Du Mẫn Hồng sinh ra ở một làng chài nhỏ ở Trung Quốc và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó. Ông từng thi trượt đại học 2 lần, lần thứ 3 trúng tuyển đại học Bắc Kinh - ngôi trường danh giá hàng đầu "đất nước tỷ dân". Du Mẫn Hồng khởi nghiệp từ một ngôi nhà gỗ dột nát, sau này thành lập nên tập đoàn giáo dục Tân Đông Phương. Đây là tập đoàn dạy thêm lớn nhất Trung Quốc.

Có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Du Mẫn Hồng từng đưa ra hàng loạt lời khuyên hữu ích dành cho các bậc phụ huynh trước vấn đề giáo dục con cái. Theo ông, có 3 cách giáo dục mà cha mẹ cần chú trọng hướng dẫn trẻ ngay từ khi còn nhỏ. 

1. Giáo dục nhân cách

Trong nhiều gia đình, cha mẹ thường đặt ra cho con những tiêu chí, mục tiêu như: Phải lọt vào top 5 của lớp, điểm số cuối kỳ đạt tuyệt đối hay cao hơn là trúng tuyển vào những ngôi trường top đầu, có công việc lương cao. Họ cho rằng đây là thước đo đánh giá sự thành công của mỗi người. 

Tỷ phú Du Mẫn Hồng cho rằng đó là những tiêu chuẩn sai lầm. Có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá quá trình trưởng thành của trẻ, chẳng hạn như: Tính cách, lối sống, sự sáng tạo, tinh thần chịu khó, sự chăm chỉ,… Đây đều là những yếu tố thuộc về nhân cách. 

Tỷ phú nổi tiếng châu Á: 3 kiểu giáo dục này mới giúp trẻ trở nên ưu tú - Ảnh 1.

Tỷ phú Du Mẫn Hồng

Có 3 điều cần chú ý trong quá trình giáo dục trẻ các vấn đề về nhân cách. Cụ thể như sau: 

- Đầu tiên là môi trường trong gia đình: Cha mẹ nên để trẻ có một không gian riêng thoải mái phát triển. Cha mẹ cũng cần làm tấm gương để trẻ noi theo học tập. Trẻ tiếp xúc nhiều và trực tiếp nhất với cha mẹ từ những ngày đầu tiên. Vì thế, để con phát triển tốt, điều đầu tiên cần chú ý là vấn đề gia đình.

- Thứ 2 là môi trường sống khách quan: Đó là các mối quan hệ và sự tác động của những người xung quanh đến hoàn cảnh sống của trẻ. Trẻ dễ bắt chước và học theo lời nói, hành động của những người xung quanh. Bởi vậy, cha mẹ hãy giúp đỡ và hướng dẫn trẻ. Nếu hoàn cảnh sống đang tác động tiêu cực tới trạng thái phát triển của trẻ, cha mẹ đừng ngại chọn cho trẻ một môi trường khác phù hợp hơn.

- Thứ 3 là các môi trường truyền thông và mạng xã hội: Trong thời đại hiện nay, trẻ bắt đầu tiếp xúc với các phương tiện truyền thông và mạng xã hội từ rất sớm. Bên cạnh những điểm tích cực mà các yếu tố này mang lại thì trẻ dễ dàng gặp những nguồn thông tin không chính thống và độc hại. Để ngăn chặn những vấn đề tiêu cực, cha mẹ nên dành thời gian hướng dẫn con các năng lực tiếp thu, chắt lọc và xử lý thông tin. 

2. Giáo dục cảm xúc

Bên cạnh việc ưu tiên hàng đầu là giáo dục nhân cách thì điều thứ hai mà cha mẹ cần chú ý là giáo dục cảm xúc. Cảm xúc là tập hợp những phản ứng tự nhiên được bộ não phát ra. Chẳng hạn như: Vui, buồn, tức giận… một cách tự động giúp cơ thể và tâm trí chuẩn bị hành động thích hợp.

Cảm xúc đóng vai trò quan trọng đến cách trẻ tư duy và hành động. Cảm xúc kích thích não bộ để đưa quyết định tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục cảm xúc giúp trẻ có được các kỹ năng cần thiết trong việc điều khiển cảm xúc. Chẳng hạn như: Trẻ có thể kiểm soát được tâm trạng buồn, vui; tự đưa ra quyết định, mục tiêu hoặc học cách giao tiếp với mọi người xung quanh.   

