Christopher Langan là người đàn ông thông minh nhất từ trước đến nay vẫn còn sống, với chỉ số IQ là 195 đến 215 tùy vào lần đánh giá khác nhau. Để so sánh, IQ của nhà bác học Albert Einstein là 150 và IQ trung bình của chúng ta là 100. Thế nhưng Christopher Langan với IQ vượt cả Einstein ấy đã dành phần lớn cuộc đời của mình để làm nhân viên phục vụ trong một quán bar.

Tại sao sinh ra là thiên tài lại không thể phát triển?

Christopher Michael Langan sinh ngày 25 tháng 3 năm 1952, có dấu hiệu thông minh trên mức trung bình từ khi còn nhỏ. Ông có thể nói lúc mới 6 tháng tuổi và 3 tuổi đã biết đọc. 

Thế nhưng bộ óc thần đồng này đã không được phát hiện, đào tạo và nuôi dưỡng. Langan trải qua tuổi thơ nghèo khó trong một gia đình có cha mẹ ly hôn và không được người lớn quan tâm. Thậm chí ông còn bị bạn trai của mẹ thường xuyên bạo hành. 

Vì sao người đàn ông thông minh nhất thế giới với IQ vượt cả Einstein lại cả đời thất bại, phải làm bảo vệ, phục vụ để kiếm sống? - Ảnh 1.

Hình ảnh thời thơ ấu của Langan

Tuy nhiên, Langan vẫn tiếp tục xuất sắc trong học tập. Khi 12 tuổi, ông đã học xong tất cả những gì có trong chương trình phổ thông Mỹ và bắt đầu dành thời gian cho việc tự học. 

“Tôi đã tự học toán cao cấp, vật lý, triết học, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, tất cả những thứ đó”,  Langan, người có thể học một ngôn ngữ chỉ bằng cách đọc lướt qua sách giáo khoa cho biết. Sau đó, ông còn đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi SAT, mặc dù đã ngủ gật liên tục trong lúc thi.

Christopher Langan nhận thức được trí tuệ của mình, nhưng mọi người xung quanh thì không. Ông thi vào Đại học Reed với hy vọng được học toán và triết học. Nhưng mẹ Langan đã không ký vào đơn đảm bảo cho con nhận học bổng toàn phần nên ông đã bỏ học.

Tiếp theo, ông đi phiêu bạt khắp nước Mỹ, trải qua đủ nghề. Langan từng làm cao bồi, công nhân xây dựng, lính cứu hỏa lâm nghiệp, huấn luyện viên thể dục và bảo vệ. Khi đã ở độ tuổi 40, ông chỉ kiếm được 6.000 đô la một năm (khoảng 130 triệu đồng), mức rất thấp với người Mỹ.

Vì sao người đàn ông thông minh nhất thế giới với IQ vượt cả Einstein lại cả đời thất bại, phải làm bảo vệ, phục vụ để kiếm sống? - Ảnh 2.

Christopher Langan được trời phú cho chỉ số IQ cao nhất từng được ghi nhận, nhưng Langan không dành cả ngày để giảng dạy trong các trường Ivy League hay giám sát các phòng thí nghiệm quốc gia. Thay vào đó, “người đàn ông thông minh nhất thế giới” sống một cuộc sống bình lặng và nghèo khó cả đời. 

Lý do đầu tiên và quan trọng nhất cho bi kịch này chính là vì hoàn cảnh gia đình và môi trường lớn lên. Langan thiếu sự hỗ trợ và cơ hội cần thiết để nuôi dưỡng và phát triển tài năng của mình. Trong khi đó, các thần đồng tương tự như Langan nếu được phát hiện ra từ nhỏ thường được gia đình hỗ trợ hết mức và được toàn xã hội, chính quyền tạo điều kiện cho ăn học. 

Bất chấp năng lực trí tuệ siêu phàm, ông đã phải vật lộn để tìm được công việc vì sinh ra trong một gia đình bất hạnh, không được người lớn hướng dẫn những kỹ năng sống khác và tự bản thân không muốn có bằng cấp. Ngoại trừ một lần xuất hiện ngắn ngủi trên truyền hình, Langan tiếp tục sống một cuộc đời thầm lặng. Ông cũng từng mơ ước trở thành giáo sư, nhưng với một đứa trẻ ăn cũng không đủ, điều đó là nhảm nhí và phi thực tế với Langan.

Trí thông minh phi thực tế

Việc không được theo học đại học và được nuôi dưỡng tử tế về mọi mặt đã làm uổng phí trí tuệ của Christopher Langan. Nhưng đầu óc của “người thông minh nhất thế giới” vẫn không ngừng hoạt động. Trong thời gian rảnh rỗi, Christopher Langan đã cố gắng gỡ rối những bí mật của vũ trụ bằng cách phát triển một “thuyết vạn vật”. Ông gọi nó là Mô hình Lý thuyết - Nhận thức của Vũ trụ, viết tắt là CTMU.

Vì sao người đàn ông thông minh nhất thế giới với IQ vượt cả Einstein lại cả đời thất bại, phải làm bảo vệ, phục vụ để kiếm sống? - Ảnh 3.

“Nó bao gồm vật lý và khoa học tự nhiên, nhưng nó cũng đạt đến một cấp độ cao hơn, một cấp độ bao phủ toàn bộ khoa học”, Langan giải thích. 

Tuy nhiên, “người đàn ông thông minh nhất thế giới” nghi ngờ rằng công trình tâm huyết của mình sẽ không bao giờ được đọc, xuất bản hoặc xem xét một cách nghiêm túc. Ông tự thừa nhận rằng những dự án mình tự nghiên cứu một mình sẽ bị đánh giá là phi thực tế và vô cùng khó khăn vì không có bất kỳ nguồn lực nào khác trợ giúp. Dẫu vậy, Langan vẫn tiếp tục thực hiện chúng. 

Nguồn: Shortform