Theo thông báo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 22.9.2012 – 16.2.2013, các nước đã ghi nhận có 12 trường hợp dương tính với virút này, trong đó năm trường hợp tử vong tại Arập Saudi, Jordan và Anh.

Từ một bệnh nhân viêm đường hô hấp

Viêm đường hô hấp: thủ phạm là virút nCoV 1
Hình ảnh virút Corona.

Tháng 6.2012, một người đàn ông 60 tuổi vào một bệnh viện tư ở Jeddah thuộc nước Arập Saudi vùng Trung Đông vì khó thở sau bảy ngày bị sốt, ho rồi khạc đàm. Ông ta không hút thuốc lá, chưa bao giờ bị bệnh tim mạch lẫn hô hấp. Khám lâm sàng không phát hiện gì lạ. Trên phim X-quang phổi chỉ thấy rải rác các đốm mờ. Các xét nghiệm máu khác gần như bình thường ngoại trừ tế bào lymphô trong máu giảm nhiều (chỉ còn 4,3% so với mức 20 – 30% ở người bình thường). 

Nhưng vì bệnh nhân khó thở nên được hỗ trợ hô hấp qua nội khí quản trong phòng săn sóc đặc biệt và được điều trị với thuốc kháng virút Oseltamivir (Tamiflu), hai kháng sinh mạnh phổ rộng là Levofloxacin, Piperacillin–Tazobactam, và thuốc chống nấm Micafungin. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn trở nặng nhanh sau bốn ngày điều trị, biến chứng suy thận xuất hiện, có dấu hiệu tổn thương tế bào gan với men gan tăng… rồi tử vong vào ngày thứ 11.

Tất cả các xét nghiệm đều không phát hiện được vi khuẩn nào, cũng không tìm ra các virút gây bệnh đường hô hấp. Trên môi trường cấy tế bào có hiện tượng phá huỷ tế bào sau năm ngày (có virút phát triển), nhưng các xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang lại không thể xác định là virút gì. Sau đó, khi ủ các phết tế bào trong môi trường cấy này với huyết thanh của bệnh nhân được lấy vào ngày thứ 10 và 11 (sau khi vào viện), người ta thấy có phản ứng mạnh dù huyết thanh đã pha loãng 20 lần và điều đáng ngạc nhiên là các mẫu huyết thanh từ 2.400 bệnh nhân được lưu trữ ở bệnh viện này từ 2010 – 2012 đều có phản ứng âm tính. Điều này cho thấy virút vừa phát hiện trên môi trường cấy tế bào (từ bệnh phẩm của bệnh nhân tử vong) chưa hề xuất hiện trong khu vực!

Các xét nghiệm sinh học phân tử chuyên sâu hơn được thực hiện cho thấy đây là một virút thuộc họ Corona. Do các nghiên cứu được thực hiện ở trung tâm y khoa Eramus (Eramus Medical Center) Hà Lan nên virút được đặt tên Corona – EMC trên người (HCoV-ECM).

Quầng sáng tử thần

Corona là họ gồm các virút có bao, chứa RNA có cấu trúc di truyền khác nhau và gây nhiều bệnh cảnh cũng khác biệt nhau. Tên gọi Corona là vì trên kính hiển vi điện tử, virút hiện ra như quầng sáng quanh mặt trời (nhật hoa, tiếng Latinh: corona). Virút Corona được tìm thấy nhiều ở loài dơi, cũng được tìm thấy ở chim, mèo, chó, heo, chuột, ngựa, cá voi và người. Là tác nhân gây bệnh đường hô hấp, đường ruột, gan, thần kinh và mức độ trầm trọng tuỳ theo loài vật bị nhiễm.

Thế kỷ 21 đã chứng kiến sự bùng phát của virút Corona. Trước năm 2003 chỉ có hai loại gây bệnh trên người được biết đến là HCoV-229E và HCoV-OC43, cả hai đều được phát hiện vào năm 1960. Năm 2003, virút Corona gây dịch “hội chứng hô hấp cấp trầm trọng” (SARS) có tên SARS-CoV được xác định sau khi gây tử vong cho hơn 800 người trên 30 quốc gia. Sau đó phát hiện thêm HCoV-NL63 và HCoV-HKU1.

