Một điều ít ai ngờ rằng, người cho đi quá nhiều đã vô tình “nuông chiều”, khiến người khác không yêu thương họ, không tôn trọng họ. Đây chính là “tốt người hại mình” đúng nghĩa.

Vì sao bạn toàn tâm toàn ý đối xử với người khác, tận tâm tận lực, nhưng đối phương lại không ghi lòng ân tình của bạn? Vì sao có người, bề ngoài trông hời hợt, vô tình, nhiều lúc còn đưa tay nhận về nhiều thứ, thế mà họ lại muốn gì có đó, đủ đầy đáng ngưỡng mộ?

Bạn khinh thường người chỉ biết nhận mà không biết cho. Bạn tự hào vì bản thân độc lập, kiên cường. Nhưng bạn phát hiện, một người luôn mạnh mẽ như mình lại không hạnh phúc bằng những người kia. Tại sao lại như vậy?

Cách người khác đối xử với bạn là kết quả của những việc mà bạn đã làm cho họ

Ai đó khó tính châm chọc bạn, bạn hùng hổ phản bác lại vài câu. Thế là họ biết rằng bạn là kiểu người không dễ bị ăn hiếp, lần sau sẽ hành xử đúng mực hơn.

Vì sao người cho đi quá nhiều càng khó tìm thấy hạnh phúc? - Ảnh 1.

Bạn bè yêu cầu bạn giúp đỡ, chuyện nhỏ chuyện lớn bạn đều đồng ý. Thế là họ nghĩ rằng bạn là người dễ tính, dễ nhờ vả, từ đó là chuỗi ngày bạn làm đủ mọi thứ chuyện cho họ.

Đồng nghiệp đùn đẩy công việc cho bạn, mỗi lần bạn đều khó chịu, không tình nguyện, nhưng vẫn đồng ý chấp nhận. Do đó, đồng nghiệp không quá tôn trọng bạn, đồng thời nghĩ rằng bạn dễ dãi, không có một chút cá tính, lần sau sẽ đùn đẩy công việc nhiều hơn.

Những trường hợp trên đều là kết quả của việc cho đi quá nhiều. “Cho đi” không chỉ đơn giản là hành động bạn cho người khác món đồ, mà bao gồm rất nhiều thứ trong cuộc sống hằng ngày.

Người cho đi quá độ thường sợ việc từ chối người khác, vì họ lo lắng mình sẽ bị ghét bỏ, bị loại trừ, bị cô lập. Nhưng trên thực tế, chỉ cần ngẫm nghĩ lại, bạn sẽ phát hiện:

Cho đi quá nhiều cũng không nhận về sự công nhận và yêu thích, thay vào đó lại là sự xem nhẹ và không tôn trọng. Đồng thời, thói quen này cũng dần khiến bản thân bị lạc lối, không còn là chính mình, mất đi giá trị cái tôi vốn có.

Đánh mất bản thân vì quá suy nghĩ cho người khác

Kiểu người thích cho đi không biết cách nâng cao nhu cầu của bản thân, chủ động đưa ra sự nhờ vả, vì cảm thấy mình không xứng hoặc sợ làm phiền đến người khác. Song những điều này đa phần chỉ là sự tưởng tượng trong đầu mà thôi.

Những lúc như thế này hãy hỏi ngược lại chính mình rằng: “Liệu những người kia có cảm thấy họ đã làm phiền đến mình hay không?”.

Vì sao người cho đi quá nhiều càng khó tìm thấy hạnh phúc? - Ảnh 2.

Kiểu người dần trở nên dễ dãi này sở dĩ có suy nghĩ sợ làm phiền đến người khác là vì họ đã đánh mất bản thân, xem nhẹ tầm quan trọng của mình, đề cao người khác quá mức. Sâu xa hơn, sự tự ti cũng được hình thành từ đây, trở thành người thấp cổ bé họng và dễ bị lợi dụng.

Nhiệm vụ của mỗi người sống trên đời là tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình. Tiền đề để làm được điều này chính là phải biết yêu thương bản thân. Song nếu cứ chật vật với việc cố gắng làm hài lòng người khác mà bỏ qua chính mình thì bạn đang xa rời hạnh phúc một cách nghiêm trọng.

Quen với việc cho đi, xem rằng đây là chuyện hiển nhiên, cũng không biết xem trọng nhu cầu của mình. Kết cục để lại một ấn tượng trong lòng người khác dành cho bản thân là: Người không quan trọng!

Do đó, dù biết rằng cho đi là một phần của sự lương thiện, nhưng chuyện gì trên đời này cũng có giới hạn riêng. “Vật cực tất phản”, cái gì nhiều quá cũng phản tác dụng, và cho đi cũng vậy.

Người thông minh là phải biết cách từ chối. Đây không phải là biểu hiện của sự vô tình, ích kỷ, mà là tự lượng sức mình, yêu bản thân trước rồi mới yêu người khác. Người lượng thiện chịu thiệt thòi một chút cũng không sao, nhưng thiệt thòi gom về quá nhiều lại trở thành thất vọng và bất mãn.

Vậy nên, cho đi là điều nên làm, nhưng hãy hành động thật thông minh, nếu không hạnh phúc tìm mãi cũng không thấy đâu.