Trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm COVID-19 vẫn là mối lo hàng đầu của giới chức toàn cầu, việc tăng cường, siết chặt các quy định phòng, chống dịch bệnh luôn là chính sách được ưu tiên hàng đầu nhằm khống chế tốc độ lây nhiễm của các biến thể mới. Bên cạnh các quy định đeo khẩu trang bắt buộc cũng như một loạt chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng, các chế tài xử lý người vi phạm quy định phòng dịch cũng được đưa ra, đủ mạnh và đủ sức răn đe đối với những cá nhân thiếu trách nhiệm.

Nhật Bản bêu tên người vi phạm quy định cách ly

Bộ Y tế Nhật Bản vừa công bố tên 3 công dân vi phạm quy định cách ly, cố tình né tránh liên lạc với cơ quan y tế sau khi trở về từ nước ngoài. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên giới chức Nhật Bản áp dụng biện pháp bêu tên những người không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 sau khi đã đưa ra nhiều cảnh báo trước đó.

 - Ảnh 1.

Nhật Bản bêu tên người vi phạm quy định cách ly (Nguồn: Reuters)

Cả 3 công dân trên trở về từ Hàn Quốc và Hawaii (Mỹ), nhập cảnh vào Nhật Bản hôm 21/7 vừa qua. Mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-COV-2 tại thời điểm nhập cảnh, song những người này lại không báo cáo địa điểm cách ly theo đúng quy định với nhà chức trách. Giới chức Nhật Bản theo đó quyết định công khai danh tính 3 công dân nói trên lên trang web chính thức của chính phủ, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục có những biện pháp xử lý vi phạm. Sự việc đã khiến cộng đồng mạng Twitter ở quốc gia châu Á này xôn xao đồn đoán về nghề nghiệp cũng như nơi ở của cả 3 cá nhân trên.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Nhật Bản đã nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống dịch chỉ mang tính khuyến cáo và phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân. Giờ đây, sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới khiến Nhật Bản bắt đầu yêu cầu toàn bộ người nhập cảnh phải tự cách ly 2 tuần, dùng ứng dụng theo dõi vị trí và thường xuyên khai báo tình trạng sức khỏe.

 - Ảnh 2.

Nhật Bản đang bước vào giai đoạn "cực kỳ đáng sợ" của dịch COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Hiện Nhật Bản đang bước vào giai đoạn "cực kỳ đáng sợ" của dịch COVID-19. Trong đó, biến chủng Delta được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự leo dốc chóng mặt các ca mắc mới, dù hoạt động đi lại của người dân không hề gia tăng.

Trung Quốc bắt giữ người vi phạm quy định phòng, chống dịch

Hồi tháng 6, một người đàn ông sống tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc đã bị bắt và có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự do vi phạm quy tắc cách ly, phòng, chống dịch. Người này đến thăm cha mẹ mình – 2 trường hợp đều dương tính với virus SARS-CoV-2 ở một thành phố khác. Tuy nhiên, lại không khai báo với cơ quan y tế.

Theo giới chức Trung Quốc, một người đàn ông khác cũng đã bị bắt do tấn công lực lượng chức năng và từ chối xét nghiệm. Những trường hợp tung tin đồn sai sự thật về dịch COVID-19 và trốn khỏi khu vực cách ly cũng đều bị bắt giữ.

 - Ảnh 3.

Trung Quốc bắt giữ người vi phạm quy định phòng, chống dịch (Nguồn: Reuters)

Hồi tháng 3, chính quyền thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng công bố mức phạt đầu tiên lên tới 33.000 USD đối với một người đàn ông bay từ Trung Quốc đại lục từ chối khai báo y tế và cố trốn khỏi khu cách ly.

Anh phạt tù những người vi phạm

Ngày 21/1, Vương quốc Anh nâng mức phạt và bổ sung những đối tượng bị phạt nếu vi phạm lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn dịch COVID-19. Theo đó, những người bị bắt gặp tham gia tiệc với hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt cảnh cáo lần đầu ở mức 800 bảng Anh (khoảng hơn 1.100 USD), sau đó là 6.400 bảng Anh (hơn 8.800 USD) nếu tái phạm. Đối với những người tổ chức sự kiện với hơn 30 khách tham dự, mức phạt sẽ là 10.000 bảng Anh (gần 14.000 USD).

