Rất nhiều phụ huynh chia sẻ, trong gia đình có 2-3 người con nhưng tính cách của chúng đều không giống nhau. Họ thường đưa ra một thắc mắc tại sao cùng hoàn cảnh sống, môi trường, cùng cách nuôi dưỡng nhưng lại có sự khác biệt đến mức như vậy. 

Anh Hoàng (30 tuổi, sống tại Hà Nội) thậm chí còn cảm thấy bất ngờ vì sự khác biệt của 2 con trai và đôi khi ông bố trẻ tự hỏi "Cùng là anh em sao lại khác nhau tới như thế".

"Con trai đầu của mình là một cậu bé cực kỳ ngoan ngoãn. Con nghe lời, chăm chỉ học bài, mê sách vở, suy tính cẩn thận, cực kỳ kiên nhẫn. Con thích sự an toàn, những nơi nhẹ nhàng, ít ồn ào, luôn nghĩ trước khi nói nên rất ít khi phạm lỗi. Cũng chính vì tính cách ấy mà mọi việc luôn được lên kế hoạch một cách nề nếp, quy củ. Nếu nói về nhược điểm thì có lẽ là không thích người lạ, khó hòa nhập, thích ở một mình.

Thế nhưng con trai thứ 2 lại đối lập hoàn toàn, trong khi bé anh làm mình yên tâm bao nhiêu thì đứa em lại khiến vợ chồng mình đau đầu bấy nhiêu. Con thích sự ồn ào, cảm giác mạo hiểm, nghĩ gì nói đấy nên hay làm mất lòng người khác. Con phạm lỗi liên tục dù đã được bố mẹ nhắc nhở, mọi việc con làm đều là do thích chứ không phải lên kế hoạch từ trước.

Đôi khi nhìn sự khác biệt của con mà vợ chồng mình thấy khó hiểu. Từ bé cho tới lớn, mình đối xử với các con như nhau, luôn công bằng lẫn bình đẳng. Thế nhưng cảm thấy phương pháp giáo dục chỉ phù hợp với đứa này mà không thích hợp với đứa kia", anh Hoàng chia sẻ. 

Vì sao 2 chị em một nhà cùng cách nuôi dưỡng, hoàn cảnh sống lại khác biệt tính cách? - Ảnh 1.

Khi sự so sánh là điều không cần thiết

Rất nhiều cha mẹ rơi vào hoàn cảnh như trên lập tức đưa ra sự so sánh. Họ sẽ nhận ra rằng phương pháp giáo dục của mình có lẽ chưa đúng ở điểm nào đó. Trên thực tế, mỗi đứa trẻ sinh ra có một cá tính riêng biệt, khi đưa ra cách dạy con, bố mẹ nên dành thời gian quan sát và tìm hiểu kĩ tính cách của con mình. Dù cùng trong một nhà, cha mẹ hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp khác nhau để nuôi dạy con. 

Không thể phủ nhận cha mẹ nào cũng mong con mình xuất chúng, giỏi giang. Thế nhưng đôi khi, việc so sánh những câu như "tại sao anh con ngoan mà con hư như vậy" sẽ khiến các bé trở nên mặc cảm, tự ti, bộc lộ sự giận dữ. Nhiều cha mẹ lầm tưởng so sánh vậy khiến trẻ cố gắng hơn nhưng đôi khi lại là sự phản tác dụng. 

Phụ huynh luôn cần nhắc nhở bản thân, mỗi đứa trẻ là một cá thể, chúng có một suy nghĩ, sở thích khác nhau. Các con đều có những thế mạnh, tài năng khác biệt và điều cha mẹ cần làm là nâng đỡ, tôn trọng nó. 

Robert Plomin - giáo sư về di truyền học hành vi từng chia sẻ: "Trong các gia đình, môi trường hoạt động khác với cách chúng ta nghĩ vì nó khiến những đứa trẻ trong cùng một gia đình khác biệt với nhau. Đó là chưa kể những khác biệt tự nhiên nảy sinh từ những mối quan hệ ngoài gia đình như: Gặp được một người giáo viên tốt có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một ai đó. Ngoài ra, cách cha mẹ đối xử với con cái cũng có thể ảnh hưởng đến tính cách của chúng.

Dù cha mẹ rất quan trọng đối với việc hình thành tính cách của con, nhưng do di truyền, trẻ em vẫn có khuynh hướng với những nét tính cách và khả năng nhất định. Việc của cha mẹ là khuyến khích con cái trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình mới là điều quan trọng hơn cả.

Tôi nghĩ rằng những khác biệt mang phong cách riêng và đó là lý do chính khiến những đứa trẻ dù là anh em ruột cũng sẽ rất khác nhau. Sự khác nhau này nên được tôn trọng và được định hướng kỹ càng từ cha mẹ".

Có thể thấy rằng việc của cha mẹ là nên tôn trọng sự khác biệt của trẻ, để con được là chính mình. Phụ huynh nên cố gắng từ bỏ áp lực cho bản thân trước rồi mới suy nghĩ thật kĩ càng về phương pháp nuôi dạy áp dụng với từng đứa con. Quan trọng nhất là khi cha mẹ biết nâng đỡ, đứng sau và cổ vũ con phát triển tài năng tốt nhất của mình.