Nhật Bản là một quốc gia có nhiều nét văn hóa độc đáo, khác biệt, thậm chí có phần cầu kỳ và kỹ tính. Điều đó được thể hiện rất rõ qua cách làm việc, cách sinh hoạt và thậm chí ngay cả cách… xây nhà vệ sinh của họ cũng không ngoại lệ.
Nếu lần đầu tới Nhật, hẳn bạn sẽ phải hoài nghi và thắc mắc tại sao ở đất nước này không hề có chuyện đặt chung nhà tắm với nhà vệ sinh ở cùng một chỗ như Việt Nam. Đương nhiên, trường hợp đặt chung vẫn có nhưng là rất ít, thường chỉ có ở những ngôi nhà được xây từ lâu và không có điều kiện để xây lại.
Thực ra, việc xây nhà vệ sinh tách biệt hẳn với nhà tắm chính là một nét tinh tế của người Nhật Bản, không chỉ chứa đựng những ý nghĩa về mặt văn hóa, điều này còn có mục đích phòng tránh bệnh tật.
1. Vì sao người Nhật luôn xây dựng toilet tách biệt nhà tắm?
- Đầu tiên, điều này xuất phát từ truyền thống văn hóa của người Nhật đó là ưa sự sạch sẽ, họ luôn xây dựng nhà vệ sinh cách xa khu nhà chính, đồng thời thiết kế cửa sổ để khu vệ sinh có ánh sáng mặt trời và được thông thoáng.
- Thứ hai, liên quan đến vấn đề sức khỏe. Người Nhật luôn quan niệm nhà tắm không chỉ là nơi vệ sinh cá nhân mà còn là "chốn thiên đường", phải thật sự thơm tho, ấm áp và tiện nghi để tiện cho việc thư giãn, phục hồi thể chất. Trong khi ấy, toilet là nơi để bài tiết, chứa nhiều vi khuẩn. Sự khác biệt này khiến họ quyết định xây tách biệt nhau.
Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu khoa học, việc xả bồn cầu sau khi đi vệ sinh có thể khiến các vi khuẩn từ bồn cầu bị bắn ra ngoài trong phạm vi 2m. Đó có thể là khăn tắm, bàn chải, khăn mặt… Ngoài ra, cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong một chiếc bàn chải đánh răng trong nhà vệ sinh có nhà tắm + toilet chứa vô số phân tử phân người bám vào.
- Thứ ba là sự tiện lợi. Người Nhật dành nhiều thời gian trong nhà tắm và nhà vệ sinh như một cách tận hưởng cuộc sống, chính vì vậy họ quyết định thiết kế giữa nhà tắm và nhà vệ sinh để các thành viên không phải tranh nhau sử dụng khi người này muốn đi toilet, trong khi người kia chỉ muốn đánh răng.
Cuối cùng, cách xây nhà vệ sinh tách biệt như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Toilet của người Nhật vô cùng hiện đại, nó có chức năng phun rửa, sưởi ấm… và cần phải cắm điện. Điều ấy yêu cầu không gian nhà vệ sinh cần tuyệt đối khô ráo để đảm bảo an toàn, tránh chập cháy.
Chốt lại, việc tách biệt toilet và nhà tắm là vô cùng đúng đắn, nó không chỉ khiến việc sử dụng thuận tiện hơn mà còn an toàn hơn và còn khỏe mạnh hơn.
2. Khi đặt chung toilet và nhà tắm, những đồ vật gì sẽ chứa nhiều vi khuẩn nhất?
- Bồn cầu: Đương nhiên, nơi bẩn nhất trong nhà vệ sinh chính là bồn cầu. Bồn cầu là nơi chứa chất thải, lại có thiết kế hình chảo, khó cọ rửa và dễ bám bẩn. Ngoài ra, vì ở gần khu vực tắm rửa nên nơi này thường xuyên ẩm ướt, tạo cơ hội để vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Một nghiên cứu của Bệnh viện Leeds cho biết, bạn nên đậy nắp bồn cầu lại trước mỗi lần xả vì vi khuẩn từ bồn cầu có thể bay tới 10 inch (25,4cm) trong không khí. Bạn cũng nên giữ bàn chải, khăn mặt… cách xa bồn cầu kẻo có thể nhiễm khuẩn.
- Bàn chải đánh răng và kệ đựng bàn chải: Theo trang Prevention, bàn chải đánh răng và kệ đựng bàn chải đánh răng là nơi chứa rất nhiều những vi trùng nguy hiểm như tụ cầu khuẩn, nấm mốc và nấm men do để gần bồn cầu. Chính vì vậy, bạn nên thay bàn chải thường xuyên và cọ phần kệ đựng 2 lần/tuần để ngăn vi trùng phát triển.
- Vòi hoa sen: Với thiết kế phức tạp, các cặn bã, bụi bẩn cũng như vi khuẩn từ bồn cầu có thể tích tụ dưới vòi, làm bẩn lượng nước, lâu ngày sẽ gây hại cho làn da của bạn. Vì vậy, bạn nên tháo rời vòi hoa sen, ngâm chúng dưới dung dịch nước rửa chén sinh học qua đêm rồi rửa lại với nước.
- Băng/giấy vệ sinh: Nhà vệ sinh vừa là nơi ẩm ướt lại chứa nhiều vi khuẩn do bồn cầu phát tán nên có thể khiến băng vệ sinh bị nhiễm khuẩn, sau khi chị em sử dụng sẽ gây ra một số bệnh phụ khoa.
(Tổng hợp)