Gần đây, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh lượng lớn tiền mặt, được cho là của Venezuela, bay la liệt như lá cây khắp vệ đường nhưng không ai buồn nhặt. Việc đồng tiền nước này liên tục mất giá đã thực sự khiến tiền giấy có giá trị chỉ như "giấy vụn". Đó là lý do tại sao không ai nhặt những đồng tiền này dù chúng vương vãi khắp nơi.
Dẫu vậy, tình hình có thể đang dần lạc quan hơn. Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Venezuela đã xác nhận tỷ lệ lạm phát năm 2021 là 686,4%, thấp hơn nhiều so với gần 3.000% của năm trước đó. Tuy nhiên, lạm phát của Venezuela trong tháng 12 của năm ngoái chỉ là 7,6%. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lạm phát của nước này được giữ ở mức 1 con số. Trong các tháng 9, 10 và 11, tỷ lệ lạm phát của Venezuela chỉ lần lượt là 7,1%, 6,8% và 8,4%.
Trước những số liệu khả quan, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định rằng siêu chu kỳ lạm phát, vốn kéo dài suốt 4 năm qua, đã bị bỏ lại phía sau. Các chuyên gia cũng coi những số liệu mới nhất là dấu hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Nam Mỹ này.
Lạm phát ở Venezuela bắt đầu từ tháng 11/2017 và kéo dài tới hiện nay. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ là lý do chính dẫn tới thảm cảnh này ở quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này. Tuy nhiên, việc kiểm soát được lạm phát ở mức 1 con số cho thấy kinh tế đang dần ổn định hơn, ít nhất là trên sổ sách.
Dẫu vậy, quốc gia này có lẽ vẫn còn lâu mới có thể trở lại trạng thái như trước đây. Hiện tai, Venezuela đã giảm tốc độ in tiền mới và sử dụng đồng USD để giao dịch. Điều này giúp siêu lạm phát kết thúc.
Hiện tại, ở Venezuela, cách định giá tốt nhất là quy đổi mọi thứ sang đồng USD thay vì phải mang cả núi tiền mặt để đi chợ. Việc chính phủ bơm thêm tiền USD ra thị trường cũng giúp kiểm soát lạm phát. Là nước xuất khẩu dầu mỏ, Venezuela vẫn có cách thu về ngoại tệ ngay cả khi bị Mỹ cấm vận.
Venezuela là quốc gia nằm ở khu vực Nam Mỹ. Theo số liệu thống kê, quốc gia này có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn thứ 8 trên thế giới. Các mỏ dầu khí chính của đất nước nằm xung quanh và bên dưới Hồ Maracaibo, Vịnh Venezuela (cả ở Zulia), và trong lưu vực sông Orinoco (miền Đông Venezuela), nơi có trữ lượng lớn nhất của đất nước. Bên cạnh đó, lượng khí đốt tự nhiên ở Venezuela lớn thứ 2 ở Tây bán cầu.
Ban đầu, các công ty dầu mỏ Mỹ được phép khai thác đầu ở Venezuela trước khi chúng bị quốc hữu hóa hoàn toàn vào ngày 1/1/1976. Những năm tiếp theo, quốc gia này xây dựng hệ thống lọc dầu và phân phối chúng tới Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng gặp nhiều sóng gió và hiện nay đang bị Mỹ và phương Tây quay lưng do bất đồng về quan điểm chính trị.
Tuy nhiên, không chỉ ngành công nghiệp dầu mỏ, nhiều ngành khác ở Venezuela cũng đang bị đình trệ bởi lạm phát. Nó gây ảnh hưởng tới phần lớn người dân và hầu hết các ngành nghề, từ nông nghiệp, công nghiệp tới dịch vụ. Phần lớn người dân đang phải loay hoay trong việc chạy ăn và chi trả chi phí khám chữa bệnh.