1. Bệnh viêm gan C là gì?

Viêm gan C - “Sát thủ thầm lặng” 1
Viêm gan B được xem là sát thủ thầm lặng, vì vậy, sống lành mạnh để bảo vệ gan là điều quan trọng với mỗi người. Ảnh minh họa: internet.

- Bệnh viêm gan C, gọi đầy đủ là viêm gan siêu vi C, gây ra do một loại vi-rút được đặt tên là vi-rút viêm gan C (viết tắt là HCV).

- Viêm gan C không nặng hơn viêm gan B, vì B và C chỉ là tên riêng do các bác sĩ đặt cho hai loại vi-rút này, không mang ý nghĩa viêm gan C là giai đoạn sau của viêm gan B.

- Vi-rút viêm gan C có sáu phân nhóm, trong đó phân nhóm 1 là nặng nhất vì dễ bị kháng thuốc và tái phát sau điều trị.

* Bệnh là "sát thủ thầm lặng" vì diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu dù ở thể tấn công. Do đó, bệnh nhân không chú ý đi khám, đến khi có biến chứng xơ gan và ung thư gan là đã muộn.

- Thể yên lặng: Ít nguy cơ diễn tiến thành xơ gan (tỷ lệ 5%). Ít nguy cơ diễn tiến thành ung thư gan (< 1%/năm).

- Thể hoạt động: Rất dễ diễn tiến thành xơ gan (tỷ lệ 30%). Nguy cơ xuất hiện ung thư gan là 3-5% mỗi năm.

Viêm gan C - “Sát thủ thầm lặng” 2

2. Bệnh viêm gan C gồm những thể bệnh nào?

* Viêm gan C cấp tính:

- Viêm gan C cấp không triệu chứng:

Xảy ra trong vòng 2-12 tuần sau khi bị lây nhiễm; chiếm 90% số trường hợp viêm gan C cấp; bệnh nhân không có các biểu hiện của viêm gan cấp như vàng mắt, vàng da, tiểu sậm màu, đau tức vùng gan bên (P).

- Viêm gan C cấp có triệu chứng:

Xảy ra trong vòng 4- 8 tuần sau khi bị lây nhiễm vi-rút; chỉ chiếm 10% số trường hợp viêm gan C cấp.

Bệnh nhân có các biểu hiện của viêm gan cấp như vàng mắt, vàng da, tiểu sậm màu, đau tức vùng gan bên (P) kèm theo các dấu hiệu giống cảm cúm như mệt mỏi, sốt nhẹ, mỏi cơ, ăn không ngon; xét nghiệm có men gan và chất bilirubine tăng cao.

Viêm gan C - “Sát thủ thầm lặng” 3
Vàng mắt- một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm gan B

- Sau giai đoạn viêm gan C cấp, có đến 2/3 số trường hợp, vi-rút vẫn tồn tại kéo dài (trên sáu tháng), gây bệnh viêm gan C mạn tính.

* Viêm gan C mạn:

- Viêm gan C mạn thể yên lặng:

Chiếm khoảng 60-90% số trường hợp nhiễm viêm gan C mạn. Thường không có triệu chứng, chủ yếu tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe tổng quát, khi đi hiến máu.

Thể này tương đối nhẹ và ít diễn tiến thành xơ gan. Tuy nhiên, vẫn có thể diễn tiến thành thể tấn công.

- Viêm gan C mạn thể tấn công:

Chiếm 10 - 40% số trường hợp nhiễm viêm gan C mạn. Bệnh nhân thường có những triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da sậm màu hơn so với trước đây, xuất hiện các nốt đỏ ở da ngực, da lưng, gan to. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân không có triệu chứng. Siêu âm gan thấy gan bắt đầu to ra và không còn mềm mại nữa, men gan và chức năng gan đã bắt đầu thay đổi.

Thể này dễ diễn tiến thành xơ gan nếu không được điều trị kịp thời.

- Những yếu tố khiến thể yên lặng dễ diễn tiến thành thể tấn công:

Nam giới hoặc phụ nữ mãn kinh; hút thuốc lá; uống bia rượu; béo phì, nhất là béo bụng, tăng mỡ máu; ăn nhiều chất ngọt, tiểu đường; dư chất sắt trong cơ thể; đồng nhiễm vi-rút viêm gan B, HIV/AIDS; nhiễm vi-rút viêm gan C phân nhóm 1.

Viêm gan C - “Sát thủ thầm lặng” 4
Hút thuốc dễ làm bệnh viêm gan diễn tiến nặng hơn

3. Bệnh nhân viêm gan C mạn cần làm gì?

Không nên quá lo lắng, vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường.

Nên đi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật khám để được làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu. Nếu ở thể hoạt động thì cần được điều trị ngay để chặn diễn tiến của bệnh. Nếu ở thể yên lặng, cần theo dõi định kỳ mỗi ba-sáu tháng. Việc điều trị tích cực ở thể này sẽ được bác sĩ chuyên khoa cân nhắc tùy trường hợp cụ thể.

Phác đồ điều trị thường kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Phác đồ cổ điển bao gồm: thuốc chích kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể tự tiêu diệt vi-rút kết hợp với thuốc uống ức chế vi-rút. Phác đồ bộ ba mới nhất với sự phối hợp giữa phác đồ cổ điển với thuốc mới nhất có tác dụng tiêu diệt trực tiếp vi-rút, nâng tỷ lệ thành công, ít bị tái phát.

- Bệnh dễ tái phát sau sáu tháng từ lúc kết thúc điều trị. Nguyên nhân thường là: nhiễm vi-rút C nhóm 1 (nhóm độc lực cao); đề kháng kém: già, tiểu đường, nhiễm HIV, bị bệnh lao kèm theo; dùng các thuốc ức chế miễn dịch của cơ thể: thuốc trị ung thư, dùng thuốc có chứa chất corticoid (thuốc hạt dưa).

- Tỷ lệ thành công, không tái phát như sau:

Nhiễm vi-rút nhóm 1: thành công 45% (phác đồ cổ điển), 85-95% (phác đồ bộ ba mới nhất). Nếu nhiễm vi-rút nhóm 2-3: thành công 80-85%. Nếu nhiễm vi-rút nhóm 4-5-6: thành công 60-70%.

* Đối với bệnh nhân bị tái phát sau điều trị:

Không nên quá lo lắng vì khả năng diễn tiến thành xơ gan đã giảm rất nhiều. Hiện tại với các loại thuốc uống tiêu diệt siêu vi trực tiếp phối hợp với phác đồ cổ điển, tỷ lệ thành công khi điều trị trở lại cũng khá tốt và ít bị tái phát.

4. Phòng bệnh:

Vì bệnh chỉ lây lan theo máu qua các vết trầy xước, rách da nên cần chú ý: Tình dục an toàn. Không dùng chung các vật sắc nhọn như dao lam, dao cạo râu, dụng cụ làm móng tay móng chân, kim châm cứu...

Viêm gan C - “Sát thủ thầm lặng” 5

5. Nhiễm viêm gan C có nên mang thai?

- Nên điều trị đủ phác đồ rồi mới có thai, nhất là ở thể tấn công.

- Theo dõi với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật trong thời gian mang thai.

- Cho trẻ bú mẹ bình thường trừ phi đầu vú của mẹ bị nứt nẻ, lở loét dễ chảy máu.