Bà bầu không nên ngồi xổm

Bà bầu không nên ngồi xổm, bởi đây là tư thế ngồi rất có hại cho em bé trong bụng.

Theo ThS-BS Huỳnh Kim Dung hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ), tư thế ngồi xổm không phải là việc hoàn toàn cấm kỵ trong thai kỳ, nó cũng không gây nguy hại quá mức đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu ngồi xổm liên tục thời gian dài và lặp đi lặp lại thì là điều không tốt.

Bởi khi mang thai, bụng bầu ngày 1 lớn, bụng dưới của cơ thể và cột sống vốn đã phải chịu áp lực rất lớn từ thai nhi. Thêm hành động ngồi xổm của mẹ sẽ khiến các cơ bị kéo căng ra hơn. Tác hại làm cho mẹ cảm thấy đau nhói, các mạch máu ở chi dưới bị ùn tắc, không thể lưu thông, gây ra tình trạng suy giãn tĩnh mạch, phù nề nặng hơn hoặc mất trọng tâm dẫn đến dễ ngã, rất nguy hiểm. Ngồi xổm cũng gây áp lực lên bàng quang, làm đau tức bàng quang.

Vì sao bà bầu không nên ngồi xổm, ngồi bệt? Các tư thế ngồi an toàn cho phụ nữ mang thai? - Ảnh 1.

Vì sao phụ nữ mang thai không nên ngồi bệt

Khi mang thai, không ít chị em đã từng nghe qua câu nhắc nhở: "Ôi, mang thai ai cho ngồi bệt kiểu đó, đứng lên, đứng lên ngay!".

Chị em thường khó chịu và cho rằng đó là quan niệm cổ hủ. Tuy nhiên thực tế việc khuyên các mẹ bầu nên hạn chế ngồi bệt, đặc biệt là khoanh chân ngồi bệt hoàn toàn có lý do. Cũng giống như ngồi xổm, càng về giai đoạn cuối của thai kỳ thì mẹ bầu càng không nên ngồi bệt. Bởi ngồi ở tư thế này, chi dưới bị chèn ép, máu lưu thông không đều ảnh hưởng đến các dây thần kinh bên dưới khiến mẹ dễ tê chân, phù nề, đau nhức. Mẹ bầu có thể bị tức bụng, đau lưng và rất khó khăn khi đứng dậy.

Ngoài ra còn nhiều tư thế ngồi khác mẹ bầu nên tránh, đó là:

- Bà bầu cũng không nên ngồi vắt chéo chân. Bởi tư thế ngồi này, dây thần kinh ở đùi sẽ bị chèn ép, dễ bị sưng phù, lâu dần dẫn đến viêm khớp, thậm chí ảnh hưởng đến cả cột sống.

- Phụ nữ mang thai cũng không nên ngồi tư thế nửa nằm nửa ngồi. Tuy rằng đây là tư thế mang lại thoải mái cho các mẹ bầu, nhưng nó sẽ gây áp lực rất lớn lên cột sống của người mẹ. Đó là lý do tại sao thai phụ thường cảm thấy đau nhói ở lưng khi ngồi lâu tư thế này.

- Ngồi không tựa lưng cũng không tốt cho mẹ bầu. Bởi chứng đau lưng khi mang thai vốn đã khiến mẹ bầu khó chịu, kết hợp thêm tư thế ngồi này càng làm tăng thêm áp lực lên lưng.

- Ngồi gập bụng sẽ khiến mẹ bầu thấy không thoải mái lại gây nguy hiểm cho thai nhi. Trong giai đoạn thai nhi đang phát triển, ngồi gập người có thể tạo áp lực, đè nén lên cơ thể mong manh của bé và khiến các dấu vết có thể xuất hiện vĩnh viễn trên cơ thể vốn còn non nớt của con.

Vì sao bà bầu không nên ngồi xổm, ngồi bệt? Các tư thế ngồi an toàn cho phụ nữ mang thai? - Ảnh 2.

Các tư thế ngồi an toàn cho phụ nữ mang thai

- Tư thế chuẩn cho các mẹ bầu chính là ngồi thẳng lưng, vai và hông nép sát thành ghế. Tay để trên đùi hay tay cầm của ghế.

- Điều chỉnh độ cao của ghế sao cho phù hợp. Không để ghế cao quá mức khiến chân không thể chạm đất. Hoặc thấp quá mức làm lưng bị cong. Phần đầu gối phải cao hơn hông một ít.

- Nên chuẩn bị một chiếc gối tựa nhỏ để sau eo nhằm hạn chế tình trạng đau lưng. Khi mỏi mệt, mẹ có thể ngả lưng 1 chút để nghỉ ngơi.

- Không nên ngồi lâu một chỗ trong thời gian dài, nhất là kiểu ngồi xổm hay ngồi quỳ. Với những bà bầu làm công việc văn phòng, cần thay đổi khỏi tư thế ngồi cách khoảng 1 giờ và đi lại để máu huyết lưu thông đều, tránh bị bệnh trĩ.

- Khi ngồi, nên đặt mông xuống phía ngoài của ghế rồi đẩy mông vào phía trong ghế. Chú ý, khi chuyển từ tư thế đứng sang ngồi, nên chuyển từ từ, đừng quá nhanh và đột ngột. Đặc biệt, trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, khi bụng đã quá lớn, mẹ bầu nên dùng một tay đỡ bụng trước khi ngồi. Từ từ dựa lưng vào ghế, hai chân song song nhau.

https://afamily.vn/vi-sao-ba-bau-khong-nen-ngoi-xom-ngoi-bet-cac-tu-the-ngoi-an-toan-cho-phu-nu-mang-thai-20220701025412185.chn