Sắp tới, Lyon Lenk sẽ tới gặp bác sĩ tiết niệu ở Thành phố Kansas, bang Missouri, Mỹ. Anh sẽ được gây tê cục bộ, trước khi bác sĩ tiến hành thủ thuật thắt ống dẫn tinh. Sau khi khâu vết rạch, Lenk sẽ được cho về nhà, uống thuốc giảm đau và miễn là không có biến chứng, anh sẽ hết cảm thấy khó chịu chỉ trong khoảng 1 tuần.
Lenk năm nay 35 tuổi và có người yêu nhưng cả hai đều không muốn có con. Khi Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ đưa ra phán quyết trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson và lật ngược phán quyết trong vụ Roe kiện Wade, gây bất lợi cho quyền phá thai ở nhiều bang tại Mỹ, Lenk đã lên kế hoạch cho thủ thuật triệt sản.
"Tôi nghĩ với rất nhiều người trong trường hợp tương tự tôi, đây là thứ mà chúng tôi có thể còn do dự trước khi vụ Roe kiện Wade bị lật ngược", Lenk nói. "Nhưng đây là lựa chọn duy nhất để giúp người yêu tôi an toàn vào lúc này, bởi tôi sống tại bang Missouri. Và Missouri có 'luật kích hoạt' đã đi vào hiệu lực để phi pháp hóa việc phá thai ngay khi phán quyết bị lật lại. Chuyện này vừa đáng sợ vừa rất thực".
Không chỉ Lenk, nhiều người đàn ông trẻ khác cũng đang tìm hiểu và bắt đầu thắt ống dẫn tinh. Nó đã trở thành xu hướng và được quan sát một cách chưa chính thức tại nhiều quốc gia nhưng bắt đầu bùng nổ tại Mỹ từ sau phán quyết mới đây của Tối cao Pháp viện. Theo dữ liệu từ Google Xu hướng, có sự gia tăng lớn đáng kể các truy vấn về "thắt ống dẫn tinh", đặc biệt là cao ở các bang có luật kích hoạt.
Một báo cáo từ công ty nghiên cứu sức khỏe Innerbody Research cho thấy truy vấn "tôi có thể làm thủ thuật thắt ống dẫn tinh ở đâu" tăng tới 850% vào những ngày sau khi tin tức về phán quyết lộ ra và con số đặc biệt cao tại các bang bảo thủ như Texas hay Florida.
Một nguồn tin trong ngành y tiết lộ với đài CBS rằng số đàn ông dưới 30 tuổi chưa có con tiến hành thủ thuật này đã tăng gấp đôi kể từ sau phán quyết. Các bác sĩ tiết niệu ở New York, California, Iowa và những nơi khác đều báo cáo xu hướng gia tăng tương tự.
Theo BBC Future, đây là một xu hướng bất thường. Trách nhiệm tránh thai kể cả đối với những cặp đôi bên nhau lâu dài vốn từ lâu nghiêng phần lớn về phái nữ. Triệt sản nữ, thuốc tránh thai đường uống, đặt vòng tử cung và những lựa chọn khác cho phái nữ vẫn là các biện pháp tránh thai phổ biến nhất tại Hoa Kỳ.
Nhưng khi ngày càng nhiều người Mỹ tập trung hơn vào các biện pháp tránh thai từ sau phán quyết gây tranh cãi, sự gia tăng trong xu hướng tìm kiếm biện pháp thắt ống dẫn tinh có thể chỉ ra rằng đàn ông đang bắt đầu gánh lấy nhiều trách nhiệm hơn trong việc tránh thai.
Nỗi sợ
Ở nhiều quốc gia, thắt ống dẫn tinh vốn là một thủ thuật "ngách". Tỷ lệ thực hiện đặc biệt thấp ở các nước kém phát triển nhất khi chỉ có 0-7% phụ nữ có thể dựa vào nửa kia thực hiện thủ thuật này. Trong khi đó, theo số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2015, tỷ lệ tại Canada và Anh đạt xấp xỉ 21% còn tại Mỹ là 10,8%.
Hơn nữa, mặc dù thắt ống dẫn tinh ở đàn ông Mỹ từ 18 đến 45 tuổi đã trên đà giảm từ năm 2002 đến 2017, các nghiên cứu chỉ ra rằng con số này có tăng lên vào các giai đoạn nhất định như Đại Khủng hoảng 2007-2009 - tỷ lệ thuận với thất nghiệp.
Nhưng kinh tế không phải yếu tố duy nhất khi tại một số quốc gia như Úc, Trung Quốc và Anh, có sự gia tăng biện pháp này do lo ngại về khí hậu và quá tải dân số.
Tại Mỹ, Alexander Pastuszak, phó giáo sư khoa phẫu thuật tiết niệu tại Đại học Utah cho biết, lý do phổ biến nhất để thắt ống dẫn tinh là "vợ tôi bảo thế". Nhưng kể từ quyết định của Tối cao Pháp viện, ông nói, dường như nam giới đang chủ động trong các biện pháp tránh thai từ phía họ hơn khi lựa chọn của phái nữ bị thu hẹp, đặc biệt là tại các bang có luật chống phá thai.
