Kinh hãi hơn 100 người bị nhiễm khuẩn E.coli sau khi ăn rau sống tại Mỹ
Theo Cdc, mới đây đã có kết luận hơn 100 người tại Mỹ bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh E.coli sau khi ăn rau sống. Các quan chức y tế liên bang và tiểu bang nói rằng rau diếp được trồng ở Salinas, California là "nguồn có khả năng gây ra đợt bùng phát này".
Hiện tại, đợt bùng phát vi khuẩn kháng kháng sinh E.coli mang tên O157: H7 ghi nhận 102 người bị nhiễm bệnh trên 23 tiểu bang. Cho đến nay, 58 người phải nhập viện, 10 người trong số này đã gặp biến chứng suy thận, hay còn gọi là hội chứng urê huyết tán huyết (HUS). May mắn là vẫn chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo. Cdc cho biết thêm, chủng E.coli này gắn liền với các đợt bùng phát trước đó, bao gồm cả đợt từ Lễ Tạ ơn năm 2018 làm cho 59 người mắc bệnh.
Các bệnh liên quan đến đợt bùng phát hiện nay bắt đầu vào ngày 24 tháng 9, lần gần đây nhất xảy ra vào ngày 18 tháng 11. Những người đã bị bệnh trong độ tuổi từ dưới 1-89 tuổi.
Vi khuẩn kháng kháng sinh E.coli O157: H7 nguy hiểm thế nào?
Theo Cdc, E.coli (Escherichia coli) là vi khuẩn thường sống trong ruột của người và động vật khỏe mạnh. Hầu hết các chủng là vô hại nhưng một số ít, đặc biệt là E.coli O157: H7, có thể gây nhiễm trùng nặng.
Theo Mayo Clinic, vi khuẩn E.coli O157: H7 tạo ra một chất độc cực mạnh, được gọi là độc tố Shiga, gây tổn thương niêm mạc ruột non. Nhiễm trùng xảy ra do tiếp xúc với phân của người, động vật hoặc ăn thực phẩm bị ô nhiễm, uống nước bị ô nhiễm. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy ra máu, chuột rút dạ dày, buồn nôn và nôn thường kéo dài 5-7 ngày. Cdc ước tính, E.coli O157: H7 gây ra 265.000 bệnh, 3.600 ca nhập viện và 30 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm.
Hầu hết mọi người có thể phục hồi mà không cần điều trị, ngoại trừ có những trường hợp mắc hội chứng urê huyết tán huyết. Theo Mayoclinic, đây là một tình trạng bệnh trong đó có sự phá hủy bất thường của tiểu cầu và hồng cầu. Các tế bào máu bị hư hỏng có thể làm tắc nghẽn hệ thống lọc của thận, dẫn đến suy thận đe dọa tính mạng.
Điều đáng báo động là chủng vi khuẩn này có khả năng kháng kháng sinh. E.coli kháng thuốc đặc biệt gây phiền hà vì các cán bộ y tế công cộng đang hết cách để điều trị các bệnh như vậy. Pritish K. Tosh, bác sĩ y khoa và nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Mayo Clinic, cho biết: "Có một số bệnh nhiễm trùng mà chúng ta thấy có khả năng đề kháng với kháng sinh, chúng tôi không dự đoán được bất kỳ loại kháng sinh nào có thể hoạt động".
Hầu hết những người bị nhiễm E.coli trong ruột sẽ bị tiêu chảy, tốt nhất là nên nghỉ ngơi vài ngày và bổ sung chất lỏng để ngăn ngừa mất nước. Tuy nhiên, Tiến sĩ Tosh cho biết, những trường hợp nhiễm E.coli nghiêm trọng hơn có thể cần kháng sinh và dễ gặp nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Ông cũng cho biết, khi E.coli không đáp ứng với điều trị, các bác sĩ có thể sử dụng các kháng sinh cũ hơn, nhưng những loại thuốc này có thể ít hiệu quả và có nhiều tác dụng phụ hơn.
Vì sao ăn rau sống lại dễ nhiễm vi khuẩn E.coli?
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), nguyên nhân khiến vi khuẩn E.coli có trên rau sống là do nhiều nguồn lây nhiễm. Ví dụ như có thể lây nhiễm ở khâu sản xuất - rau thường bị tưới bởi nguồn nước bẩn, bón phân tươi. Hoặc việc sơ chế không an toàn: nguồn nước rửa không đảm bảo; người sơ chế rau bị nhiễm vi khuẩn dẫn đến lây nhiễm sang rau. Hoặc cũng có thể xuất phát lây nhiễm từ khâu vận chuyển hoặc địa điểm kinh doanh không hợp vệ sinh...
Tất cả những yếu tố đó khiến cho nguồn rau bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng (như các loại giun - sán, giun đũa chó mèo, sán lá gan...) sinh sôi và lây lan.
Phòng chống vi khuẩn kháng kháng sinh – Ăn rau sống thế nào cho đúng cách?
Để phòng chống nhiễm khuẩn E.coli từ việc ăn rau sống, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, khi mua rau sống cần lựa chọn nơi mua uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Sau khi mua rau sống về nên nhặt thật sạch sẽ, rửa nhiều lần bằng nước sạch. Nên rửa trực tiếp từng lá dưới vòi nước chảy để loại trừ trứng giun sán, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hóa chất trừ sâu còn bám trên lá rau.
Với những cọng rau lá to như rau diếp, xà lách, bạn nên bẻ ra từng nhánh, từng lá, lật qua hai bề mặt để rửa, sau đó bỏ vào thau, rửa lại bình thường 1-2 nước nữa. Có thể rửa rau bằng cách ngâm giấm và sau đó tráng lại bằng nước sạch, để ráo nước một lúc rồi dùng thay vì vẩy nước qua rồi ăn luôn có thể gây đau bụng. Một số loại rau nên chần qua nước sôi, ở nhiệt độ cao sẽ khiến vi khuẩn chết, việc ăn rau sống sẽ đảm bảo hơn.
Và dù có thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng cần phải cẩn trọng khi ăn rau sống. Rau sống tuy ngon, ăn kèm các món ăn trở thành khoái khẩu... nhưng khi ăn nên chọn địa chỉ cung cấp rau sạch - uy tín; trong trường hợp không kiểm soát được nguồn cung cấp thì hạn chế ăn càng nhiều càng tốt, tránh những hậu quả không mong muốn.