Thời điểm 8h30 ngày 31/10, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 66,05 - 67,05 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào - bán ra. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 51,9 - 52,75 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với trước đó.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng trong nước ở mức 66 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với ngày 30/10.
Trước đó, tại phiên giao dịch ngày 1/10, giá vàng miếng SJC trong nước ở mức 66,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Như vậy, sau 1 tháng dù giá vàng bán ra tăng 650.000 đồng/lượng nhưng chênh lệch giá mua vào - bán ra cao, người nắm giữ vàng sau 1 tháng vẫn bị lỗ 350.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch mua vào - bán ra cao khiến người mua vàng rơi vào nghịch lý, giá vàng tăng nhưng người giữ vàng vẫn lỗ.
Sáng 31/10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.642 USD/ounce, giảm 2 đồng/USD so với cuối giờ chiều hôm trước. Theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, giá vàng thế giới khoảng 49,6 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Trên thị trường tiền tệ trong nước, ngày 31/10 tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.695 đồng/USD, tăng 2 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 24.870 đồng/USD, giữ nguyên so với phiên giao dịch ngày 30/10.
Tại ngân hàng thương mại, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 24.567 - 24.877 đồng/USD; Ngân hàng Vietinbank niêm yết mức 24.575 - 24.878 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra.
Trái ngược với vàng, trong 1 tháng qua, người nắm giữ USD đã “cười tươi” khi tỷ giá USD liên tiếp tăng. Sau 1 tháng, giá trị mỗi USD tăng tới 530 đồng. Nếu người mua USD từ đầu tháng 10 và bán ra vào ngày 31/10 sẽ nhận lời khoảng 530 đồng/USD, mức lời hấp dẫn so với vàng và lãi suất gửi tiết kiệm.