Thời điểm phát hiện mắc ung thư vú, cô gái 18 tuổi vẫn đang là học sinh lớp 12. Bệnh nhân đi khám vì trong lúc tắm bỗng sờ thấy trong bầu ngực trái có cục cứng di động giống khối u. Lúc ấy, cô nghĩ rằng có thể là u xơ, chứ không nghĩ là ung thư vú. 

Đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), kết quả sinh thiết cho thấy cô bị ung thư vú giai đoạn 2. Bệnh nhân phải cắt nửa bên ngực trái.

Vì sao bác sĩ coi ung thư vú là bệnh dễ chẩn đoán sớm?- Ảnh 1.

Siêu âm tuyến vú trước khi thực hiện can thiệp

Nhiều phụ nữ trẻ bị ung thư vú

Chia sẻ bên lề buổi tọa đàm về tạo hình vú và phù bạch mạch sau cắt ung thư vú, sáng 20-1, tiến sĩ- bác sĩ Nguyễn Quang Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết ung thư vú là bệnh có tỉ lệ mắc cao, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư ở nữ.

Theo số liệu gần nhất, tại Việt Nam số ca mới mắc ung thư vú là 21.555 ca/năm, tử vong do ung thư vú là 9.000 trường" hợp/năm

"Trước đây bệnh thường gặp ở những phụ nữ ngoài 40-50 tuổi thì nay đã ghi nhận nhiều trường hợp dưới 30 tuổi. Bệnh nhân trẻ nhất mới 18 tuổi. Đáng nói, ở người trẻ, bệnh thường phát hiện muộn do chủ quan"- bác sĩ Hùng chia sẻ.

Tại toạ đàm, các chuyên gia cho biết điều trị ung thư vú là điều trị đa mô thức, bệnh nhân không chỉ là điều trị ung thư để duy trì sự sống mà còn phải tạo hình để tăng chất lượng sống.

"Áp lực công việc và cuộc sống làm cho rối loạn nội tiết, dẫn tới hậu quả là ung thư vú liên quan tới nội tiết ngày càng nhiều và người mắc đang trẻ hóa. Việc mất đi một phần bộ ngực có thể khiến người phụ nữ cảm thấy mặc cảm, vì vậy việc tạo hình để phụ nữ tự tin trong cuộc sống rất quan trọng"- bác sĩ Hùng nói.

Tái tạo vú sau ung thư

PGS-TS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật tạo hình- thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết dù tỉ lệ phát hiện sớm ung thư vú cũng ngày một cao nhưng người đến viện muộn phải phẫu thuật cắt một bên vú khá nhiều. 

Với sự phát triển của y học hiện đại việc phẫu thuật tạo hình lại vú đã mang đến cho người bệnh ung thư bớt gánh nặng mặc cảm, tự tin trong giao tiếp, làm việc hơn. 

"Hiện nay, nhiều bệnh nhân ung thư vú được can thiệp, tái tạo lại bầu ngực ngay sau khi phẫu thuật loạt bỏ các tế bào ung thư. Tất cả diễn ra trong một cuộc phẫu thuật"- PGS Dung nói.

Vì sao bác sĩ coi ung thư vú là bệnh dễ chẩn đoán sớm?- Ảnh 2.

Một ca phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân ung thư vú

Theo các bác sĩ, ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị sớm, nhiều bệnh nhân ung thư vú đã sống 10-20 năm kể từ khi phát hiện bệnh và hiện rất khỏe mạnh. Với ung thư, sau 5 năm không tái phát được coi là khỏi.

Ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất trong các bệnh ung thư vì người bệnh có thể tự sờ thấy khối u. Tuy nhiên, trên thực tế có khoảng 50 -60% bệnh nhân mắc ung thư đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển.

Các bác sĩ cũng cho biết hiện nay có rất nhiều quan điểm điều trị ung thư vú trong đó có những thông tin không đúng khoa học. Do vậy, khi bệnh nhân cảm thấy có những bất thường thì nên tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám sớm.

Với bệnh ung thư vú có thể phát hiện bằng cách quan sát trước gương, khi tắm, khi xoa bóp để phát hiện những bất thường ở vú. Ung thư vú là bệnh có thể tầm soát bằng siêu âm để phát hiện sớm những bất thường và can thiệp sớm.