Keith Laue, một nhà sáng tạo nội dung 23 tuổi đến từ Austin, Texas, Hoa Kỳ, cho biết anh đã thực hiện thủ thuật này vì tin rằng phụ nữ không phải gánh vác gánh nặng kiểm soát sinh sản một mình. Anh nói: "Nói một cách nhẹ nhàng, Texas đã không mấy tử tế với quyền sinh sản của phụ nữ". Laue và nửa kia có một cô con gái 3 tuổi và chắc chắn rằng họ không muốn có thêm con nữa.
Sau khi nói chuyện với nửa kia của mình về trải nghiệm "thực sự khó khăn" của cô với các biện pháp tránh thai, Laue nói rằng rất dễ để quyết định rằng anh nên là người chịu trách nhiệm về việc tránh thai của cả hai.
Trước đây, Laue từng hoãn việc tiến hành thủ thuật nhưng ngay sau khi Texas thông qua đạo luật chống phá thai, anh đã lập tức lên lịch lại ngay.
Stanton Honig, giáo sư tiết niệu lâm sàng và trưởng bộ phận y học sinh sản tại Trường Y Yale lo ngại rằng nỗi sợ các biện pháp tránh thai khác bị đe dọa bởi các điều luật hạn chế quyền sinh sản đang được phản ánh trong xu hướng triệt sản gia tăng ở nam giới. Thậm chí ông cho rằng ở một số bang bảo thủ, người ta đang lo rằng sớm thôi họ sẽ mất khả năng kế hoạch hóa gia đình.
Theo Lenk, không chỉ động lực pháp lý thúc đẩy anh sớm làm thủ thuật càng sớm càng tốt mà cả việc lo ngại các biện pháp tránh thai khác tác động tiêu cực đến hormone, cảm xúc và sức khỏe của nửa kia.
Thay đổi có ý nghĩa hay chỉ là trào lưu ngắn hạn?
Mặc cho việc biện pháp này có rất nhiều ưu điểm, thắt ống dẫn tinh vốn rất hiếm ở Mỹ, phần lớn vì niềm tin cố hữu rằng tránh thai là việc của phụ nữ, theo Krystale Littlejohn, một phó giáo sư xã hội học tại Đại học Oregon. Bà cảnh báo rằng kể cả xu hướng hiện tại cũng phải được đặt trong bối cảnh đúng.
Bà đặt câu hỏi, suốt hàng thập kỷ, gánh nặng tránh thai thậm chí bằng triệt sản vốn đã luôn đè nặng phụ nữ Mỹ, vậy tại sao việc này lại trở thành cố hữu?
Sự gia tăng các ca thắt ống dẫn tinh sau vụ lật ngược Roe kiện Wade dù sao vẫn rất đáng chú ý. Dù lý do là vì lo cho nửa kia, sợ có con ngoài ý muốn, là tuyên ngôn chống lại sự hạn chế phá thai hay cả 3 thì cũng tốt, nhưng có khả năng đây chỉ là một xu hướng ngắn hạn mang tính phản ứng tức thời.
Pastuszak, mặt khác, coi sự gia tăng đột biến trong thời gian gần đây của các ca triệt sản nam không phải hiệu ứng tức thời. Ông nói: "Phán quyết Dobbs thực sự là một bước ngoặt cho việc này. Tôi ngờ rằng sẽ có một sự gia tăng trong vài năm tới, miễn là luật này được giữ nguyên".
"Sau phán quyết lật ngược Roe kiện Wade, tôi tự tin hơn nhiều vào quyết định này, tôi nghĩ đã đến lúc đàn ông nên bắt đầu hỗ trợ phụ nữ và trách nhiệm của chúng ta trong việc tránh thai", Laue cho biết.
Mặc dù ý nghĩ đó nghe có vẻ hay, Littlejohn lại cho rằng cách diễn giải đó khuyến khích tư duy rằng đàn ông vốn không "mặc định" là phe cần chịu trách nhiệm trong việc tránh thai mà họ chỉ đang trở nên tử tế và chìa tay hỗ trợ phụ nữ mà thôi.
Hơn nữa, xu hướng gia tăng trong thủ thuật thắt ống dẫn tinh cũng dẫn tới hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều biện pháp tránh thai khác cho nam giới, dù là can thiệp hormone hay không. Điều này rất có ý nghĩa trong tương lai và giúp đàn ông có thêm nhiều lựa chọn và tự do trong công tác kiểm soát sinh sản.
Cho đến nay, thắt ống dẫn tinh vẫn được coi là biện pháp triệt sản lâu dài vì dù có thể nối lại, khả năng thành công và có thai sẽ thấp đi đáng kể.
Đối với Lenk, thắt ống dẫn tinh vừa là hành động bảo vệ bản thân và nửa kia, vừa đơn giản là tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đó không phải là một quyết định mà anh xem nhẹ, nhưng anh rất chắc chắn rằng đó là một quyết định đúng đắn. "Tôi đã mất rất nhiều thời gian và suy nghĩ, nói chuyện với nửa kia của mình thật nhiều, nhưng tất cả đều rất đáng giá. Nửa kia của tôi và tôi ngày càng gần gũi nhau hơn, và tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè của mình".
Lenk hy vọng rằng nhiều đàn ông hơn sẽ bắt đầu nghĩ về vai trò của họ trong quá trình sinh sản.
Nguồn: BBC Future