Trẻ được trang bị các kỹ năng cảm xúc cần thiết sẽ có khả năng đương đầu với những thách thức trong cuộc sống. Nếu được giáo dục cảm xúc tốt từ nhỏ, trẻ sẽ phân biệt được tốt – xấu và hình thành được lối sống lành mạnh. Trẻ cũng duy trì được năng lượng tích cực, xây dựng được nhiều mối quan hệ tốt và biết cách đưa ra các quyết định sáng suốt. Nhờ vậy, trẻ sẽ học được các thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Tỷ phú nổi tiếng châu Á: 3 kiểu giáo dục này mới giúp trẻ trở nên ưu tú,  - Ảnh 2.

Rèn luyện yếu tố cảm xúc cho trẻ cũng rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

3. Giáo dục khơi dậy tiềm năng

Nhà Tâm lý học Rudolf Dreikurs (nước Áo) cho rằng: "Trẻ em cần sự khích lệ, như cây non cần nước. Trẻ không thể phát triển và tồn tại nếu thiếu đi sự khích lệ từ người lớn". Tỷ phú Du Mẫn Hồng hoàn toàn đồng ý với chia sẻ trên. Ông cho rằng, giáo dục khơi dậy tiềm năng – nghĩa là việc khích lệ trẻ sẽ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng biết khích lệ trẻ để trẻ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương. 

Dưới đây là một số cách khích lệ trẻ mà cha mẹ nên tham khảo:

- Thể hiện sự hiểu biết, thông cảm và chấp nhận trẻ: Việc khích lệ trẻ vốn là một việc không dễ dàng bởi người lớn thường dễ sa vào phản ứng với hành vi chưa đúng mực của trẻ theo một cách tiêu cực. Sự mất kiểm soát cảm xúc dẫn đến tình trạng cha mẹ nổi cáu, quát mắng và trừng phạt trẻ. Tuy nhiên, đó không phải là cách chúng ta nên làm. Các bậc cha mẹ cần chấp nhận những lỗi sai, thấu hiểu cảm xúc để mang đến cho trẻ sự khích lệ một cách hiệu quả nhất.

- Tập trung vào điểm mạnh của trẻ: Đây là một trong những nguyên tắc khích lệ trẻ theo tinh thần kỷ luật tích cực. Trên thực tế, ưu điểm chiếm tới 85% và khuyết điểm chỉ chiếm 15% trong mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên, người lớn lại thường có xu hướng tập trung 85% thời gian và năng lượng của mình để nhìn vào các khuyết điểm của trẻ. Điều này khiến người lớn không thể đưa ra những lời khích lệ mà chỉ trích, tổn thương trẻ một cách vô tình.

- Tìm các điểm tích cực, nhìn nhận tình huống theo các cách khác nhau: Nhưng nếu bố mẹ tập trung vào các điểm mạnh của trẻ bằng 85% thời gian và năng lượng của bản thân, những ưu điểm dễ dàng đạt được 100%. Chúng ta nên ghi nhận và khuyến khích những ưu điểm của trẻ bằng sự động viên, khích lệ. Và mỗi đứa trẻ sẽ cảm thấy bản thân có giá trị, được tôn trọng và nhìn nhận tích cực dù thất bại hay sai lầm khi được khích lệ.

Nếu muốn khích lệ con theo phương pháp kỷ luật tích cực, cha mẹ cần tìm các điểm tích cực ở trẻ. Ngay cả khi trẻ làm sai hoặc thậm chí trẻ cư xử chưa đúng mực, cha mẹ phải nhìn vào 85% ưu điểm ở trẻ để động viên thật lòng.

- Tập trung vào điểm cố gắng của trẻ: Việc ghi nhận sự tiến bộ, cố gắng của trẻ là nguồn động viên để trẻ tiếp tục nỗ lực. Chỉ cần mang đến cho trẻ sự khích lệ, trẻ sẽ tỏa sáng theo đúng tiềm năng sẵn có của mình. Không những vậy, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn, chủ động, tự lập, linh hoạt hơn,… 

Chúng ta không nên phủ nhận những tiến bộ của trẻ bằng những câu nói vô tâm, làm trẻ cảm thấy xấu hổ và chùn bước. Chẳng hạn như: "Sao con học kém thế!", "Bài này dễ ợt. Bằng tuổi con, mẹ đã giải đúng từ lần đầu rồi!". Thay vào đó, cha mẹ hãy khích lệ trẻ bằng cái ôm kèm theo câu nói "Con làm tốt lắm!" hay "Con có cảm thấy vui với những gì mình đã đạt được không?",...