Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được biết đến nhiều qua những chiến công hiển hách trong việc đánh đuổi giặc Mông Nguyên. Thế nhưng tình sử của vị tướng quân này cũng từng khiến triều đình chấn động.
Mối tình thanh mai trúc mã của Trần Quốc Tuấn
Trần Thái Tông lên ngôi đã lâu mà Hoàng hậu Chiêu Thánh vẫn không thể sinh con sau cú sốc mất đi Thái tử Trần Trịnh. Điều này khiến cho Trần Thủ Độ lo sợ nhà Trần tuyệt hậu. Ông thực hiện cuộc sắp đặt để ép vua phế Hoàng hậu và cưới chị dâu là công chúa Thuận Thiên. Đó là sự việc xảy đến vào năm 1237.
Công chúa Thuận Thiên là chị gái của Hoàng hậu Chiêu Thánh. Bà cũng là vợ của anh trai Trần Thái Tông - Trần Liễu. Biết bị đoạt vợ, Trần Liễu tức giận mang quân đi hòng rửa hận nhưng bất thành. Ông phải buông giáp quy hàng, bị giáng làm An Sinh Vương.
Con trai của Trần Liễu và Công chúa Thuận Thiên là Trần Quốc Tuấn khi ấy mới 7 tuổi.
Công chúa Thụy Bà là em gái của Trần Liễu và Trần Thái Tông thấy cháu còn nhỏ dại thì thương. Bà xin Trần Thái Tông để được nhận Trần Quốc Tuấn làm con nuôi. Trần Thái Tông đồng ý bởi phu quân của Công chúa Thụy Bà qua đời trước đó không lâu.
8 năm ở cùng Công chúa, Trần Quốc Tuấn được học đủ văn võ cùng con em hoàng tộc. Không chỉ vậy, ông còn nhận được tình yêu thương trọn vẹn từ mẹ nuôi. Trong thời gian này, Trần Quốc Tuấn gặp gỡ Thiên Thành Công chúa và cả hai nảy sinh tình yêu.
Đại Việt Sử ký Toàn thư không ghi nhiều đến Công chúa Thiên Thành. Những gì về bà chỉ được mô tả vắn tắt bằng ba từ: "Trưởng công chúa".
Thiên Thành là con gái cả của vua Trần Thái Tông. Sau này, bà vô cùng thân thiết với Trần Quốc Tuấn. Tình cảm của cả hai cứ lớn dần như vậy, quấn quýt bên nhau.
Những tưởng rằng đến khi đủ tuổi, cả hai sẽ được ban hôn, nên duyên vợ chồng. Vào thời nhà Trần, con cháu nội tộc được phép kết hôn nhằm duy trì quyền lực dòng họ.
Xét về thế cục, Trần Quốc Tuấn chỉ là con trai An Sinh Vương Trần Liễu, khó có thể với đến trưởng công chúa lá ngọc cành vàng.
Bởi vậy, khi Thiên Thành đến tuổi, vua hạ chỉ gả Công Chúa cho Trung Thành Vương, khiến cho mối tình thanh mai trúc mã ngày nào đứt gánh.
Màn "ép vua" không màng tính mạng của Trần Quốc Tuấn
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có viết: "Tân Hợi [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 20 (1251). Gả Trưởng Công Chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương. Con trai Yên Sinh Vương là Trần Quốc Tuấn cướp lấy. Công Chúa về với Trần Quốc Tuấn".
Ngày 15/2/1251, Trần Thái Tông mở tiệc lớn 7 ngày 7 đêm để tổ chức lễ kết tóc cho Công chúa. Người trong và ngoài triều có thể đến tham gia.
Trước đó, vua cũng cho phép công chúa Thiên Thành về ở vương phủ của Nhân Đạo Vương, cha của Trung Thành Vương để chờ ngày làm lễ ăn hỏi.
Nghĩ đến chuyện người con gái mình yêu đi lấy chồng khiến Trần Quốc Tuấn không yên, ông vô cùng đau đớn và dằn vặt. Chính vì điều này khiến ông làm nên hành động táo bạo, đánh cược cả mạng sống của mình. Ông quyết định lẻn vào phủ của Nhân Đạo Vương cướp dâu.
Đêm trước ngày thành hôn, Trần Quốc Tuấn trèo tường, vượt qua sự canh gác cẩn mật đến phòng Công chúa.
