Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi rất cao, đó là một thực tế đáng buồn. Các tác động của khói thuốc lá đối với cơ thể con người, đặc biệt là phổi đã được nghiên cứu và ghi chép đầy đủ.
Theo nghiên cứu của WHO, Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với 45,3% nam giới có sử dụng thuốc. Hàng năm, trên 40.000 người Việt tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh Mỹ thống kê, 80 - 90% các bệnh nhân bị ung thư phổi đều dùng thuốc lá. Hơn nữa, ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động dẫn đến cái chết của 7.300 người không hút thuốc lá mỗi năm. Điều đó có nghĩa là bạn có thể bị ung thư phổi ngay cả khi không bao giờ chạm vào một điếu thuốc nào.
Bên cạnh nguyên nhân chính đó, các chuyên gia y tế cảnh báo 6 yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư phổi mà ai cũng nên biết để có thể phòng ngừa bệnh. Trong đó, người Việt thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư, ô nhiễm môi trường không khí mà không nhận ra.
1. Tiếp xúc với khí Radon
Radon là nguyên nhân gây ra khoảng 20.000 ca ung thư phổi mỗi năm, là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư ở những người không hút thuốc lá tại Mỹ. Khí phóng xạ này được giải phóng khí urani phân hủy trong đất, đá và nước. Sau đó, khi radon di chuyển lên mặt đất và đi vào không khí. Mức độ nhiễm radon trong không khí ngoài trời thường vẫn ở mức an toàn, nhưng nếu khí radon tích tụ trong các ngôi nhà, tòa nhà, nồng độ khí có thể đạt tới mức nguy hiểm
Khi vào có thể, radon giải phóng các hạt phóng xạ có thể gây tổn thương tế bào phổi của bạn. Hít phải khí này trong thời gian dài có thể dẫn đến đột biến tế bào liên quan đến ung thư phổi, theo nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ năm 2013.
Khí radon không màu, không vị, không mùi, vì vậy rất khó có thể phát hiện ra sự tồn tại của chúng trong không khí.
2. Tiếp xúc với amiăng
Amiăng xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp và có thể gây một số bệnh như: Bệnh bụi phổi-amiăng (Asbestosis), ung thư đường hô hấp, ung thư trung biểu mô (Mesothelioma), mảng dày màng phổi hoặc vôi hóa màng phổi. Đây là một hợp chất silicat kép magie được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là trong công nghệ sản xuất tấm lợp, ống dẫn nước fibro - ximăng, các vật liệu cách nhiệt, cách điện khác
Những người làm việc trong một số môi trường như nhà máy đóng tàu, mỏ, nhà máy dệt, khu công nghiệp... có thể bị phơi nhiễm với amiăng - một loại chất dạng sợi có khả năng chịu nhiệt, thường được sử dụng để cách nhiệt - khiến họ có nguy cơ bị mắc bệnh ung thư phổi cao gấp nhiều lần.
Các tòa nhà cũ cũng có thể chứa amiăng, tuy nhiên nó chỉ gây nguy hiểm nếu vật liệu chứa nó bị hư hỏng, xáo trộn như từ các công trình xây dựng.
Nếu thi thoảng bạn hít hoặc nuốt phải các sợi amiăng, chúng có thể lưu lại trong các chất nhầy ở cổ họng, khí quản hoặc các ống phổi. Nếu các sợi amiăng di chuyển đến đường hô hấp nhỏ hoặc lớp màng phổi, chúng có thể tàn phá tế bào phổi và dẫn đến ung thư.
Nếu bạn làm việc trong các môi trường ở trên, hãy đảm bảo tuân thủ các điều kiện bảo hộ lao động. Chú ý rằng, vợ/chồng của bạn cũng có thể gặp nguy hiểm. Jeseoh Treat, Giáo sư về ung bướu tại Trung tâm ung thư FOX Chase Mỹ cho biết: Các sợi amiăng có thể lưu lại trên quần áo và tác động tới những người tiếp xúc với quần áo sau đó.
3. Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư
Các chất độc hại có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi lại rất phổ biến trong môi trường sống và làm việc như asen, khí thải của dầu diesel, một số dạng silica, crom, niken, beryllium, cadmium, bồ hóng... Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên hạn chế tiếp xúc với các chất này càng nhiều càng tốt.
4. Ô nhiễm không khí
Sống ở những nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn như thành phố, gần đường lớn có nhiều phương tiện lưu thông có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế ước tính có 223.000 người trên thế giới chết vì ung thư phổi do ô nhiễm không khí trong năm 2010.
Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, trong không khí chúng ta hít thở chứa nhiều loạt hạt khác nhau, bao gồm cả axit, hóa chất, kim loại, đất, bụi... Cơ thể có thể ngăn chặn sự xâm nhập của các loại hạt dạng lớn dễ dàng hơn thông qua cơ chế ho hoặc hắt hơi. Nhưng những hạt vi mô trong không khí là nguy hiểm nhất vì chúng có thể thâm nhập sâu vào phổi, máu và có khả năng dẫn tới ung thư.
5. Tiền sử gia đình
Những người có cha mẹ hay anh chị em bị ung thư phổi có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với người khác. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu nguy cơ ung thư phổi gia tăng là do các gen hay phơi nhiễm khói thuốc vì có người thân hút thuốc lá. Tuy nhiên, theo nghiên cứu được công bố trên Oncology Letter năm 2017, có rất ít gen đặc biệt liên quan đến ung thư phổi được xác định. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể đó là sự kết hợp của cả 2 yếu tố di truyền và ô nhiễm môi trường (vì những người trong gia đình cùng sống trong một môi trường).