Virút Corona có ba nhóm chính: alpha, beta và gamma. Virút SARS và nCoV đều thuộc nhóm beta nhưng khác nhau. Người ta đã so sánh cấu trúc di truyền của nCoV và hai virút được phát hiện trước là HKU4 và HKU5 nhưng mức độ tương đồng chỉ

Virút Corona gây bệnh đường hô hấp trên người nhưng đa số là nhẹ như cảm lạnh, nhưng SARS-CoV và nCoV lại gây những bệnh cảnh trầm trọng tương tự nhau: sốt kèm ho, sau đó diễn tiến nhanh đến suy hô hấp cấp (acute respiratory distress syndrome-ARDS) với tổn thương phổi lan toả nhanh rồi suy đa tạng (multi-dysfunction syndrome – MODS). Bệnh cảnh này cũng giống cúm nặng do virút cúm gia cầm H5N1 hay virút cúm đại dịch H1N1 (2009). Dấu hiệu đáng chú ý duy nhất là giảm tế bào lymphô trong máu ngoại biên trong thời gian đầu. Có lẽ những virút mới như SARS, H5N1 trong cúm đại dịch trước đây và nCoV bây giờ đã gây một đáp ứng miễn dịch dữ dội kéo theo sự phóng thích nhiều chất cytokines gây hậu quả trầm trọng trong cơ thể. Những nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ đáp ứng miễn dịch vốn dĩ để bảo vệ cơ thể, trong nhiều trường hợp do đặc tính di truyền của cơ thể, đã phản ứng quá mức dẫn đến tự hại mình!

Có điều may mắn là hiện nay sự lây truyền giữa người và người của virút nCoV dường như rất giới hạn. Không có nhân viên y tế nào chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh. Tuy nhiên cần khảo sát thêm về nồng độ kháng thể của các người này để loại trừ nhiễm trùng không có triệu chứng (nhưng có thể phát tán virút sang người khác), thực hiện các biện pháp phòng ngừa phổ cập bệnh viêm đường hô hấp đã khuyến cáo trong các vụ SARS hay cúm đại dịch tương đối phù hợp để phòng chống lây nhiễm nCoV.

Những bài học không bao giờ cũ

Những vụ dịch SARS 2003, đến cúm gia cầm H5N1 rồi đại dịch cúm H1N1 (2009) cho thấy cần cảnh giác trước một bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp với lượng tế bào bạch cầu bình thường và tế bào lymphô thấp, rồi nhanh chóng xấu đi trong 1 – 2 ngày dù cho điều trị tích cực với nhiều loại kháng sinh mạnh; nên lấy bệnh phẩm (phết mũi họng hay chất tiết hô hấp) để cố gắng xác định nguyên nhân. 

Bộ Y tế đã nhanh chóng ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các trường hợp nhiễm nCoV dựa theo khuyến cáo của trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhưng cần chú ý đến những người có nguy cơ nhiễm cao như đi từ khu vực có người bệnh (bán đảo Arập) có các dấu hiệu viêm đường hô hấp như đã nêu. Nếu không lưu ý đến những đối tượng này thì ít có khả năng nhận được bệnh phẩm để phát hiện virút nCoV dù có phòng xét nghiệm tốt. Theo nhận định thì hiện nay sự cảnh giác của thầy thuốc cũng như bệnh nhân cần được tăng cường.

Cho đến nay, tuy đã xác định được tác nhân gây bệnh nhưng cách điều trị vẫn còn là một “lỗ đen”. Dù tỷ lệ tử vong cao, hiện chưa có kế hoạch tạo vắcxin nào được nghĩ đến. Số lượng bệnh nhân ít, thiếu sự phối hợp tại chỗ và quốc tế nên nhiều phương thức điều trị mới như interferon, huyết thanh trị liệu vẫn chưa đánh giá được… Sự phối hợp này chỉ có được khi có sự minh bạch trong phòng chống dịch – nhanh chóng công bố để phối hợp điều tra và xử lý.




4 dịch bệnh nghiêm trọng nhất trong 9 năm đầu thế kỷ 21 
Viêm đường hô hấp: thủ phạm là virút nCoV 2