Điều làm nên sức mạnh "thống trị" của loài người trên hành tinh không phải thân hình to lớn, sức mạnh cơ bắp vô song hay móng vuốt sắc lẹm. Loài người sở hữu thứ mạnh mẽ hơn cả - trí thông minh - chúng ta nhìn nhận thế giới theo những cách phức tạp mà các loài vật khác không thể.
Tuy nhiên, con người ngày nay (homo sapiens) chỉ mới tồn tại được vỏn vẹn 200.000 năm - một loài "sơ sinh" nếu xét theo quá trình địa chất kéo dài hàng tỷ năm của hành tinh 4,5 tỷ tuổi này.
Vấn đề là, quá trình tiến hóa của con người từ linh trưởng (85 triệu năm trước) đến khi biết dùng công cụ (hơn 3 triệu năm trước) là đủ để chúng ta phát triển trí khôn, nhưng tại sao nhiều loài khủng long trước đây không thể làm điều đó, dù những loài bò sát này có quá trình tiến hóa dài đến hơn 150 triệu năm theo BBC Science?
Áp lực tạo nên trí khôn
Đầu tiên, việc khủng long không phát triển được trí thông minh hay một nền văn minh là một giả định, bởi lẽ chúng không hề để lại bất cứ bản ghi về ngôn ngữ hay bằng chứng về trí tuệ nào trong các hồ sơ hóa thạch, mặc cho việc các kết quả chụp CT cho thấy nhiều loài trong số chúng có bộ não rất lớn.
Tuy nhiên, kể cả nếu chúng sinh tồn được qua thảm họa hủy diệt do thiên thạch Chicxulub mang đến 66 triệu năm trước và biến đổi khí hậu theo sau đó, không có khả năng chúng có thể phát triển trí thông minh như nhân loại.
Lori Marino, một nhà sinh học thần kinh tiến hóa và giám đốc điều hành tại Trung tâm Vận động vì Động vật Kimmela ở Kanab, Utah, nói: "Quan niệm rằng một số loài khủng long sẽ tiến hóa thành những sinh vật giống con người là điều vô lý". Không có dữ liệu chứng minh được những thành tựu về trí tuệ có ý nghĩa cho việc tiến hóa.
Theo Giáo sư Peter Ward, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Washington, động vật có vú sẽ không tiến hóa để trở thành loài thống trị như ngày nay nếu loài khủng long không bị xóa sổ. Vậy, tại sao loài vật với trí thông minh như con người lại xuất hiện được?
Ward coi sự tiến hóa của con người là một sự kiện có xác suất thấp, một phần lớn là do bộ não rất "đắt đỏ" về mặt năng lượng. Ông cho biết: "Không tế bào nào trong sinh học đòi hỏi nhiều oxy hơn một tế bào thần kinh phải bắn điện tích hóa học qua một tế bào (não) mỏng dài".
Ward nói rằng khi khủng long lần đầu tiên tiến hóa trong Đại Trung sinh - kỷ nguyên kéo dài khoảng 250 đến 65 triệu năm trước - mức oxy trong khí quyển của Trái đất quá thấp để những bộ não lớn có thể phát triển. Ông nói: "Để có đủ năng lượng cho trí thông minh thì cần phải có oxy. Đối với sự sống trên cạn, điều đó rất khó".
Ngoài ra, để phát triển, trí thông minh được cho là cũng cần một số loại tác nhân gây căng thẳng từ môi trường.
Đối với con người, điều đó được cho là đã xảy ra cách đây khoảng 20 triệu năm, do sự biến động của khí hậu Đông Phi từ việc hình thành của Hệ thống Khe nứt Đông Phi. Thuyết tiến hóa lâu đời cho rằng biến động khí hậu khu vực - do một vết nứt sâu, dài 6.000 dặm trên vỏ Trái đất kéo dài từ Mozambique ngày nay đến Lebanon - có thể đã thúc đẩy nhu cầu khiến các loài linh trưởng mới nổi phát triển trí tuệ có khả năng phân tích dự đoán để quản lý tình trạng thiếu lương thực lâu năm.
Điều này được cho là sẽ ủng hộ lập luận rằng "sự cấp thiết" là động lực mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của trí thông minh. Nói cách khác, khủng long không cần trí thông minh nhưng con người thì có.
Nhưng nếu con người chúng ta bị xóa sổ, loài nào sẽ thay thế chúng ta trở thành nền văn minh công nghệ cao, sử dụng smartphone tiếp theo?
"Ứng viên tiềm năng" cho trí thông minh
Marino nói: "Nếu không có loài nào khác có nhu cầu phát triển trí thông minh công nghệ thì điều đó sẽ không xảy ra. Chỉ khi có áp lực chọn lọc để phát triển trí thông minh công nghệ phức tạp, thì nó mới xảy ra một lần nữa".
Mặc dù vậy, trớ trêu thay, Ward nói rằng nếu nhân loại không hiện diện, có thể một số loài quạ hoặc vẹt, bản thân chúng là "hậu duệ" của khủng long, có thể tiến hóa để thế chỗ chúng ta. Ward liên tục bị ấn tượng bởi sự tháo vát của Vẹt xám Châu Phi, ông ghi nhận rằng nó cũng có khả năng điều khiển các đồ vật bằng cách dùng mỏ và vuốt.
Ward cho biết: "Vẹt xám Châu Phi ngày càng có vẻ thông minh giống con người. Chúng có thể cộng, trừ và thậm chí nói thành câu hoàn chỉnh".
Vẹt phát triển trí thông minh vì lý do tương tự như chúng ta đã làm; Ward nói rằng chúng đang đối phó với những khu vực rừng đang bị thay đổi do biến đổi khí hậu nhanh chóng. Ông cho biết: "Những con vẹt phải có khả năng hình dung thức ăn sẽ ở đâu trong vòng 2 tuần và điều đó đòi hỏi khả năng dự đoán tương lai".
Vậy còn bạch tuộc, một trong những sinh vật thông minh nhất đại dương thì sao?
Ward nói: "Chúng có bộ não khổng lồ nhưng chúng không có đủ oxy để cung cấp năng lượng cho nó. Trừ khi chúng thay đổi toàn bộ hệ thống tuần hoàn của mình - đó sẽ là một sự thay đổi quá lớn về mặt tiến hóa, nếu không thì một con bạch tuộc sẽ không thể nhận đủ oxy cho bộ não lớn vô cùng của chúng (để tiến hóa)".
Đối với động vật có vú sống ở biển như cá heo và cá voi thì thế nào?
Ward chưa bao giờ thấy một nền văn minh công nghệ có thể nảy nở trong môi trường nước bởi khả năng sử dụng công cụ khéo léo và luyện kim là tiên quyết. Nhưng như ông chỉ ra, công nghệ là phản ánh của tâm lý một loài.
Marino nói: "Việc sử dụng công nghệ của chúng ta rất phù hợp với bản chất của loài người là linh trưởng". Nếu một loài phát triển được mức thông minh tương tự, thành quả của chúng trông sẽ rất khác của con người.
Nguồn: BBC Science, Forbes