Có lẽ không điều gì mang lại nhiều cảm xúc như hành trình hơn 9 tháng mang thai và làm mẹ. Mang thai là điều tuyệt vời và cũng là giai đoạn đáng mong chờ nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ bởi lúc này cơ thể người mẹ mang trong mình một sinh linh bé bỏng. Được chứng kiến quá trình phát triển của con yêu từ lúc còn là tế bào nhỏ cho đến khi phát triển hoàn chỉnh thành một em bé khiến cho bất cứ người mẹ nào cũng cảm thấy hạnh phúc và cũng tò mò không kém.
Đoạn video ấn tượng này sẽ giúp người mẹ có cái nhìn tổng quát hơn về hành trình 9 tháng con lớn lên trong bụng mẹ. Qua đó chúng ta có thể thấy không có điều gì kì diệu và tuyệt vời hơn sự hình thành và phát triển của một em bé.
Theo dõi hành trình 9 tháng mang thai đầy kì diệu.
Thai kì bắt đầu được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người mẹ. Nó rơi vào khoảng hai tuần trước khi quá trình thụ thai thực sự xảy ra. Thai kì được chia ra làm 3 giai đoạn, cứ mỗi 3 tháng thai nhi phát triển được gọi là một tam cá nguyệt. Mẹ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến sự phát triển của bé qua từng tháng ngày.
Thai kì được chia ra làm 3 giai đoạn, cứ mỗi 3 tháng thai nhi phát triển được gọi là một tam cá nguyệt.
Tháng đầu tiên sau khi trứng được thụ tinh, túi ối chứa đầy nước sẽ bao bọc lấy phôi thai và đóng vai trò như một tấm đệm cho phôi phát triển. Nhau thai cũng bắt đầu phát triển giúp vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ sang em bé và chuyển chất thải từ em bé đi ra. Khuôn mặt, miệng, hàm dưới, cổ họng và các tế bào máu hình thành. Lúc này phôi thai có kích thước nhỏ hơn 1 hạt gạo.
Trứng sau khi thụ tinh bắt đầu di chuyển vào tử cung người mẹ để làm tổ (Ảnh minh họa).
Sang tháng thứ 2, các chồi nhỏ xíu nhú lên thành cánh tay và chân. Ngón tay, ngón chân và mắt cũng dần hình thành. Ống thần kinh được hình thành. Đường tiêu hóa và cơ quan bên trong bắt đầu phát triển. Xương bắt đầu thay thế sụn. Khi thai khoảng 6 tuần, các bác sĩ có thể nghe thấy nhịp tim thai nhi. Vào cuối tháng thứ hai, thai nhi dài khoảng 25 mm và nặng khoảng 0,94 gram.
Khuôn mặt phát triển đáng kinh ngạc, ngón tay, ngón chân và mắt cũng dần hình thành (Ảnh minh họa).
Tay, bàn tay, ngón tay, bàn chân và ngón chân của bé được hình thành đầy đủ vào tháng thứ 3 của thai kì. Móng tay và móng chân đang bắt đầu phát triển, tai ngoài được hình thành. Lúc này, răng cũng mới bắt đầu hình thành. Hệ thống tuần hoàn và hệ tiết niệu hoạt động, gan bắt đầu tạo ra mật. Các cơ quan sinh sản của bé cũng phát triển, nhưng giới tính của bé rất khó phân biệt khi siêu âm.
Các cơ quan sinh sản của bé cũng phát triển, nhưng giới tính của bé rất khó phân biệt khi siêu âm (Ảnh minh họa).
Tháng thứ 4, em bé lúc này thậm chí có thể biết mút ngón tay, ngáp, căng người và chuyển động cơ mặt. Hệ thần kinh bắt đầu hoạt động. Cơ quan sinh sản, bộ phận sinh dục đã phát triển đầy đủ, và bác sĩ có thể nhìn thấy trên màn hình siêu âm để biết thai nhi là trai hay gái. Vào cuối tháng thứ tư, thai nhi dài 15 cm và nặng 113 gram.
Tháng thứ 4, em bé lúc này thậm chí có thể biết mút ngón tay, ngáp, căng người và chuyển động cơ mặt (Ảnh minh họa).
Mẹ bắt đầu cảm thấy bé di chuyển trong bụng rõ rệt từ tháng thứ 5 trở đi. Tóc bé bắt đầu mọc. Vai, lưng và toàn bộ cơ thể bé được bao phủ bởi một lớp lông mềm hay còn gọi là lông tơ giúp bảo vệ bé. Da của bé được phủ một lớp keo nhầy màu trắng được cho là để bảo vệ làn da của bé tránh khỏi sự tiếp xúc lâu ngày trong môi trường nước ối. Lớp keo này cũng sẽ hết ngay trước khi sinh.
Mẹ bắt đầu cảm thấy bé di chuyển trong bụng rõ rệt từ tháng thứ 5 trở đi (Ảnh minh họa).
Tháng thứ 6, da của bé có màu đỏ, nhăn và tĩnh mạch có thể nhìn thấy được xuyên qua làn da trong và mỏng của bé. Bé phản ứng với âm thanh bằng cách di chuyển hoặc gồng mình. Khi bé bị nấc, mẹ có thể cảm nhận các chuyển động giật giật của bé. Vào cuối tháng thứ 6, em bé của bạn dài khoảng 30 cm và nặng 900 gram.
Bé phản ứng với âm thanh bằng cách di chuyển hoặc gồng mình (Ảnh minh họa).
Bé tiếp tục phát triển và hình thành lớp mỡ dự trữ kể từ tháng thứ 7. Khả năng nghe cũng hoàn thiện. Bé thay đổi vị trí thường xuyên và phản ứng với các yếu tố gây kích thích như âm thanh, ánh sáng hoặc bị đau. Nước ối bắt đầu giảm dần. Nếu sinh non, em bé của bạn sẽ có khả năng sống sót sau tháng thứ 7.
Bé thay đổi vị trí thường xuyên và phản ứng với các yếu tố gây kích thích như âm thanh, ánh sáng hoặc bị đau (Ảnh minh họa).
Khi thai nhi được 8 tháng, bộ não của bé phát triển nhanh chóng vào lúc này, bé có thể nhìn và nghe. Hầu hết các cơ quan nội tạng đều phát triển tốt, nhưng phổi vẫn chưa trưởng thành. Lúc này em bé của bạn dài khoảng 45 cm và nặng tới 2250 gram.
Hầu hết các cơ quan nội tạng đều phát triển tốt, nhưng phổi vẫn chưa trưởng thành (Ảnh minh họa).
Tháng mang thai cuối cùng là tháng chuẩn bị cho sự chào đời của bé. Do thai lớn, không gian trong bụng mẹ trở nên chật hẹp nên bé ít di chuyển hơn. Bé thay đổi vị trí, tư thế, di chuyển dần xuống khung xương chậu của mẹ để chuẩn bị cho việc chuyển dạ và chào đời. Thông thường, đầu của bé sẽ quay xuống ống sinh để đi ra ngoài. Khi chào đời, bé dài khoảng 50 cm và nặng khoảng 3200 gram.
Bé thay đổi vị trí, tư thế, di chuyển dần xuống khung xương chậu của mẹ để chuẩn bị cho việc chuyển dạ và chào đời (Ảnh minh họa).
Nguồn: Pregnancy