Khi cuộc sống bận rộn, những bữa cơm quây quần các thành viên càng có vai trò quan trọng. Xung quanh bữa tối, cha mẹ có thể cùng ngồi chia sẻ, trò chuyện với con cái để xua đi mệt mỏi sau một ngày lao động.

Bếp đã đỏ lửa nhưng sao nhiều mái nhà vẫn cô quạnh, tẻ nhạt? Một lý do phải kể đến đó là vì người phụ nữ chưa biết cách hoặc chưa thực sự chú trọng nhiều đến cách bày biện bữa ăn cho gọn gàng, sạch sẽ.

Mâm cơm gia đình ngoài việc chứa đựng những nguồn dinh dưỡng cần thiết cho mọi thành viên thì cần được sắp xếp một cách bắt mắt, để mới chỉ nhìn thôi ai cũng cảm thấy muốn ăn và trông thật ngon miệng. Tuy nhiên, không phải các chị em đều làm được việc này.

Anh Nam làm việc cho một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cuộc sống khá ổn định. Vợ chồng anh vẫn sống hoà thuận chẳng có một xích mích dù nhỏ. Hôm đó, chị Hải (vợ anh) có việc bận nên cả nhà quyết định ăn sớm. Dọn cơm, chị Hải mang cả ba chiếc nồi lớn bé đặt cả vào mâm cơm rồi nói “ Ăn như thế này cho tiện, không phải bày vẽ nhiều bát đũa mà cũng nhàn nhã hơn khi dọn dẹp”.

Nghĩ vợ bận nên hôm đó Nam cũng cho qua nhưng từ những ngày sau, vợ anh lại tiếp tục kiểu ăn uống đó, có nói thì cũng chỉ được vài lần rút kinh nghiệm rồi lại đâu đóng đấy. Thói quen này bây giờ đã lây nhiễm sang cả cháu Thuỷ con gái anh chị.

Hễ làm bất cứ việc gì, cháu đều nghĩ ra những kiểu “lười” như mẹ để không phải làm nhiều việc. Bữa cơm gia đình đối với cháu bây giờ có thể thoải mái ngồi nhấp nhổm ôm cả bát to cơm, thức ăn trộn lẫn rồi một mình một chỗ, ngồi húp xì xụp vừa ăn vừa xem tivi. Anh Nam cũng chán nản nên cả bữa chẳng buồn nói chuyện với vợ.

Nhiều chị em quá xuyềnh xoàng cộng với bản tính lười nhác, ngại việc nên chỉ suy nghĩ đơn giản “bớt được việc nào hay việc ấy”. Nếu ông xã lại cũng à ôi cho qua thì chắc chắn những bữa cơm gia đình sẽ trở nên bừa bộn và không có quy củ. Cha mẹ có thói quen như vậy không chỉ làm cho cuộc sống trở nên nhàm chán mà con cái  họ cũng dần bị ảnh hưởng .

Vốn là một con người cẩn thận, sạch sẽ và rất chú trọng vun đắp cho cuộc sống gia đình nên anh Tuấn đã nhiều lần góp ý cho vợ mà chị Hạnh vẫn cứ “chứng nào tật ấy”. Bữa ăn được chị bày la liệt  như một bãi chiến trường.

Lâu dần, anh tìm đến các quán nhậu với bạn bè để không phải về nhà đúng bữa “Kệ, cô ấy muốn ăn uống như thế nào giờ tôi chẳng thèm quan tâm”. Về đến nhà, nhìn đồ ăn vứt ngổn ngang, nồi xoong mỗi chỗ một chiếc, anh Tuấn đi thẳng lên phòng và đóng sầm cửa lại. Sự lôi thôi luộm thuộm của vợ là nguyên nhân chính khiến anh không muốn ăn cơm cùng gia đình.

Người phụ nữ cần biết thu vén và tổ chức cho tổ ấm bé nhỏ của mình thật gọn gàng ngăn nắp trong đó có cả những bữa ăn. Người chồng sẽ muốn trở về mái nhà thân thương có vợ con đang đợi bên mâm cơm tươm tất. Bạn bè nếu có rủ đi nhậu nhẹt sau giờ làm thì ông xã cũng có cớ để mà từ chối một cách khéo léo.

Bà Hà (Ba Đình) sang chơi với cháu nội, bà đến đúng lúc cả nhà cậu con trai đang dùng bữa tối. Bà rất đỗi ngạc nhiên khi thấy vợ chồng con cái anh Tùng mỗi người ngồi một góc, vừa ăn vừa làm kèm theo một việc. Nhóc Bi bát cơm được đặt trên bàn uống nước, miệng vừa nhai cơm vừa nhảy múa theo siêu nhân trên tivi.

Anh chị cũng chẳng ngờ mẹ đến bất chợt nên vẫn giữ nguyên cách ăn uống “thuận tiện cho cả nhà”. Biết mẹ không vừa lòng, cả hai đều ăn vội ăn vàng rồi dọn mâm bát lẫn nồi xoong lổn nhổn. Xua cu Bi lên phòng học bài,  bà Hà gọi cả anh chị vào trách móc “Bố mẹ mà còn như vậy thì sao có thể làm gương cho con cái học tập”. Nhận ra mình sai nên vợ chồng anh Tùng chỉ biết ngồi im lặng nghe mẹ dạy bảo.

Cuộc sống gia đình muốn hạnh phúc cần thiết phải có sự vun đắp của các thành viên và bắt đầu từ những hành động tưởng chừng rất nhỏ nhặt. Nhiều gia đình chỉ được sum vầy ấm cúng trong bữa tối nên việc tạo ra những mâm cơm gọn gàng, ngăn nắp chứa đựng  một không khí vui vẻ chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Qua các bữa ăn như vậy, vợ chồng con cái sẽ hiểu và thắt chặt tình cảm với nhau hơn.  
 
 
 
LH