Cuối tháng 5/2020, huyền thoại trong giới kinh doanh Macau Hà Hồng Sân đã qua đời ở tuổi 98. Ông được dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ bởi cuộc đời truyền kỳ của mình mà còn vì duy trì hôn nhân với 4 người phụ nữ cùng lúc, tất cả họ đều được ông gọi là vợ.
Hà Hồng Sân kết hôn với người vợ đầu tiên Lê Uyển Hoa năm 1942 tại Macau. Trong lúc vợ Cả ngã bệnh, ông cưới vợ hai Lam Quỳnh Anh. Người vợ thứ ba của Vua sòng bài Macau là Trần Uyển Trân, vốn là hộ lý của bà Cả Lê Uyển Hoa. Năm 1986, Hà Hồng Sân gặp bà Tư Lương An Kỳ, nhỏ hơn ông 39 tuổi.
Theo trang SCMP, chế độ đa thê (một chồng nhiều vợ) được cho phép ở Trung Quốc cho đến giữa thế kỷ 20. Thời điểm đó, Hồng Kông là thuộc địa của Anh và Anh đã bãi bỏ chế độ đa thê từ rất lâu. Vậy tại sao Hà Hồng Sân có thể công khai kết hôn với nhiều người phụ nữ như thế?
Trên thực tế, không chỉ Hà Hồng Sân mà nhiều đại gia Hồng Kông khác cũng cưới nhiều vợ nhưng theo luật Hồng Kông lúc đấy, đa thê là hợp pháp.
Mặc dù Hồng Kông bị Anh đóng chiếm nhưng chủ quyền vẫn thuộc về nhà Thanh, chính vì thế luật pháp Hồng Kông Tân Giới vẫn được điều chỉnh theo Luật lệ Đại Thanh. Sau khi triều đình nhà Thanh sụp đổ năm 1912, chế độ đa thê vẫn được tiếp tục áp dụng trong nhiều thập kỷ sau ở Hồng Kông và Macau.
Cùng với sự sụp đổ của nhà Thanh, Luật lệ Đại Thanh ở Hồng Kông không được sử dụng, tuy nhiên người dân vì đã quen thuộc với những quy định cũ nên không thể vội vã bãi bỏ chúng, lúc đó cũng chưa hề có luật pháp thay thế nên sau đó họ vẫn áp dụng Luật lệ Đại Thanh thêm một thời gian.
Luật lệ Đại Thanh được áp dụng ở Hồng Kông đến năm 1971, đó là lý do tại sao Vua sòng bài Macau có thể cưới nhiều vợ. Vào những năm 1970, Hồng Kông là một cảng quốc tế phát triển và một người đàn ông có thể cưới nhiều vợ. Việc nhiều đại gia cưới nhiều vợ khiến dân thường phẫn nộ vì không phù hợp văn hóa hiện đại. Do đó, Hồng Kông quyết định bãi bỏ hoàn toàn Luật lệ Đại Thanh. Macau cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Do đó, chỉ có hai người vợ đầu của Hà Hồng Sân là Lê Uyển Hoa và Lam Quỳnh Anh là vợ hợp pháp, Trần Uyển Trân và Lương An Kỳ không được pháp luật công nhận.
Nguồn: SCMP, Ifeng