Vĩ thanh của giao hưởng và ca khúc “Song hỷ” đã cùng cô dâu, chú rể bước vào tuần trăng ngọt mà điểm từng nốt thăng, nốt giáng cho bài ca sống chung. Không ai ngờ trong âm vang ấy lại có những tạp thanh có thể làm hỏng tuyệt phẩm tình yêu và tuổi thọ của hôn nhân. Ấy là những điều cần biết cho cuộc sống vợ chồng của một gia - đình - mới, mà cô dâu chú rể chưa nghĩ tới, chưa kịp chuẩn bị, và có nghĩ, có chuẩn bị kỹ đến đâu cũng không đủ, không kín kẽ hết được. Vì những tạp âm ấy luôn luôn là những bất ngờ trái chiều nhau giữa hai người.

Có đôi gặp phải “sự cố” ngay đêm “hợp cẩn” khiến cho một bên (thường là nữ) sợ hãi rồi mang ấn tượng nặng nề về tình dục mà giảm sút tình yêu, gượng gạo lúc yêu đương. Có cô dâu mới hoảng sợ bỏ chạy về nhà, có cuộc ly hôn nhanh chóng chỉ vì cơn cớ vậy. Có chú rể bất bình ngay lập tức vì cô dâu không còn trinh. Những ẩn số ấy thật không ai ngờ cho người trong cuộc. Hai hiện tượng trên không phải là mới, là hiếm ở nước ta. Thô bạo và lừa dối trong đêm tân hôn là điều khó tránh khỏi hậu quả xấu.

Có nhiều nguồn cơn, lý do khiến cho cuộc sống chung không yên ổn. Ví như sự vụng về, ngơ ngác của nàng dâu chưa kịp thích ứng với cảnh sống mới, khiến cho người chồng cảm thấy “bẽ mặt” khi có lời chê vợ mình của người thân trong nhà. Hoặc do cô dâu mang ấn tượng vừa sợ, vừa ghét hai tiếng “mẹ chồng” mà đã sơ xuất hoặc chủ ý không “thân thiện” với mẹ của chồng. Cảnh sống “nàng dâu - mẹ chồng” từ xa xưa đã là một thứ tạp âm sắc nhọn chói tai người bởi ấn tượng hẹp hòi, ít lòng nhân hậu, dễ gây sóng gió cho đôi vợ chồng mới.

Vĩ thanh sau ngày cưới 1
Ảnh minh họa.

Có những nguyên nhân tiềm ẩn từ lúc yêu nhau mà thời gian tìm hiểu nhau, người trong cuộc đã nhầm lẫn hoặc vội vã hài lòng. Có người con trai đã mê người con gái tóc dài có nụ cười lúc nào cũng tươi roi rói và vẻ mặt nhu mì, lại ít nói, cười thay cho nói nhiều hơn nên đã quyết tâm chọn nàng như thể đã may mắn “có duyên có số” với người hiền lành. Song, nửa năm sau anh chồng mới nhận ra, rằng nụ cười tươi rói kia ít khi anh được nhận, và nàng đã không… ít nói tí nào. Thêm vài chuyện “trục trặc”, suýt nữa thì bỏ nhau.

Có người vợ sớm thất vọng khi thấy những vẻ hào hoa, sành điệu ở chàng đã biến mất khi xử thế thô bạo với vợ, dung tục khi sinh hoạt ở nhà.

Hình như ông Trời thích “trêu ngươi” gắp đôi đủ thứ trái chiều cho từng cặp vợ chồng. Vợ sợ mắm tôm thì chồng lại thích ăn thịt chó, bún đậu. Chồng đi về chỉ thích nằm kềnh thì vợ cứ lúc lúc lại “anh ơi!”, hễ không vừa ý thì hất hàm, hất tay, lườm… lâu lâu phát ngán. Chưa kể, chồng thích thứ này, vợ ưng thứ kia. Oái oăm hơn, có anh rất sợ mùi hôi nách, vậy mà… đúng đêm tân hôn mới biết… nàng nách hôi. Cái tật ngủ là ngáy của chồng đã khiến người vợ trẻ nhăn nhó, khổ sở. Lại còn nữa: Hứng thú và lòng say mê nghề nghiệp, ham làm ăn… khiến cho “người trong cuộc” không ít lúc mải mê quên cả vợ, nhãng cả chồng.

Xưa đã có câu ngán ngẩm: “Ai ơi đừng lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm!”. Học trò đây là kể cả văn nhân (trí thức). Là vợ các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, khoa học…, công bằng mà nói, phải là người thương yêu, cảm thông, đồng cảm lắm… các cô, các chị, các bà mới “kham” nổi các thứ từ cái tính, cái nết, thói quen “không giống ai” mà trở thành chỗ dựa, “người bảo trợ” cho chồng.

Chưa kể cảnh sống ban đầu dư dật hay thiếu thốn, có hay chưa có việc làm, sống cùng cha mẹ, anh chị em hay đã ở riêng… đều là những thứ khó gỡ, khó cởi mà không thể nhờ vả ai ngoài “mình với ta”.

Tất cả những thứ, những chuyện lớn và nhỏ, dở khóc dở cười ấy, người đời gọi chung là “thử thách của tình yêu” và tình yêu là cái nơi gặp nhiều thử thách nhất của đời người. Gì thì gì, một khi đã biết yêu và được yêu để tiến tới hôn nhân gia đình thì cũng cần biết nhận lấy mọi thử thách để dám yêu, dám sống, dũng cảm để… yêu đời và yêu nhau.

Vĩ thanh sau ngày cưới, cuộc sống chung ở đâu và với ai cũng có những tạp âm. Người nghe và yêu nhạc như tình yêu vợ, yêu chồng, rất cần có năng lực nghe tinh để lọc những tạp âm. Có khi rất đơn giản: Mình nghe ta, ta nghe mình, không ai là “Bụt chùa nhà không thiêng” của ai hết cả. Chồng tung thì vợ hứng! Từng đôi vợ chồng thật yêu nhau ai nấy đều có những “phép lạ” riêng, như cái rây sàng lọc âm thanh, loại những tạp âm ra ngoài để giữ lấy giai điệu “ta với mình”!