Nguyên nhân, dấu hiệu khi xuất hiện cơn co thắt chuyển dạ
Ngày dự sinh đang đến gần, chắc chắn mẹ bầu nào cũng cảm thấy lo lắng và hồi hộp về ca sinh sắp tới của mình. Đặc biệt nỗi lo về những đau đớn thể chất sắp phải trải qua, nhận biết dấu hiệu chuyển dạ, các cơn co thắt luôn chiếm trọn tâm trí người mẹ. Mặc dù được các bà các mẹ các chị, những người đi trước truyền lại kinh nghiệm, nhưng không phải mẹ nào cũng hiểu và nắm rõ về các cơn co thắt báo hiệu chuyển dạ đang đến gần.
Không phải mẹ nào cũng hiểu và nắm rõ về các cơn co thắt báo hiệu chuyển dạ thật hay giả (Ảnh minh họa)
Khi xuất hiện cơn co thắt, dấu hiệu chung mà phần lớn các mẹ bầu đều cảm thấy đó chính là cơn đau. Các cơn co thắt ban đầu rất nhẹ và không thường xuyên, thường chỉ giống như bị chuột rút, đau bụng kinh nguyệt hoặc đau lưng nhẹ. Cơn đau bắt đầu từ phần lưng dưới, dần dần mở rộng ra quanh bụng và phần đùi của mẹ. Tuy nhiên đây chỉ là dấu hiệu chung chứ không phải hoàn toàn tất cả các bà mẹ đều có chung dấu hiệu đau ban đầu này.
Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu cho thấy mẹ bầu bắt đầu chuyển dạ, nhưng một trong số những dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là việc mẹ xuất hiện các cơn co thắt đều đặn. Tuy nhiên, vào thời kì cuối mang thai, mẹ bầu thường có những cơn gò nhẹ ở tử cung sau đó cường độ và mức độ đau của những cơn gò này sẽ tăng dần.
Mỗi bà mẹ sẽ cảm thấy khác nhau khi gặp các cơn co thắt chuyển dạ, người thì vô cùng đau đớn nhưng cũng có người nhẹ nhàng, nhàn tênh (Ảnh minh họa)
Mỗi bà mẹ sẽ cảm thấy khác nhau khi gặp các cơn co thắt chuyển dạ. Có người sẽ cảm thấy rất đau vì cơ thể đang phải hoạt động tích cực để giúp cổ tử cung mở rộng. Nhưng cũng có mẹ cảm thấy mức độ co thắt khá nhẹ nhàng. Nhìn chung, cảm giác khi gặp các cơn co thắt chuyển dạ giống như khi bị đau bụng kinh nhưng mạnh hơn khá nhiều. Những cơn co thắt này sẽ từ từ dồn dập hơn. Điều quan trọng là mẹ cần bình tĩnh để phân biệt cơn gò chuyển dạ như thế nào là giả, là thật.
Phân biệt cơn co thật – giả
Có 3 cơn co thắt điển hình, trong đó có 2 loại là cơn co thắt giả và chỉ 1 loại là cơn co thật, báo hiệu mẹ sắp sinh. Dưới đây là hướng dẫn về các loại co thắt mà mẹ có thể trải qua khi chuyển dạ, mẹ sẽ cảm thấy như thế nào và khi nào thì nên đến bệnh viện.
Hình ảnh mô phỏng độ xóa và mở cổ tử cung trong khi người mẹ chuyển dạ sinh con.
Cơn gò sinh lý - co thắt chuyển dạ giả
Những cơn gò chuyển dạ giả thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ 3 nhưng nhiều mẹ khi mang thai đến tháng thứ 4 đã bắt đầu cảm thấy tử cung mình xuất hiện hiện tượng co thắt. Loại co thắt này còn được biết đến với tên gọi co thắt Braxton – Hicks. Cơn gò Braxton-Hicks chỉ là những cơn gò nhẹ, không xuất hiện thường xuyên và cũng không đều đặn, không gây ra những thay đổi ở cổ tử cung của mẹ. Đây được xem như là cách để cơ thể người mẹ tập luyện các cơ tử cung cho việc sinh nở sau này.
Các cơn co thắt giả trước sinh
Những cơn co thắt giả xảy ra trước khi các cơn co thắt thật đến, giúp cổ tử cung chuẩn bị sẵn sàng để bước vào chuyển dạ thật và đưa em bé ra ngoài. Các cơn co này xuất hiện liên tục và dừng lại khi mẹ thay đổi vị trí, tư thế. Thông thường cơn co giả không làm cho cổ tử cung giãn hay là mở ra. Cơn co thắt giả có thể bắt đầu ngay trước cơn co thật, nhưng không phải người mẹ nào cũng trải qua đúng quy trình này, thậm chí có nhiều mẹ xuất hiện ngay các cơn co thật và chuyển dạ sinh bé khá nhanh chóng.
Mẹ cần phân biệt cơn co giả và thật để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cũng như sức khỏe thật tốt (Ảnh minh họa)
Cơn co thắt chuyển dạ thật
Không giống như các cơn co thắt giả, khi cơn co thắt do chuyển dạ thật bắt đầu, chúng sẽ không chậm lại hay ngừng hẳn cho dù mẹ áp dụng các biện pháp như uống nước, đổi tư thế hoặc nghỉ ngơi. Khi cơn gò chuyển dạ thật sự bắt đầu, mẹ sẽ cảm thấy các cơn đau tăng dần lên, kéo dài hơn, tần suất cũng dồn dập. Nhiệm vụ của các cơn co thắt khi chuyển dạ thật là để làm giãn cổ tử cung, tạo kênh sinh nở để giúp em bé chào đời.
Mỗi mẹ sẽ có những cảm nhận khác nhau về cơn gò chuyển dạ thật sự này, tuy nhiên đa phần các mẹ sẽ có dấu hiệu điển hình là đau, nhưng có mẹ thì chỉ đau âm ỉ, nhưng có những mẹ lại đau mạnh phần lưng dưới, bụng dưới và đùi trên kèm theo các dấu hiệu tích cực khác như căng cơ vùng xương chậu, ra dịch nhầy màu hồng, vỡ ối. Khi thấy các cơn co thắt xuất hiện liên tục với tần suất từ 5-10 phút mỗi lần, mẹ hãy ngay lập tức đến các cơ sở y tế.
Khi cơn gò chuyển dạ thật sự bắt đầu, mẹ sẽ cảm thấy các cơn đau tăng dần lên, kéo dài hơn, tần suất cũng dồn dập hơn (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, ngay cả khi ngày dự sinh còn khá xa, nhưng nếu có những triệu chứng khẩn cấp này và báo hiệu sinh non, mẹ cũng cần chủ động đến bệnh viện ngay lập tức như:
- Các cơn co thắt mạnh, dồn dập.
- Vỡ ối mà không có cảm giác đau, thúc ép.
- Chảy nước có màu xanh, hơi nâu.
- Có cảm giác dây rốn va chạm vào cổ tử cung hoặc âm đạo.
Mẹ cần phân biệt giữa cơn gò sinh lý, co thắt giả và cơn đau chuyển dạ thật để từ đó hiểu điều gì đang xảy ra để xử trí, tránh nôn nóng, vội vàng nhưng cũng cần đến bệnh viện kịp thời, đúng thời điểm cần thiết. Mẹ có thể áp dụng một số cách giúp làm giảm cơn đau như đi bộ nhẹ nhàng hoặc đổi tư thế, vị trí, mát xa, tắm nước ấm. Nhưng điều quan trọng nhất người mẹ cần làm là giữ bình tĩnh, tập hít thở đều đặn, hạn chế la hét vì điều này khiến bản thân thêm mệt, mất sức nhanh. Mẹ có thể nhận biết đâu là cơn co thắt giả, đâu là cơn co thật để điều chỉnh cơ thể sao cho phù hợp, giữ tâm lý ổn định để cuộc chuyển dạ sinh con thành công.
Nguồn: Mom