Đang ủ dột ngồi trong phòng, Thiên Thành Công chúa ngỡ ngàng khi thấy Trần Quốc Tuấn xuất hiện. Lúc đó, cả phủ Nhân Đạo Vương vẫn đang say sưa lễ hội, không ai biết trong căn phòng đó, Công chúa đã gặp gỡ với thanh mai trúc mã của mình.
Sự việc này nếu bị bại lộ có thể biến thành thảm án trước cơn giận của cha con Nhân Đạo Vương. Nếu như nó được giữ kín thì ngày hôm sau, Thiên Thành vẫn thuộc về người khác. Bởi vậy, Trần Quốc Tuấn đã nghĩ ra một kế sách vô cùng cao minh, dồn vua vào thế sự đã rồi. Ông không màng đến tính mạng, vì tình yêu mà quyết "ép" Trần Thái Tông
Ngay sau khi vào phòng, Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho thị nữ của Công chúa về báo tin cho Thụy Bà. Hay tin, Thụy Bà Công chúa đã vội vàng tiến cung ngay trong đêm.
Vừa gặp Trần Thái Tông, Thụy Bà đã than khóc như mưa: "Không ngờ Quốc Tuấn càn rỡ đang đêm lẻn vào chỗ của Thiên Thành. Nhân Đạo Vương đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ giết hắn mất. Xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu".
Vua choáng váng với thông tin mình nhận được. Bản thân ông đã nhận đủ lễ vật của Nhân Đạo Vương, làm sao có thể để Trần Quốc Tuấn làm càn. Nhưng Trần Thái Tông cũng hiểu Công chúa không thể gả cho Trung Thành Vương được nữa. Trần Hưng Đạo lại là cốt nhục của anh trai Trần Liễu, thật khó xử phạt.
Thụy Bà than khóc rất lâu cầu xin vua nghĩ cách cứu Trần Quốc Tuấn. Sau đó, vua đành sai người tới phủ Nhân Đạo Vương áp giải Trần Quốc Tuấn về.
Nội thị theo lệnh vua, xông thẳng tới hoa viên vắng lặng, vào phòng Công chúa Thiên Thành để áp giải, thực chất là hộ tống Trần Quốc Tuấn ra ngoài một cách an toàn. Nếu như lúc đó người của Nhân Đạo Vương bắt được thì không biết sẽ có chuyện gì xảy ra.
Đến lúc này, cả phủ Nhân Đạo Vương mới biết chuyện Trần Quốc Tuấn đang đêm lẻn vào phủ "tư thông" với Công chúa Thiên Thành.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục viết: "Đương đêm, Trần Quốc Tuấn lẻn vào tư thông với Công chúa".
Biết được sự việc vô cùng rắc rối, rất khó bỏ qua được chuyện cháu trai "tư thông", Công chúa Thụy Bà ngay sáng hôm sau đã nhanh nhẹn mang 10 mâm vàng vào cung giúp Trần Quốc Tuấn hỏi cưới Thiên Thành Công chúa.
Bà cũng nói thẳng lí lẽ rằng: "Sự việc vội vàng quá nên không sắm đủ lễ vật, mong Hoàng thượng nhận cho".
Trước sự đã rồi, Trần Thái Tông đành xuống chiếu gả Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn và cắt 2.000 khoảnh ruộng tốt ở huyện Ứng Thiên cho Nhân Đạo Vương để bù đắp, an ủi.
Vậy là với sự quyết liệt, khôn ngoan và vô cùng liều lĩnh, Trần Quốc Tuấn đã cưới được người con gái mình yêu. Sau này, hai vợ chồng Trần Quốc Tuấn cùng Thiên Thành Công chúa sống rất hạnh phúc bên nhau.
Họ sinh được 5 người con, bốn trai, một gái. Bốn người con trai ai cũng là danh tướng lẫy lừng nhà Trần. Người con gái út sau này trở thành Bảo Thánh Hoàng Hậu Trần Trinh, vợ vua Trần Nhân Tông, mẹ đẻ vua Trần Anh Tông.
Vậy mới nói, đằng sau người đàn ông mạnh mẽ, lập nên bao chiến công hiển hách cũng là trái tim si tình. Trần Quốc Tuấn đã đánh cược cả mạng sống để có được người con gái mình yêu.
Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục