Vì hành động tưởng rất bình thường, người mẹ tá hỏa phát hiện con trai mình bị rao bán
Cậu bé 7 tháng tuổi này đã bị rao bán công khai, nhưng đó vẫn chưa phải là hậu quả tồi tệ nhất có thể đến từ thói quen chia sẻ ảnh vô tư trên mạng.
Chị Jenni Brennan sống tại Abington, Massachusetts; giống nhiều người vợ, người mẹ khác, chị có trang blog riêng để đăng ảnh và những câu chuyện về gia đình, như những buổi tiệc sinh nhật, sự kiện cuối tuần. Cho rằng chẳng ai khác ngoài gia đình và bạn bè mình hứng thú với những chuyện này, chị không chỉnh blog về chế độ riêng tư hoặc giới hạn bạn bè.
Cho đến một ngày nọ, Jenni đột nhiên nhận được email từ một phụ nữ lạ, với nội dung nhắn gửi về bé Jake, cậu con trai 7 tháng tuổi của chị, “Tôi nghĩ chị nên biết có người đang dùng ảnh của con trai chị để quảng cáo lừa đảo nhận con nuôi.”
Đầu tiên, Jenni cho đây là một trò đùa, hoặc người phụ nữ đã gửi mail cho mình chính là một kẻ lừa đảo. Nhưng rồi chị cũng thử truy cập vào địa chỉ mà người này đề cập đến, và hiểu ra vấn đề: đã có người vào trang blog của chị, lấy ảnh của bé Jake và làm như thể bé là một đứa trẻ mồ côi sẵn sàng được đưa đến cho những người có nhu cầu, không khác gì một món hàng. Và người phụ nữ nọ biết cách liên lạc với Jenni là bởi khi rê chuột qua ảnh của Jake, một đường link bật lên đưa chị về lại trang blog của chính mình. Quá tức giận, Jenni Brennan lập tức yêu cầu kẻ lừa đảo xóa ngay bài đăng này nhưng không có phản hồi, cho đến khi chị dùng email giả để liên lạc, như thể một người đang có nhu cầu mua con…
Trường hợp của chị Jenni tuy chỉ dừng ở mức gây tá hỏa, tức giận, nhưng vẫn là điều mà không ông bố, bà mẹ nào mong muốn xảy đến với con mình, gia đình mình. Thực tế rất nhiều đứa trẻ khác trên thế giới cũng đang bị “bắt cóc” tương tự như bé Jake, để thỏa mãn niềm vui hư cấu của ai đó, để “câu like”, bình luận… thậm chí còn bị can thiệp, chỉnh sửa để chế ảnh thiếu tôn trọng hoặc đăng lên những trang web đen, nội dung đồi trụy…
Đừng bao giờ đặt con vào tình huống ngoài tầm kiểm soát như vậy bằng cách:
- Xem xét lại việc cài đặt chế độ riêng tư hoặc giới hạn truy cập cho trang web/ facebook/ những tấm ảnh mình đăng lên;
- Lưu ý những nguyên tắc khi chia sẻ ảnh con lên mạng, dù chỉ là để chia sẻ với người thân, bạn bè;
- Lưu ý rằng đã có quy định trong Luật trẻ em 2016 - Luật pháp Việt Nam liên quan đến việc chia sẻ ảnh con lên mạng, theo đó, việc chia sẻmà không được sự đồng ý sẽ là phạm pháp. Và Việt Nam không phải là nơi duy nhất quy định này được đưa vào luật.
Nhiều người cho đến bây giờ vẫn cho rằng cảnh báo về việc chia sẻ ảnh con là thừa thãi, quá lo xa hoặc can thiệp quá mức vào thói quen riêng tư, nhưng cần biết rằng nguy cơ bị xâm hại là có thực, nguy cơ bị các vấn đề tâm lý - xã hội mà đứa trẻ phải đối mặt về sau cũng là có thực. Đích thân cảnh sát quốc gia Pháp đã phải nói rằng, “Bạn có thể là ông bố, bà mẹ đầy tự hào về những đứa con xinh đẹp của mình, nhưng hãy cẩn thận. Chúng tôi muốn nhắc nhở rằng việc chia sẻ ảnh con trên Facebook không hề an toàn mà ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng!”
Tổng hợp, theo littlethings