Khi bị ho, bạn có thể tìm đến những phương thuốc từ rau lá, củ quả có tác dụng mạnh chẳng kém kháng sinh. Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nước ta, tình trạng ho kéo dài cũng khiến nhiều người lo lắng, phải đi thăm khám ngay bởi ho cũng là một trong những dấu hiệu mắc bệnh Covid-19. 

Điều đáng nói, khi đi khám, sau khi trút bỏ nỗi lo mắc Covid-19, nhiều người lại được bác sĩ kê cho thuốc chữa dạ dày mà không hiểu vì sao. Đa số đều không dám hỏi các bác sĩ khám, kê đơn cho mình vì nhiều lý do khác nhau nhưng vẫn băn khoăn, cảm thấy khó hiểu và mong muốn được giải đáp.

Vấn đề này đã được BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y) chia sẻ ngay trong video dưới đây:

BS Nguyễn Xuân Quang lý giải nguyên nhân bị ho nhưng khi đi khám lại được kê thuốc dạ dày.

Hỏi: Bác sĩ ơi tại sao em bị ho mà khi đi khám lại được kê thuốc dạ dày ạ?

BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y) trả lời như sau:

Chào bạn!

Xin khẳng định với bạn một điều: Không phải các bác sĩ kê thuốc sai cho bạn.

Thực chất, việc bạn bị ho trong trường hợp này là do trào ngược dạ dày thực quản. Bình thường, cơ thắt thực quản dưới chỉ mở ra khi chúng ta nuốt và đóng lại ngay sau khi đó để ngăn không cho dịch vị dạ dày đi ngược lên phía trên thực quản. Nhưng khi cơ thắt này yếu đi sẽ gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản khiến cho dịch vị dạ dày có thể đi lên phía trên thực quản, thậm chí cả vùng hầu họng.

Trong khi đó, cấu trúc mô học của thực quản và hầu họng không thích hợp với nồng độ axit cao và enzym tiêu hóa chứa trong dịch vị khiến cho chúng bị tổn thương khi tiếp xúc thường xuyên với dịch vị. Từ đó gây ra triệu chứng ho dai dẳng và đau rát họng mãi không khỏi.

Chỉ khi nào bạn điều trị hết trào ngược dạ dày thực quản thì mới chấm dứt tình trạng ho và đau họng.

Chúc bạn vui khỏe!

Vì sao bị ho nhưng lại được kê thuốc dạ dày? - Ảnh 3.

Vì sao bị ho nhưng lại được kê thuốc dạ dày? - Ảnh 4.