Đắm mình giữa làn nước ấm của vòi sen sau một ngày lạnh giá, hẳn bạn sẽ cảm thấy thật thư giãn, tâm trí bạn được thả lỏng và ý thức như được giải phóng, bạn thêm minh mẫn, sáng tạo và ý tưởng mới đột nhiên đến liên tục. Các nhà khoa học gọi đây là “hiệu ứng vòi sen”.

“Hiệu ứng vòi sen” không chỉ xảy ra trong nhà tắm mà có thể ở bất kỳ đâu. Do đó, ý tưởng hay nhất không phải lúc nào cũng nảy ra khi bạn ở trong trường học, chỗ làm.

Trong một nghiên cứu vào năm 2019 trên 98 nhà văn chuyên nghiệp và 87 nhà vật lý, người ta nhận ra 20% ý tưởng hay nhất của các nhân vật này thường đến trong lúc họ không ở chỗ làm, mà khi họ đang làm việc nhà hoặc đi tắm. Ở nhóm người bình thường thì tỉ lệ này lớn hơn rất nhiều, hơn 70%.

Jonathan Schooler, giáo sư khoa học tâm lý và não bộ tại Đại học California ở Santa Barbara, đồng thời là tác giả đứng đằng sau nghiên cứu, cho biết phát hiện này khá là ấn tượng. Ông so sánh những suy nghĩ tự phát cũng giống như khoảnh khắc “Eureka” (Tìm ra rồi!) của nhà toán học người Hy Lạp Archimedes.

Vì sao cứ đi tắm là bạn lại nảy ra ý tưởng hay? - Ảnh 1.

Tâm trí lang thang có ích cho sự sáng tạo

Khi không chú tâm làm việc gì, ta thường có những suy nghĩ vu vơ, không rõ ràng. Trong lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra suy nghĩ mông lung vẩn vơ trong môi trường làm việc có thể làm gián đoạn hiệu quả công việc. Vì bạn suy nghĩ về đủ thứ, chỉ có nhiệm vụ ngay trước mặt là không. 

Tâm trí làng thang vô định có thể gây ra vấn đề - rõ ràng, nhưng nếu ta học cách rèn luyện để tâm trí lang thang một cách có tổ chức, thì có thể kích thích sự hiếu kỳ, sáng tạo và giúp suy nghĩ tích cực hơn. 

Vì sao cứ đi tắm là bạn lại nảy ra ý tưởng hay? - Ảnh 2.

Một nghiên cứu trên 1.100 người báo cáo rằng những suy tưởng độc đáo của họ thường đến khi tâm trí lang thang trong khi tắm (30%), khi họ đang đi đâu đó (13%) hoặc trong khi tập thể dục (11%).

Để chứng minh suy nghĩ tự do, tự phát có thể thúc đẩy tính sáng tạo, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm trên 300 sinh viên đại học. Họ được phát những đồ vật rất bình thường như viên gạch, kẹp giấy, và được yêu cầu phải nghĩ ra nhiều cách sử dụng khác nhau, càng mới lạ càng tốt, ví dụ như kẹp giấy có thể được sử dụng để làm thành một cái móc khóa. Tuy nhiên, họ chỉ có 90 giây để suy nghĩ và sáng tạo. 

Sau vòng kiểm tra lần 1, nhóm sinh viên được xem 2 đoạn video khác nhau, có nhóm thì xem đoạn video về hai người đàn ông đang phơi đồ, khung cảnh khá nhàm chán, không đòi hỏi phải tư duy, quan sát nhiều, có nhóm thì xem một cắt cảnh trong phim, với lời thoại và nhiều tình tiết mới lạ.

Hoạt động này giúp não nghỉ ngơi, tạo điều kiện để tâm trí lang thang và kích hoạt óc tư duy. Khi các sinh viên được kiểm tra lại lần nữa, nhóm sinh viên xem phim có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn hẳn. 

Điều gì thực sự diễn ra trong não của chúng ta?

