Giới thiệu với chúng tôi, linh mục Gioan Nguyễn Kim Thành – Chánh xứ Tam Đảo cho biết, khoảng từ năm 1902 đoàn lữ hành người Pháp khám phá ra khu Tam Đảo, sau đó vài năm khu nghỉ mát được xây dựng làm nơi ở của quan chức Pháp. Đến năm 1912, Tam Đảo đã khá đầy đủ các công trình trong đó có nhà thờ, bể bơi, khách sạn, Thác Bạc, bưu điện, biệt thự rất sầm uất.
Nhà thờ đá Tam Đảo kiến trúc độc đáo Tây Ban Nha
Thời gian ban đầu, ngôi nhà thờ được xây dựng quy mô nhỏ, lợp lá. Năm 1936 giáo xứ Tam Đảo được thành lập và một năm sau đó linh mục người Tây Ban Nha xây lại ngôi nhà thờ tồn tại cho đến ngày nay.
Theo linh mục Nguyễn Kim Thành, nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Baroque (Ba rốc) của Tây Ban Nha.
Nét đặc thù của kiến trúc Ba rốc ai cũng có thể nhận ra đó là tất cả các gian trong nhà thờ, ngoài sân đều kết thúc bởi những đỉnh vòm hình bán nguyệt.
Cũng là nhà thờ được xây dựng từ thời Pháp, nhưng nhà thờ Tam Đảo lại có kiến trúc khác với nhiều nơi khác cùng thời điểm, linh mục Thành cho biết lý do: "Các linh mục thừa sai làm việc tại giáo phận Bắc Ninh là những linh mục dòng Đa Minh đến từ Tây Ban Nha".
Năm 2017, linh mục Thành được nhận nhiệm vụ tại giáo xứ này, ông đã mời một số kiến trúc sư người Việt và Tây Ban Nha kiểm chứng lại, kiến trúc sư người Tây Ban Nha xác nhận nhà thờ Tam Đảo được xây dựng theo kiến trúc Ba rốc.
"Người ta (kiến trúc sư người Tây Ban Nha – PV) có hứa sẽ tìm cho tôi bản vẽ những không được với lý do lịch sử đã lâu rồi".
Trở lại vấn đề nhà thờ, linh mục Thành cho biết, nhà thờ được xây dựng năm 1936, thì năm 1947 bị đóng cửa vì chiến tranh. Đến năm 2008, chính quyền đã trao lại nhà thờ này và một phần đất cho giáo phận Bắc Ninh.
Linh mục Thành cho biết thêm, điểm đặc biệt của nhà thờ được xây bằng đá, kèo sắt được chuyển từ Pháp sang, xà lim, mái ngói 'mắc xây' sau này được thay thế bằng mái ngói của Đáp Cầu. Khi về làm chính xứ, linh mục Thành thấy ngói xuống cấp nên tiếp tục đã thay thế bằng ngói Hạ Long.
"Trong quá trình sửa chữa nhà thờ, tôi cố gắng giữ lại kiến trúc ban đầu nếu có thể. Cây tháp bị phá năm 1979 đến năm 2011 đã dựng lại nhưng hơi tiếc không được kiến trúc như ban đầu".
Linh mục chánh xứ cho biết thêm, trước khi sửa lại, nội thất ngôi nhà thờ này cũng đã bị hư hỏng, bị phá đi nhiều hạng mục, không được trang nghiêm do sử dụng các mục đích khác như: quán bar, sân cầu lông… Trần nhà thờ trước kia được làm bằng gỗ lim, linh mục Thành đã cho khôi phục lại nguyên bản.
"Tôi muốn hội nhập văn hóa, bàn thờ chính tôi khắc cây su su, quả su, hai cột bên dưới là cây thông. Bục giảng, tôi phác họa hình ảnh cây tre Thánh Gióng đã dùng để chiến thắng quân ngoại xâm. Ngay phía dưới đó là những cây thông biểu tượng của Tam Đảo", ông cho biết, đến với Tam Đảo là du khách sẽ thấy có thông và su su.
Ngoài ra, toàn bộ những chiếc ghế trong nhà thờ được linh mục thiết kế rất sang trọng nhưng cổ kính như những bộ trường kỷ xưa, kết hợp hình vòm hòa vào lối kiến trúc của nhà thờ.
Nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mặt nước biển, thị trấn Tam Đảo (H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) được xem là một điểm du lịch khá lý tưởng.
Ngoài khí hậu mát mẻ với nhiều thắng cảnh, địa danh nổi tiếng như thác Bạc, rừng quốc gia Tam Đảo, đường lên Cổng trời…, điểm nổi bật nhất ở thị trấn này chính là nét độc đáo của những công trình kiến trúc. Trong hàng ngàn tòa biệt thự nằm san sát nhau tạo thành những khu phố hiện đại còn có một công trình mang nét kiến trúc xưa của phương Tây sừng sững giữa mây trời: nhà thờ đá Tam Đảo.