết đến, tôi vẫn cố gắng hồi tưởng rồi nấu theo cách của mẹ nhưng vẫn không ngon như ngày còn thơ bé. Có lẽ bởi không chỉ là món ăn mà còn là vị của ký ức.
Cuộc sống với bao tất bật bộn bề cứ thế trôi đi. Bố mẹ tôi đã về với đất trời. Anh em tôi, người Nam kẻ Bắc nhưng vẫn đều đặn ngày tất niên về nấu bữa cơm chiều với bát canh măng móng giò để nhớ về ngày xưa, nhớ về nỗi vất vả và tình yêu thương của bố mẹ.