Zachary Irving, giáo sư về khoa học nhận thức tại Đại học Virginia và là tác giả của nghiên cứu trên 300 sinh viên cho biết, yếu tố xúc tác để dẫn đến “hiệu ứng vòi sen” là bạn vừa có sự tập trung nhất định nhưng vẫn có khoảng trống để tâm trí tự do. Các hoạt động nhẹ nhàng như đi tắm, đi dạo hoặc xem phim hài kịch lãng mạn đòi hỏi chỉ một phần chú ý nhỏ, chừa chỗ để tâm trí của bạn vẫn chú ý đến những hoạt động khác. Và đây chính là cách ta kích hoạt tính sáng tạo.

Nhà thần kinh học Alice Flaherty giải thích kỹ về những biến đổi trong não khi chúng ta tắm hoặc thực hiện các hoạt động thư giãn nhẹ nhàng. Lúc tắm nước ấm, tập thể dục, chất hóa học dopamine trong cơ thể được giải phóng làm ta cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, nhờ đó mà ý tưởng đến dồi dào, phong phú hơn.

Yếu tố quan trọng thứ hai là sự phân tâm. Phân tâm, hay mất tập trung, đem lại một khoảng nghỉ cần thiết, đặc biệt là khi bạn đã tập trung về một vấn đề cả ngày dài. Việc nhảy vào phòng tắm, bật vòi sen được các nhà khoa học gọi là khoảnh khắc “ươm mầm ý tưởng” giúp kích hoạt trí nhớ tiềm thức, sắp xếp và bổ sung cho ý tưởng mới.

Vì sao cứ đi tắm là bạn lại nảy ra ý tưởng hay? - Ảnh 3.

Sự phân tâm, hay mất tập trung, đem lại một khoảng nghỉ cần thiết cho não bộ

Và nhân tố cuối cùng là cách não chúng ta điều hướng sự chú ý trong môi trường thư giãn. Khi tinh thần thoải mái, tâm trí có xu hướng chú ý vào suy nghĩ bên trong và liên kết nhiều hơn với các hoạt động ở bán cầu não phải. Ngược lại, trong môi trường căng thẳng, đòi hỏi sự tập trung cao độ, não trái hoạt động hết công suất để giải quyết vấn đề một cách lý trí nhất. Khi bán cầu não phải và trái đồng thời được kích hoạt ngang nhau, thì sự sáng tạo bất ngờ nhất sẽ xuất hiện. 

Nhìn chung là bạn phải ở trong trạng thái dễ chịu nhưng cũng dễ bị phân tâm thì não bạn mới cho ra những ý tưởng sáng tạo nhất. 

Cách tận dụng “hiệu ứng vòi sen” để tìm ý tưởng sáng tạo

- Cho bản thân nghỉ ngơi. Đi dạo, đi xem phim giải trí nhẹ nhàng, tắm vòi sen, ngâm mình trong bồn nước.

- Thay đổi môi trường. Thỉnh thoảng hãy tìm đến những môi trường khác nhau để làm giàu trải nghiệm, bạn có thể đi dạo trong công viên, đi bộ trong rừng cây, đi du lịch.

- Kiên trì. Tính sáng tạo cũng như cơ bắp, phải tập luyện đều đặn thì mới phát triển.

Vì sao cứ đi tắm là bạn lại nảy ra ý tưởng hay? - Ảnh 4.

Hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ cũng kích thích sự sáng tạo

- Ghi chú đều đặn mọi thứ. Hãy học cách ghi chú lại vào sổ hay điện thoại bất kỳ lúc nào bạn có ý tưởng hay (có lẽ trừ lúc tắm ra hoặc lúc sắp đi ngủ), bằng cách đó bạn sẽ quan sát được thời điểm nào thì mình có nhiều ý tưởng nhất.

- Thử thách bộ não với những nhiệm vụ “khó nhằn”. Làm nhiều hơn mức bình thường, ví dụ nếu bạn là nhà văn, hãy tập viết nhiều hơn gấp đôi bình thường. Sự thư thái của “hiệu ứng vòi sen” không nằm trong quá trình bạn thử thách bản thân mà diễn ra sau khi bạn hoạt động hết công suất và phải nghỉ ngơi. Chính giai đoạn nghỉ ngơi này đem lại nhiều ý tưởng bất ngờ nhất.