Cụ thể, năm học này Hà Nội dự kiến có khoảng 110.000 học sinh lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS, và gần 100.000 thí sinh dự tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Cũng như những năm trước, trong số đó sẽ chỉ có khoảng 62% học sinh đỗ suất học vào các trường công lập, số còn lại sẽ học các trường trung cấp nghề, Trung tâm GDTX- GDNN; hệ thống trường ngoài công lập….
Năm ngoái, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện bởi 4 bài thi gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử. Riêng năm nay, Hà Nội dự kiến sẽ công bố phương án thi vào tháng 3 tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin.
Hà Nội sẽ tiếp tục sử dụng công cụ xác nhận nhập học trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời ứng phó kịp thời với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giúp công tác tuyển sinh được chính xác, minh bạch, khách quan.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng báo cáo, các đợt tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 cũng tiếp tục thực hiện ổn định với phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận/huyện/thị xã quy định.
Trong đó, dự kiến sẽ tuyển khoảng 110.000 trẻ mầm non vào nhà trẻ; 415.000 trẻ vào mẫu giáo; tuyển vào lớp 1 khoảng 140.000 học sinh; tuyển vào lớp 6 khoảng 151.000 em (tăng 15.000 so với năm ngoái).
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm sĩ số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp; tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày… Phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến sẽ được sử dụng trên toàn Thành phố.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nói, đến hôm nay Hà Nội vẫn chưa công bố lịch thi và môn thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023. Tuy vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết vẫn giữ ổn định phương thức thi tuyển như năm trước. Cụ thể, sẽ thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn thứ 4 là một trong 6 môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Vật lí, Hoá học, Sinh học. Môn thứ 4 được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3.
Theo ông Khang, lứa học sinh lớp 9 năm nay hứng trọn 3 năm học bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 (2019-2020, 2020-2021, 2021-2022), phần lớn thời gian phải học online tại nhà nên chất lượng học tập rất hạn chế.
"Phụ huynh và học sinh lo lắng vô cùng. Các trường cũng không biết làm sao để đảm bảo chất lượng giảng dạy cho học sinh cuối cấp. Vì vậy, tâm lý của phụ huynh và học sinh muốn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay chỉ 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ, không phải thi thêm môn thứ 4. Các nhà quản lý giáo dục Thủ đô vì sợ giáo viên dạy lệch, học sinh học lệch nên bằng cách có thêm môn thứ 4 để các trường dạy và học đều cả 9 môn nói trên. Tôi cho rằng, không đáng lo giáo viên dạy lệch, học sinh học lệch để tổ chức kì thi tuyển sinh vào lớp 10 như trên. Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm nay chỉ thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Họ không chống dạy lệch, học lệch bằng cách như Hà Nội. Tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm vẫn đảm bảo chất lượng”, ông Khang nói.
Ngoài ra, ông Khang cho rằng, từ năm học 2022-2023 trở đi, học sinh lớp 10 bước vào giai đoạn “Giáo dục định hướng nghề nghiệp”. Tính phổ thông toàn diện không được đặt ra. Học sinh chỉ bắt buộc học các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, GDQP… không nhất thiết phải học cả 6 môn Lịch Sử, Địa lý, GDCD, Vật Lý, Hoá học, Sinh học. Vì vậy, tuyển sinh đầu vào THPT năm học tới trở đi với 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ là hợp lý.
Không riêng ông Khang, nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng, đối với năm học chịu tổn thương sâu sắc từ dịch COVID-19 như năm qua, Hà Nội nên bỏ bài thi thứ 4 hoặc công bố sớm phương thức thi nhằm giảm áp lực cho học sinh. Nếu không, điều đó đồng nghĩa với việc học sinh phải cùng lúc ôn thi 9 môn học, trong điều kiện chủ yếu học trực tuyến như hiện nay sẽ rất vất vả, khó khăn cho các em.