Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Trường Giang cho biết, tham gia đóng BHXH là vừa lo cho lợi ích của người lao động, vừa lo cho lợi ích của doanh nghiệp.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội về việc được hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19 là giảm, miễn thuế, tuy nhiên chỉ được tạm dừng đóng BHXH, ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH cho hay BHXH là quan hệ đóng hưởng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không đóng cho người lao động thì sẽ không có gì để hưởng.
Tham gia đóng BHXH là vừa lo cho lợi ích của người lao động, vừa lo cho lợi ích của doanh nghiệp
Nếu chính sách thuế chỉ là quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp thì chính sách BHXH là quan hệ 3 bên Nhà nước - người sử dụng lao động - người lao động.
Theo ông Giang, tham gia đóng BHXH là vừa lo cho lợi ích của người lao động, vừa lo cho lợi ích của doanh nghiệp. Vì vậy, ông Phạm Trường Giang cho hay, doanh nghiệp sử dụng người lao động mà không đóng BHXH thì khi xảy ra tai nạn dẫn đến mất khả năng lao động. Lúc này, ai sẽ là người chi trả để đảm bảo cuộc sống cho họ? Khi đó, doanh nghiệp có thể đứng ra chi trả toàn bộ hay không?
Trao đổi về một số phản ánh việc tạm dừng đóng BHXH không mang lại nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ BHXH cho hay, tính đến ngày 26-6, tổng số lao động được tạm dừng đóng BHXH là gần 130.000 lao động với số tiền khoảng 500 tỉ đồng; gần 1.500 doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách này.
Theo ông Giang, những con số này đủ sức khẳng định ý nghĩa của chính sách. Thay vì phải đóng 500 tỉ đồng vào quỹ BHXH, doanh nghiệp được giữ lại số tiền đó để sản xuất kinh doanh tạo ra lợi nhuận duy trì hoạt động. Điều quan trọng hơn là sau thời gian tạm dừng đóng BHXH, doanh nghiệp không phải đóng lãi chậm.
Tuy nhiên, trường hợp không đóng BHXH vẫn có thể xảy ra. Ông Phạm Trường Giang giải thích, Luật BHXH đã quy định, căn cứ đóng BHXH là tiền lương. Trong trường hợp, doanh nghiệp không có doanh thu và người lao động không có tiền lương thì người lao động và doanh nghiệp không phải đóng BHXH trong giai đoạn này.