Vì sao hàng loạt trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ?

Đỗ Hợp,
Chia sẻ

Nhiều trường đại học dự kiến sẽ bỏ xét tuyển học bạ từ năm 2025. Trong khi, hàng loạt trường đã không sử dụng phương thức này từ nhiều năm trước.

Nhiều trường tốp trên bỏ xét tuyển học bạ

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, từ năm 2025, trường dự kiến không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức để đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào.

Những năm trước điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu).

Từ năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Lý do nhà trường đưa ra là bởi qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng.

TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết, năm 2025, trường dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: Xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024).

Trước đó, các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số trường tại TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ.

Lý do khiến nhiều trường quyết định không xét tuyển học bạ là bởi lo ngại điểm học bạ của các trường cấp 3 thường không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn. Học bạ THPT có thể bị can thiệp để “làm đẹp” hơn phục vụ xét tuyển đại học. Điều này dẫn đến việc không đảm bảo công bằng trong xét tuyển đầu vào.

Trước thông tin nhiều trường đại học tốp trên sẽ bỏ xét tuyển bằng học bạ, em Nguyễn Hương Giang (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, em rất tiếc nuối.

“Em đã cố gắng rất nhiều và muốn vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng nhìn điểm chuẩn theo các phương thức khác rất khó nên trường bỏ xét tuyển bằng phương thức học bạ khiến em phải cố gắng hơn rất nhiều ở các phương thức xét tuyển của trường”, Giang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Ánh (Hà Nội) có con đang học lớp 12 cho rằng, con chị năm tới thích xét tuyển vào trường top trên nhưng một trong số các trường đều đã công bố bỏ phương án xét tuyển này. Vì thế, chị vừa đầu tư cho con thi chứng chỉ IELTS , SAT và học ôn thi đánh giá năng lực của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Chưa phù hợp

Dù cho rằng xét tuyển học bạ tốt và xu hướng cần phải đẩy mạnh tuyển sinh theo hình thức này, tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại ủng hộ việc các trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ vào thời điểm này.

Lí do, theo TS Lê Viết Khuyến là điều kiện xét tuyển bằng học bạ hiện nay ở Việt Nam chưa phù hợp. Bởi lẽ, theo ông Khuyến ở các trường phổ thông chưa có cơ chế kiểm định nên kết quả ở phổ thông tùy thuộc vào mỗi trường, không có sự đồng đều chất lượng vì có trường “chấm chặt” có trường “chấm lỏng”.

Thêm nữa, ở Việt Nam bệnh thành tích rất lớn nên áp dụng phương thức này sẽ dẫn tới việc không công bằng và mở đường cho tiêu cực cũng như bệnh thành tích phát triển.

“Nếu chúng ta làm mà chưa đảm bảo điều kiện thì không nên làm. Khi các trường đại học sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí có cả tình trạng làm đẹp điểm học bạ. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển sẽ là không công bằng với học sinh”- ông Khuyến nói.

PGS. TS Lê Hữu Lập, nguyên Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng, việc bỏ xét tuyển theo học bạ, các trường top trên không lo, vì kiểu gì cũng tuyển được người giỏi. Các trường cũng không mặn mà để nhiều chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển này.

“Tôi thấy các trường top đầu dùng điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, điểm SAT, ACT.. mà đều lấy điểm cao từ 26, 27, 28 điểm (đã quy đổi) trở lên. Trường xét tuyển theo cách nào đều có lý do”- ông Lập nói.

Trước đó, cử tri từng có kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ. Cử tri cho rằng, nhiều tiêu cực nảy sinh để "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ ở các trường THPT. Trả lời cử tri, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai. Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng.

Chia sẻ