Cuộc khủng hoảng dân số ở Hàn Quốc đã trở thành một câu chuyện không mới. Ngay từ năm 2006, một giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Oxford (Anh) đã dự đoán nếu tỷ lệ sinh của Hàn Quốc tiếp tục giảm, đất nước này có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới “biến mất” sau nhiều năm.
Vào năm 2021, theo số liệu từ chính quyền Seoul, Hàn Quốc, từ năm 1988 đến 2021, số dân ở Seoul lần đầu tiên đã giảm xuống dưới mốc 10 triệu người. Suốt 32 năm qua, Hàn Quốc không ngừng đưa ra chính sách khuyến khích người dân sinh con, nhưng vẫn không thể ngăn cản dân số từng bước bị thu hẹp lại. Đến năm 2022, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã giảm trực tiếp xuống 0,78, chạm đáy ở mức thấp nhất thế giới. Nếu điều này tiếp tục, cứ ba phụ nữ ở Hàn Quốc thì có một người không sinh con. Ở thủ đô Seoul, tổng tỷ suất sinh hiện tại đã là 0,59 - một con số đáng báo động.
Lý do cho hiện tượng này là gì? Tại sao một giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Oxford lại chắc chắn như vậy về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Hàn Quốc ngay từ năm 2006?
Về vấn đề khủng hoảng dân số, thực tế nó đã tồn tại ở nhiều nước trên thế giới nhưng mức độ nghiêm trọng lại khác nhau. Lý do khiến Hàn Quốc thu hút nhiều sự chú ý đến vậy, thậm chí còn được dự đoán là có khả năng “tự nhiên biến mất” có nhiều yếu tố chồng chất và đều rất khó giải quyết.
Vấn đề bất bình đẳng giới
Khác với nhiều nước Âu Mỹ, vấn đề dân số già tại xứ sở kim chi có liên quan nhiều đến một tư tưởng đã ăn sâu trong tư tưởng người Hàn: ưa chuộng con trai hơn con gái. Dưới góc nhìn của hầu hết chúng ta, chủ đề “thích con trai hơn con gái” dường như không dẫn đến việc giảm dân số. Nhưng ở Hàn Quốc và trong sự phát triển xã hội ngày nay, hiện tượng thích con trai hơn con gái đã trở thành điểm nguy hiểm nhất trong vấn đề dân số già. Không chỉ đơn thuần là chênh lệch tỷ lệ nam - nữ cao sẽ dẫn đến nhiều nam giới không tìm được đối tượng kết hôn. Tư tưởng bất bình đẳng giới là nguyên nhân khiến phụ nữ không muốn kết hôn, sinh con vì bị xã hội bên ngoài đặt quá nhiều kỳ vọng.
Trong Báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2022, Hàn Quốc xếp thứ 99 trong số 146 quốc gia. Cựu Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc Jung Hyun-baek từng nói: “Nếu vấn đề bình đẳng giới không được giải quyết, tốc độ tăng trưởng dân số của Hàn Quốc cũng sẽ trì trệ”.
Ảnh hưởng từ nền kinh tế
Kể từ thập niên 1950, nền kinh tế Hàn Quốc đã phát triển với tốc độ nhanh chóng, kéo theo dân số tăng vọt một cách không kiểm soát. Vào những năm 1960, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đạt 5,5, đây là một khoảng cách rất lớn so với mức 0,72 vào năm 2023.
Từ năm 1962, nhằm kiểm soát tỷ lệ sinh, Hàn Quốc đã từng bước tuyên truyền rộng rãi chính sách sinh ít con. Chiến dịch này kéo dài khoảng 10 năm cho đến khi đất nước có ít trẻ sơ sinh hơn theo đúng kể hoạch.
Nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu bùng nổ vào đầu những năm 1990 và thời đại này còn được gọi là “kỷ nguyên kỳ tích sông Hàn”. Nhưng thời kỳ này không tồn tại được lâu và bị phá vỡ bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, nền kinh tế Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, người dân ít sinh con hơn vì lý do đơn giản là không đủ điều kiện vật chất. Tình trạng xã hội cạnh tranh cũng làm nản lòng giới trẻ trong việc kết hôn và sinh con, chưa kể trong thời kỳ đầu tăng trưởng kinh tế sau đó, giá nhà đất cũng tăng cao, việc kết hôn trở thành một việc đắt đỏ.
Vào đầu thế kỷ 21, khi Hàn Quốc phát hiện số lượng người già tiếp tục tăng và tỷ lệ sinh có dấu hiệu tụt dốc, nước này bắt đầu thắt chặt kiểm soát tỷ lệ sinh trở lại. Nhưng vào lúc này, các nỗ lực đều đã muộn. Ngay cả khi chính phủ “cấp vốn thúc giục hôn nhân” cho người trẻ, tạo nhiều chính sách khuyến khích, người dân vẫn không muốn sinh con nữa. Thậm chí Hàn Quốc còn đưa ra cả chính sách nam giới có thể được miễn nghĩa vụ quân sự nếu có ba con nhưng chỉ sinh ra nhiều tranh cãi vì phụ nữ là người sinh con nhưng nam giới lại được hưởng đãi ngộ.
Với sự phát triển của Internet và áp lực kinh tế mạnh mẽ, một vấn đề nghiêm trọng hơn cũng xuất hiện ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác: người dân thay đổi tâm lý và góc nhìn về việc sinh con. Ngày nay, việc phụ nữ và cả nam giới trẻ có tư tưởng sống cuộc sống độc thân, không có con đã trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Họ không còn phải đối mặt với nhiều định kiến và áp lực xã hội như trước đây rằng phải có gia đình mới là một cuộc sống trọn vẹn.
Mặc dù sự “mất tích” được giáo sư Đại học Oxford đề cập có thể phải mất hàng trăm năm nữa mới có thể xảy ra ở Hàn Quốc, nhưng dân số già và tỷ lệ sinh quá thấp thực sự là một vấn đề nhức nhối mà quốc gia châu Á này cần phải giải quyết ngay từ bây giờ.