Viêm bàng quang là một trong những chứng nhiễm trùng rất phổ biến, chủ yếu do vi khuẩn đường ruột Escherichia coli, Staphyllococcus gây ra, thường “tấn công” vào “phái đẹp” hơn là “cánh mày râu”.
Loại bệnh này đem đến cảm giác đau buốt khi đi tiểu. Song, đừng nghĩ rằng nó chỉ ảnh hưởng đến đường tiểu tiện; viêm bàng quang còn có thể dẫn đến vô sinh. Khi mắc chứng bệnh nói trên, người bệnh thường xuyên có nhu cầu đi tiểu nhưng khi vào phòng vệ sinh thì không thể thực hiện hoặc phải hết sức “cố gắng” mới ra được một chút. Nếu viêm bàng quang cứ tiếp tục tấn công một cách không kiểm soát, sẽ dẫn đến đau lưng, sốt hoặc những cơn rùng mình. Điều này có nghĩa, thận của người bệnh đã bị nhiễm trùng.
Ảnh minh họa
Một khi bộ phận sinh dục có vấn đề cộng với tình trạng tổn thương của thận thì chắc chắn rằng đời sống sinh hoạt của bạn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, trong đó bao gồm cả sinh hoạt tình dục. Tất nhiên, khi sinh hoạt tình dục bị rối loạn, khả năng hiếm muộn, vô sinh ở bạn sẽ rất cao.
Để phòng tránh viêm bàng quang, việc đầu tiên là phải thiết lập một thời gian biểu khoa học, hợp lý cho công việc, nghỉ ngơi, vận động. Uống thật nhiều nước mỗi ngày và đặc biệt hạn chế uống rượu, cà phê, trà đen bởi chúng dễ khiến co thắt cơ bàng quang. Đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân bằng, tăng rau quả tươi trong khẩu phần ăn (nhất là xà lách xoong). Tắm nước ấm có khả năng xoa dịu mọi chứng sưng do nhiễm trùng gây nên. Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ kết hợp với việc mặc quần áo thoáng mát (chẳng hạn như quần áo bằng chất cotton). Tránh nhịn tiểu và nên đi tiểu trong vòng 10 phút sau khi quan hệ tình dục.
Nếu mới bị viêm bàng quang, bạn vẫn nên tuân thủ những lưu ý trong việc phòng bệnh, nhất là nên uống nhiều nước vì như thế sẽ giúp bạn tống bớt số vi khuẩn gây bệnh, không cho chúng kịp sinh sản và làm hại đến bạn. Đừng chần chừ, nếu bệnh không thuyên giảm sau hai ngày uống nhiều nước, nghỉ ngơi, ngâm chân nước ấm... mà hãy đến bác sĩ khám bệnh càng sớm càng tốt và phải sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ, tránh để xảy ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, làm bệnh tái phát trở lại. Khi được chỉ định dùng kháng sinh, ngay cả khi triệu chứng bệnh biến mất sau vài ngày điều trị, người bệnh cũng không nên tự ý dừng thuốc mà hãy hoàn thành đủ một đợt kháng sinh theo toa nhằm trị bệnh một cách dứt điểm, đem lại an toàn cho sức khỏe.
6 dấu hiệu nhận biết sớm bệnh nhiễm trùng đường tiểu