Theo tạp chí Hello Magazine, Vua Charles đã thực hiện một thay đổi lớn khi đưa ra quyết định cấm phục vụ một món ăn, đã gây tranh cãi suốt thời gian dài, trong nhà bếp của gia đình Vương thất Anh, đặc biệt là tại dinh thự truyền thống của Quốc vương Anh. Đó chính là món gan ngỗng nổi tiếng của Pháp.
Quyết định này của Vua Charles đã được tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA ca ngợi hết lời.
Vị quốc vương 75 tuổi từ lâu đã không ưa món ăn sang trọng gây chia rẽ này, được làm từ gan vịt hoặc gan ngỗng to bất thường.
Người phát ngôn của PETA cho biết: "Vua Charles đã loại bỏ gan ngỗng - một món ăn gây tranh cãi khi ngỗng bị ép ăn cho đến khi gan của chúng to lên gấp 10 lần kích thước tự nhiên trước khi bị giết thịt để lấy gan.
Chúng tôi đã nhận được xác nhận rằng quyết định đầy tính nhân ái của quốc vương sẽ được thực thi rộng rãi ở cả Cung điện Buckingham và tất cả các dinh thự hoàng gia khác".
Theo tờ tin tức Express, có thông tin cho rằng tất cả các dinh thự của hoàng gia đã không phục vụ gan ngỗng trong 10 năm qua, có nghĩa là cố Nữ vương Elizabeth II rất có thể đã thực hiện quy định cấm món ăn gây tranh cãi này từ trước đó.
Theo AnimalEquality, quy trình làm gan ngỗng từ lâu đã đặt ra những câu hỏi về đạo đức. Khi những con ngỗng được 8 tuần tuổi, chúng bị ép ăn trong vòng 4 tuần qua ống kim loại để gan to ra và giàu dinh dưỡng.
Trang web cho biết: "Quy trình này, còn gọi là "gavage", được lặp lại nhiều lần trong ngày. Việc ép ăn khiến những con ngỗng bị bệnh, gan to lên gấp 10 lần kích thước tự nhiên của chúng".
Hồi cuối tháng 9/2023, Vua Charles và Vương hậu Camilla đã có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Pháp.
Một bữa tiệc tiếp đón cấp nhà nước sẽ được tổ chức tại Chateau de Versailles, với một số món ăn đặc trưng của nước Pháp và những món ăn ngon nhất được phục vụ cho 2 thành viên cấp cao của Vương thất Anh. Tuy nhiên, theo một quan chức tại Pháp, Vua Charles đã đưa ra đề nghị không phục vụ món gan ngỗng Pháp trong chuyến thăm của ông.
Gan ngỗng với nấm cục từng được cho là món ăn được cố Nữ vương Elizabeth II ưa thích. Laurent Stefanini, cựu người đứng đầu bộ phận lễ tân của Cộng hòa Pháp nói với Express UK rằng cố Nữ vương Elizabeth khá thích món gan ngỗng với nấm cục.
Tuy nhiên, Vua Charles đã yêu cầu không phục vụ món này, mặc dù đây là một trong những món ăn yêu thích của Nữ hoàng Pháp.
Vì sao gan ngỗng là món ăn gây tranh cãi?
Gan ngỗng từ lâu được xem là món ăn nổi tiếng, mang tính biểu tượng cho nền ẩm thực Pháp trứ danh. Nó là món ăn thuộc hàng đắt đỏ mà chỉ những người thuộc tầng lớp quý tộc mới được thưởng thức. Tuy nhiên, quá trình làm ra món ăn này đã gây tranh cãi kịch liệt trong dư luận.
Theo tờ The New York Times, những con ngỗng được "vỗ béo" bằng cách đặt một cái phễu dài bằng kim loại hoặc nhựa xuống sâu dưới cổ họng rồi nhồi thức ăn qua đó. Hành động này được công nhân thực hiện không chỉ một mà nhiều lần trong ngày. Mục đích cuối cùng là ép ngỗng tiêu thụ càng nhiều thức ăn càng tốt để lá gan to ra.
Thức ăn được cung cấp qua ống chủ yếu được làm từ ngô. Lần cho ăn đầu tiên thường bao gồm khoảng 100 gram thức ăn trong vài giây. Nhưng lượng thức ăn tăng lên theo thời gian. Con số này lớn hơn gấp nhiều lần so với mức tiêu thụ của một con ngỗng nếu để nó ăn tự do.
Quy trình "vỗ béo" này được thực hiện trong khoảng 4 tuần trước khi ngỗng bị giết thịt, lấy gan và đưa tới các nhà hàng cao cấp, chế biến, bày biện cho các thực khách cao sang mà người ta thường nói là "giới quý tộc".
Nếu con vật cố gắng chống lại việc cho ăn, nó có nguy cơ bị thủng thực quản, viêm cổ hoặc thậm chí ngạt thở. Chính vì vậy mà những người phản đối cho rằng đây là hành vi bức thực, cần lên án.
Tổ chức bảo vệ động vật PETA từng miêu tả về khung cảnh đau lòng trong những trang trại nuôi ngỗng lấy gan: "Những con vật đáng thương bị nhồi nhét trong những chiếc lồng sắt nhỏ xíu. Những cái đầu lấm lem bẩn thỉu thò ra khỏi một cái lỗ ở phía trước lồng. Lông của chúng xù xì và xơ xác. Vài con có máu chảy ra từ lỗ mũi, mặt và lông của chúng dính đầy chất thải và bột ngô.
Mỗi con ngỗng phải uống nước bẩn từ một cái máng dài đặt ngang trước mặt chúng. Trong khi, ngay phía đầu máng, một con ngỗng khác nằm chết với cái đầu nghiêng sang một bên, chìm trong làn nước xanh đục".
Hiện nay, đã có một số quốc gia trên thế giới cấm ăn gan ngỗng vì mục đích nhân đạo.
Nguồn: Hello Magazine, Express, New York Times