Làn sóng lây nhiễm của các biến thể mới với tốc độ đáng báo động khiến giới chức Anh tiếp tục siết chặt các yêu cầu đối với người nhập cảnh vào tháng 2. Những người này nếu không tuân thủ các quy tắc cách ly tại khách sạn, đồng thời cố ý che giấu việc đã từng ở các nước thuộc "danh sách đỏ" 10 ngày trước khi đến Anh có thể đối mặt với án phạt nặng nhất lên tới 10 năm tù giam. Mức phạt hành chính từ 5.000 - 10.000 bảng Anh cũng được đưa ra để xử phạt những cá nhân vi phạm.

 - Ảnh 4.

Các cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch tại Anh có thể đối mặt với án phạt nặng nhất lên tới 10 năm tù giam (Nguồn: Reuters)

Đối tượng chống đối, không làm xét nghiệm bắt buộc khi nhập cảnh sẽ bị phạt 1.000 bảng Anh (hơn 1.300 USD). Mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi đối với ai không tiến hành xét nghiệm lần thứ hai. Động thái cứng rắn trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại của giới chức Anh ngày càng tăng trước sự lây lan mạnh của biến thể Beta lần đầu tiên phát hiện ở Nam Phi.

Nga nghiêm khắc xử lý hành vi phát tán thông tin sai lệch

Tại Nga, giới chức cũng thông qua mức phạt tiền lên tới 1 triệu Ruble (gần 14.000 USD) đối với hành vi phát tán thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19 hoặc vi phạm các quy định phòng chống dịch.

Cụ thể, mỗi cá nhân sẽ bị phạt tối đa 40.000 rúp (khoảng 546 USD) nếu vi phạm quy định phòng dịch. Các công ty và quan chức nhà nước có thể bị phạt 150.000 rúp (khoảng 2.000 USD), trong khi các đơn vị pháp lý phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 500.000 rúp (khoảng 6.800 USD). Nếu hành vi vi phạm tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng hoặc gây tử vong, mức phạt sẽ tăng lên, cao nhất là 1 triệu rúp (gần 14.000 USD). Án phạt thậm chí có thể lên tới 7 năm tù giam nếu hành vi vi phạm khiến 2 người tử vong trở lên.

 - Ảnh 5.

Nga nghiêm khắc xử lý hành vi phát tán thông tin sai lệch hoặc vi phạm quy định phòng, chống dịch (Nguồn: The Moscow Times)

Đối với trường hợp phát tán thông tin sai lệch về dịch COVID-19, mỗi cá nhân có thể bị phạt tù 3 năm vì "đe dọa tính mạng và sự an toàn của cộng đồng"; đồng thời phải nộp 700.000 Ruble (khoảng 11.200 USD) tiền phạt. Nếu hành vi phát tán thông tin sai lệch dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, công dân Nga phải chịu 5 năm tù giam và 2 triệu Ruble (khoảng 32.000 USD) tiền phạt.

Đức thu về hơn 3 triệu Euro tiền phạt từ người vi phạm

Cuối tháng 3 năm ngoái, chính quyền một số bang tại Đức đã đưa ra mức xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Theo đó, bang Nordrhein-Westfalen sẽ là bang đầu tiên đưa ra các mức phạt đối với người vi phạm. Tiền phạt là khác nhau tùy theo từng trường hợp.

Cụ thể, việc tụ tập tại nơi công cộng từ 2 người trở lên sẽ chịu mức phạt 200 Euro. 250 Euro là mức phạt đối với những trường hợp cố tình tổ chức các buổi dã ngoại và tiệc nướng ngoài trời. Ngoài ra, bất kỳ quán rượu, câu lạc bộ hay phòng tập thể thao nào vẫn tiếp tục hoạt động dù bị yêu cầu đóng cửa trước đó sẽ bị phạt 5.000 Euro.

 - Ảnh 6.

Đức thu về hơn 3 triệu Euro tiền phạt từ người vi phạm hồi năm ngoái (Nguồn: Reuters)

Các thành phố lớn nhất nước Đức sau đó đã thu về hơn 3 triệu Euro tiền phạt từ những người dân vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, Munich và Hamburg – những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ghi nhận phần lớn số người dân bị phạt.

Hơn 35.000 công dân bị phạt hành chính, trong đó, phần lớn là người dân tại thành phố Munich. Họ đã nộp tổng cộng 1,2 triệu Euro cho chính phủ Đức sau khi không tuân thủ các quy định mà giới chức nước này đưa ra.